Gánh nặng chi phí cách ly Covid-19 ở khách sạn 5 sao

Khao khát trở về quê hương sau nhiều tháng mắc kẹt tại Nhật Bản vì dịch bệnh, nhưng tôi sợ không kham nổi chi phí cách ly ở khách sạn.

Tôi xa Hà Nội đã được 2,5 năm để sang Nhật Bản du học. Trong khoảng thời gian đó, nỗi nhớ gia đình và quê hương cũng dần nguôi ngoai bởi sự bận rộn của việc vừa học vừa làm thêm để trang trải chi phí. Tháng 9/2020, tôi tốt nghiệp nhưng chưa thể về nước vì dịch bệnh Covid-19.

Trong những ngày gần đây, thông tin về việc sắp sửa mở đường bay thương mại từ các nước chống dịch tốt đã làm tôi vui mừng và hy vọng. Tôi vui với ý nghĩ sắp được trở về với quê hương và gia đình sau một thời gian dài và gần hai tháng mắc kẹt. Tôi hy vọng vào hành trình trở về gần hơn bao giờ hết.

Nhật Bản có số lượng du học sinh, tu nghiệp sinh người Việt rất lớn, đồng nghĩa với đó là số lượng người hết hạn hợp đồng, hết thị thực đang chờ đợi được về nước cũng rất đông. Có những người đã mất việc, hết visa và chờ đợi từ tháng 5, tháng 6. Với chúng tôi, thông tin mở đường bay thương mại thực sự như một vị cứu tinh sau những tháng trời chờ đợi thông báo những chuyến bay hồi hương từ Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản.

Nhưng, có một điều làm chúng tôi băn khoăn. Hiện nay nếu đi các chuyến bay về nước thì sẽ phải lựa chọn cách ly tại khách sạn. Thường các khách sạn đó ở mức 4, 5 sao, ít được cách ly tập trung có trả phí tại các khu quân đội như đợt dịch.

Chúng tôi hiểu cơ quan chức năng đã tạo điều kiện hết sức để chúng tôi có thể hồi hương sau nhiều tháng bị kẹt tại Nhật Bản, trong điều kiện bị cắt giảm hoặc không có việc làm. Nhưng quả thật, với chi phí cách ly lên tới trên 20 triệu cho 14 ngày tại các khách sạn cao cấp như vậy thì chúng tôi cũng khó đáp ứng. Nếu từ chối, chúng tôi sẽ phải chờ chuyến bay thương mại hoặc các chính sách sau này, trong khi rất nhiều người đã cạn tiền vì không còn việc làm, không được đi làm (do visa không cho phép) từ lâu.

>> 7 lý do nên cách ly tại khách sạn

Mong muốn của chúng tôi chỉ là được sắp xếp cách ly tại các khách sạn vừa tầm, không phải 4 sao, 5 sao. Cách ly cũng chỉ phải ở trong phòng cả ngày và không tiếp xúc với người khác theo quy định chung đã có. Nhưng nỗi khổ này, liệu mọi người ở nhà có thể cảm thông? Xin hãy hiểu rằng, những người lao động từ Nhật Bản trở về, đã là những người không còn lựa chọn nào khác. Vì nếu có, chúng tôi sẽ đợi đến khi hết dịch, khi các đường bay được tăng cường, để trở về.

Tôi đã đọc một thông tin về việc Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị Sở Du lịch Hà Nội rà soát lại danh sách các khách sạn đủ tiêu chuẩn làm địa điểm cách ly tập trung mà vẫn phải đảm bảo chi phí phù hợp với công dân trở về từ nước ngoài. Hiện tại các cơ sở cách ly được phê duyệt tại Hà Nội có giá thấp nhất là 2,5 triệu đồng mỗi ngày với khách sạn 4 sao.

Mở lại đường bay thương mại đồng nghĩa với việc hàng tuần, số lượng người trở về cách ly là rất lớn. Mở rộng các khách sạn được cách ly, không chỉ ở các các thành phố lớn, mà còn ở các tỉnh lân cận xung quanh, sẽ giúp nâng cao được số lượng phòng và năng lực cách ly, hỗ trợ các khách sạn vừa và nhỏ có nguồn thu ổn định trong giai đoạn khó khăn, đồng thời giảm gánh nặng chi phí cho những người hồi hương.

Tôi rất hy vọng, không chỉ Hà Nội, mà các tỉnh thành khác cũng sẽ hiểu được điều điều này, để những chuyến bay trở về quê hương, không còn phải lẫn lộn vui mừng và xót xa.

Đỗ Mai Hương

>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Cách ly người nhập cảnh tại khách sạn - lợi bất cập hại

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *