‘Đừng đánh giá sách giáo khoa lớp 1 bằng tư duy của người lớn’

Phụ huynh đang cố gắng hoàn hảo và cứng nhắc hóa mọi chi tiết trong sách giáo khoa lớp 1 mà không hiểu liệu chúng có tốt cho học sinh.

Phản biện lại những ý kiến chê sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 thời gian qua, độc giả TOm TOm nêu quan điểm: “Thực ra, tôi nhận thấy tất cả các ý kiến phản đối ở đây đều xuất phát từ người lớn cả. Và vấn đề ở đây là họ đang cố dùng tư duy nhìn nhận vấn đề của mình thay cho một đứa trẻ lớp 1. Hay nói cách khác, họ không hề đặt bản thân vào tư duy của một đứa trẻ sáu tuổi để tiếp cận vấn đề.

Những người biên soạn sách là các chuyên gia giáo dục. Họ đã gắn bó cả đời với giáo dục và trải qua hàng chục thế hệ học sinh rồi nên tôi tin cái cách họ nhìn nhận vấn đề mới gần gũi với cách suy nghĩ của trẻ nhất. Khi lớn, chúng ta cố hoàn hảo và cứng nhắc hóa mọi chi tiết, mọi góc nhìn, mọi đánh giá… nhưng thực ra nó có tốt cho học sinh hay không? Tôi cho rằng, trong 10 người chê sách giáo khoa, có tới sáu người có những cách dạy con khác nhau. Thậm chí, trong sáu người đó có thể còn tranh cãi với nhau về cách dạy học.

Đồng ý là sách hay bất cứ tài liệu nào cũng đều có những hạt sạn khó tránh. Đó là lý do kể cả những tác phẩm kinh điển mỗi khi tái bản cũng đều có chỉnh lý ít nhiều. Vấn đề là thông điệp mà nó xuyên suốt thế nào mà thôi.

Tóm lại, đừng dùng tư duy quá cứng nhắc và soi xét quá tỉ mỉ để áp đặt vào một môn học mà tư duy và cách tiếp cận của một đứa trẻ sáu tuổi mới là nhân vật trung tâm. Sách viết cho các cháu nhỏ chứ không phải viết cho phụ huynh học”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Ngược dòng đám đông nhấn mạnh: “Rất nhiều người Việt phản ứng theo số đông, theo phong trào khi chưa thực sự tìm hiểu sâu, hoặc chưa phân tích logic những thứ mình sẽ nói. Thậm chí, có người đột nhiên phủ nhận tất cả các bài học đạo đức mà các cháu đã và đang được học chỉ vì nghe loáng thoáng thấy một lỗi không mấy liên quan. Các cháu bé xung quanh tôi bao gồm cả trong gia đình và người quen đều không có vấn đề gì với sách giáo khoa, không có chuyện đeo cặp 10 kg hay học mà không biết đọc, biết viết. Có chăng, vấn đề chính là ở phía các phụ huynh khi đã có bệnh thành tích từ trong tiềm thức, luôn bắt con mình phải điểm 9, điểm 10. Thêm nữa, nhiều cha mẹ cũng phó mặc con cái cho nhà trường, mặc dù gia đình chiếm một phần vô cùng lớn trong việc dạy dỗ con trẻ”.

>> Bình tĩnh với sách giáo khoa lớp 1

Cho rằng các phụ huynh cần bình tĩnh xem xét tất cả các khía cạnh của sách giáo khoa mới trước khi đánh giá thay vì chỉ nhìn hời hợt một vài câu từ, hình ảnh, độc giả Châu Đ nhận định: “Liệu các bạn có đủ chuyên môn để cho rằng bộ não của những đứa trẻ lớp 1 không thể hấp thụ được cuốn sách này? Trong khi những nhà chuyên môn biên soạn bộ sách là tập hợp đội ngũ có trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm, đặc biệt là chuyên ngành về tâm lý học và giáo dục cũng như nghiệp vụ sư phạm. Dĩ nhiên, không thể khẳng định một cách tuyệt đối là chuyên gia không bao giờ sai, nhưng đã phản biện họ thì cần phải cụ thể và thật xác đáng. Đó là lý do mà xã hội cần sự phân công lao động.

Bản thân tôi (là dân công nghệ) đã nghiên cứu rất nhiều về tâm sinh lý con trẻ, chơi với con, tương tác và nói chuyện với con rất nhiều. Tôi nghiệm ra rằng, cùng một sự vật, sự việc, hiện tượng… các bé sẽ tiếp nhận và tư duy theo cách rất là trẻ con và hoàn toàn không hề nâng tầm quan điểm như cách người lớn chúng ta vẫn hay áp đặt. Và tôi cũng tin rằng, những nhà chuyên môn đủ trình độ để làm việc mà họ đang làm tốt hơn chúng ta rất nhiều (vì tôi thực sự đọc và áp dụng những lời khuyên, chỉ dẫn của họ, kết hợp chiêm nghiệm, quan sát cá nhân, và thấy hiệu quả). Tôi nghĩ các phụ huynh nên bình tĩnh, suy nghĩ chậm lại, đừng dùng định kiến cá nhân và tư duy người lớn cũng như dư luận số đông để phán xét, biết đâu các bạn sẽ lại có góc nhìn khác”.

>> Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Thành Lê tổng hợp

Sách giáo khoa lớp 1 làm khó cả giáo viên lẫn phụ huynh

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *