Đuổi học sinh viên kém để nâng chất lượng đào tạo

Vào đại học dễ, ra trường khó thì giá trị của tấm bằng mới cao.

Các đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Luật, Công nghiệp Thực phẩm dự kiến buộc thôi học hơn 800 sinh viên học kém, bị cảnh báo học vụ hai lần liên tiếp. Nhiều độc giả quan tâm xung quanh vấn đề này.

Một số độc giả chỉ ra nguyên nhân chính khiến nhiều sinh viên “chán” đại học:

– Lên đại học nhưng nhiều sinh viên không có phương pháp tự học, thời phổ thông trông chờ vào học thêm để giải quyết bài tủ.

– Tự thưởng cho mình xả hơi sau 12 năm phổ thông, rồi nợ môn từ năm nhất không trả nổi nối tiếp năm sau.

– Đua theo nhóm bạn ăn chơi, muốn ăn chơi thì phải có tiền, rồi đi làm thêm thời gian đâu mà học.

Hung

Tôi cũng từng là sinh viên, thiết nghĩ số lượng các bạn bị buộc thôi học có hai lý do. Một là các bạn sinh viên gặp phải môi trường ăn chơi lêu lổng thiếu sự giám sát của gia đình và nhà trường. Nhất là gia đình cứ chỉ viện tiền bạc dồi dào nên các bạn ăn chơi ỷ lại không chịu học. Hai là do cách dạy của nhà trường không được tốt dẫn đến nhàm chán.

Huan Phan The

Khi học phổ thông nhiều học sinh xem đại học là đích đến nên bằng mọi giá phải vào cho bằng được. Vào xong rồi như chim sổ lồng, đặc biệt là mấy em từ tỉnh lẻ lên thành thị, ham đi chơi, ham đi làm thêm, thế là trượt dài thôi. Đó là lỗi do mình chứ chẳng lẽ do nhà trường?

kanon

Độc giả Giang Trinh Minh: Đi học xa gia đình cần bản lĩnh, tính trách nhiệm rất cao mới chống lại những cám dỗ ngoài xã hội. Ở chỗ tôi có một vài em lúc ở nhà học rất giỏi, rất ngoan. Sau khi vào Nam học đại học bắt đầu chán việc học, đi chơi, nợ môn rồi bị thôi học.

Gia đình không biết chuyện vì các em điện thoại bảo bố mẹ yên tâm cứ lo tiền cho con thôi. Họ ung dung gửi tiền học vào, có người sẵn dịp vào tới trường tìm để thăm mới biết con mình bị thôi học, có người do bạn nói mới biết con mình nghỉ học.

Ngay cả cháu tôi, ở quê ngoan, học giỏi thi đậu đại học, cuối cùng còn một năm nữa tốt nghiệp, bỏ ngang không học, tốn không biết bao nhiêu tiền của cha mẹ.

Độc giả Ngoc Long: Các bạn sinh viên cũng đừng vì quá nặng việc mưu sinh kiếm sống trong thời gian đi học hơn là việc phải tập trung cho việc học hành. Mong các bạn nên nhớ rằng, học đại học chứ không phải “học đại” một ngành học nào đó. Không nên thiếu sự cân nhắc, lựa chọn kỹ trước khi quyết định thi vào trường như là đặt một chân ở trường đại học sau khi trúng tuyển, một chân lại thò ra ngoài để kiếm sống vì cơm áo gạo tiền.

Tất nhiên, không ai cấm các bạn sắp xếp hợp lý việc học và tranh thủ làm thêm bên ngoài để giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình về chi phí. Nhưng đã học thì phải nghiêm túc, kết quả học tập và ý thức kỷ luật trong học tập là thước đo của sự nỗ lực trong suốt thời gian theo học ở trường.

Các bạn bị buộc thôi học, quả thật là đáng tiếc vô cùng, bởi trường đại học nơi các bạn theo học là những trường danh giá, thật uổng công mong đợi của cha mẹ, tốn hao thời gian, công sức và tiền bạc cho việc học, nhưng lại không tới nơi, tới chốn. Một điều khó khăn hơn nữa là chắc gì tất cả các bạn sẽ làm lại được như từ đầu sau khi bị nhà trường buộc thôi học. Cái kết thật vô cùng đáng tiếc. Mong rằng cánh cửa tương lai cũng sẽ không khép lại nếu các bạn quyết tâm, nỗ lực hết mình để sửa sai.

Độc giả Tuấn: Kết quả học tập kém bị buộc thôi học để nâng cao chất lượng đào tạo. Vào đại học dễ, tốt nghiệp ra trường khó thì tấm bằng mới có giá trị. Mỗi người phải có lựa chọn có học đại học không, học ngành gì, cho phù hợp với khả năng và nhiệt huyết của bản thân để đỡ phí hoài tiền của của gia đình và xã hội, đỡ phí hoài tuổi trẻ của bản thân.

Hữu Nghị tổng hợp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Sai lầm hy sinh đời bố, củng cố đời con bằng đại học

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *