‘Đừng mất thời gian cho những bản di chúc’

Thay vì trăn trở lập di chúc trước khi chết, tôi chọn cách giáo dục tốt con cái để chúng không đánh đổi tình thân vì tài sản thừa kế.

Gần đây tôi thấy người ta bàn tán chuyện có nên lập di chúc và khi nào lên lập? Thậm chí, một bộ phận người trẻ còn có xu hướng lập di chúc từ tuổi 20, tránh việc tranh chấp tài sản sau này. Tôi nghĩ đó cũng là một sự chuẩn bị không thừa khi người ta không biết trước tương lai của mình sẽ ra sao? Tuy nhiên, tôi không chọn cách đó.

Tôi hiện đã ngoài 60 tuổi, có vợ và ba con (hai trai, một gái). Các con của tôi đều đã có gia đình riêng. Tôi đang sống cùng vợ chồng đứa con trai út. Nói về tài sản tích góp được sau những năm tháng làm việc, lao động, tôi có một cuốn sổ tiết kiệm khoảng hai tỷ đồng, một căn nhà 50 m2 ở thành phố đang ở cùng con út và một ít vàng. Các con của tôi đều có công ăn việc làm, có sự nghiệp riêng, tự lo được cho bản thân mình.

Việc tôi sống cùng gia đình thằng út cũng là do tự nguyện từ phía các con, không phải vì tài sản thừa kế bởi tôi chẳng hứa hẹn gì cho chúng cả. Tiền lãi tiết kiệm, tôi dùng để sinh hoạt cá nhân, an dưỡng tuổi già, không phải phiền đến con cháu mỗi khi đi viện, thuốc men.

Thực ra, tôi muốn con ra ở riêng nhưng chúng sợ bố mẹ già trái gió trở trời không ai chăm sóc nên bàn nhau cho một đứa ở cùng cha mẹ.

Tôi cho rằng, chuyện viết di chúc thế nào, để lại tài sản cho ai không phải chuyện lớn nếu bạn có sự chuẩn bị từ sớm. Chuẩn bị ở đây là cách bạn giáo dục con từ khi còn nhỏ, hướng chúng biết quý trọng tình thân chứ không phải dăm ba món vật chất vô tri vô giác. Ngay từ khi con còn nhỏ, tôi đã luôn dặn mình phải giữ công bằng mọi mặt với các con, không thiên vị, không ghét bỏ đứa nào dù mỗi đứa một tính, một nết. Tôi cũng thường xuyên nhắc nhở con phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau mỗi khi khó khăn.

Cũng chính nhờ sự chuẩn bị đó, mà các con tôi lớn lên bên nhau hòa thuận, không bao giờ cãi cọ chỉ vì chuyện đất cát, tài sản. Thậm chí, mấy năm trước, đứa út nhà tôi làm ăn thua lỗ, anh chị nó còn sẵn sàng bỏ tiền túi ra để giúp em làm lại từ đầu. Trong khi với nhiều gia đình khác, có lẽ khó mà nghĩ tới chuyện đó bởi người ta còn bận giành nhau mảnh đất, ngôi nhà của cha mẹ để lại.

>> Anh em trở mặt khi bán đất thừa kế

Tôi thường nói với các con rằng “sau khi cha mẹ mất, toàn bộ tài sản (kể cả căn nhà đang ở) sẽ chia làm ba phần đều nhau, bất kể trai hay gái; nếu các con thấy có đứa nào khó khăn hơn thì tự san sẻ cho nhau, miễn sao phải đặt tình thân lên hàng đầu”. Và đến giờ, chưa một phút nào tôi nghi ngờ về điều đó, chưa bao giờ có ý định viết di chúc để cho chắc ăn như nhiều người khác.

Tôi từng chứng kiến nhiều người bạn già của mình đau đầu, mệt mỏi vị chuyện con cái tranh giành đất cát, tài sản, thậm chí ngay cả khi cha mẹ còn sống. Đó là chuyện chẳng ai muốn, nhưng lại là hệ quả của cả một quá trình dạy dỗ, sống cùng con cái.

Nhiều đứa con coi cha mẹ mình như một gánh nặng, một “cục nợ” phải gánh trên lưng. Có đứa vì muốn được thừa kế nhiều nên chấp nhận sống với cha mẹ (thực chất cũng chẳng coi cha mẹ ra gì). Đó quả thực là bi kịch.

Bản thân tôi, khi quyết định sống chung với con cái, luôn ý thức rằng mình không được làm gánh nặng của con. Thế nên tôi không dựa dẫm vào tiền bạc của con, không coi mình là chủ nhà, áp đặt suy nghĩ lên con cái.

Thay vào đó, tôi chấp nhận lùi về phía sau, để con làm chủ gia đình, quyết định những chuyện lớn trong nhà. Thậm chí, tôi tự thay đổi tư duy của mình, nghe theo những quan điểm mới, hiện đại của con (từ chuyện nuôi dạy con cái thế nào hay nề nếp sinh hoạt, lễ nghi, cũng bái ra sao…?).

Người già không nên cố sức ôm đồm quá nhiều, hãy để thế hệ trẻ thay thế dần ngày từ khi còn sống. Nhờ vậy mà ba thế hệ gia đình chúng tôi rất ít khi xảy ra mâu thuẫn, xích mích trong cuộc sống hằng ngày.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tôi phủ nhận ý nghĩa của việc lập di chúc. Nhiều quốc gia còn tùy thuộc vào văn hóa, luật pháp của mỗi nước. Đừng quá đề cao, lãng phí thời gian cho những bản di chúc để rồi đánh mất đi những giá trị tốt đẹp khác trong cuộc sống.

Hãy dành thời gian nuôi dạy con cho tốt. Với tôi, bản di chúc tốt nhất chính là khi bạn chẳng phải viết ra thứ gì mà không lo gia đình tan vỡ chỉ vì tài sản thừa kế. Mà điều đó, hoàn toàn tùy thuộc vào cách bạn sống trong những năm tháng trên cõi đời này.

Huy Thông

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *