Giấc mộng Nam tiến đổi đời

‘Ở TP HCM dễ kiếm tiền, cứ chăm chỉ, cố gắng sẽ có đồng ra đồng vào’, nhiều người tin vậy khi quyết định Nam tiến.

Sắp tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, em họ tôi đã hối hả chuẩn bị đồ đạc, tinh thần để lên đường Nam tiến ngay sau khi ra trường. Gia đình không giàu có gì, cũng chỉ đủ tiền cho con ăn học, chẳng có người thân họ hàng nào ở Sài Gòn, nhưng em tôi vẫn một mực quyết định với niềm tin cơ hội sẽ lớn hơn.

“Có biết bao lựa chọn, sao phải sống ở Sài Gòn?”, tôi tự hỏi. Thực tế, có nhiều người thành công ở đấy, nhưng cũng không ít trường hợp thất bại phải lựa chọn ở lại và vật lộn mưu sinh hoặc từ bỏ giấc mơ đổi đời để trở về nơi xuất phát. Sài Gòn giờ không chỉ là nơi người dân các tỉnh miền Tây đổ về tìm cơ hội mà còn là điểm đến lý tưởng của không ít người từ các tỉnh miền Bắc, Trung, trong đó có cả Hà Nội.

Tôi từng nghe nhiều bạn trẻ nói với nhau rằng vào Sài Gòn lập nghiệp sẽ có cơ hội kiếm việc dễ dàng hơn, dễ sống hơn, nhất là những ai học kém, những ai không cạnh tranh nổi ở Hà Nội.

Tôi cũng học Đại học ở Hà Nội, lớp tôi có khoảng 40 sinh viên đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Sau khi ra trường, một số nhỏ về lại quê hương, số khác ở lại thủ đô lập nghiệp, còn lại tới nửa lớp chọn Nam tiến tìm cơ hội. Trong số này, đến nay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay những người có công việc ổn định đúng chuyên môn, còn lại làm đủ thứ nghề khác nhau để kiếm sống.

Thậm chí, có bạn mở quán ăn, chạy xe ôm kiếm sống qua ngày. Tôi hỏi “khổ vậy sao không về quê?”, nhưng tất cả đều một mực nói rằng “ở Sài Gòn vẫn dễ sống hơn”.

Dù đất chật, người ngày một đông, nhưng Sài Gòn vẫn có cái gì đó rất lạ, luôn thôi thúc những thanh niên ở các tỉnh vào lập nghiệp cho bằng được. Họ thà làm thuê làm mướn ở đất Sài thành thay vì về quê với ruộng đồng, gà vịt.

Tôi cũng quen nhiều người có công việc ổn định ở Hà Nội hẳn hoi, nhưng vẫn quyết xách ba lô vào TP HCM tìm kiếm những cơ hội mới. Thậm chí, họ chấp nhận phải làm việc trái ngành, trái nghề.

>> ‘Tôi không muốn rời quê hương, nhưng ủng hộ con ra nước ngoài sống’

Vì sao vậy? Tôi cứ thắc mắc mãi về xu hướng này. Trong khi thực tế nhịp sống ở Sài Gòn vội vã hơn nhiều nơi khác. Mức sống ở Sài Gòn khá cao, chi phí khá đắt đỏ. Chứng kiến guồng quay không ngưng nghỉ ấy, tại sao nhiều người vẫn muốn lao vào?

“Ở Sài Gòn dễ kiếm tiền, cứ chăm chỉ, cố gắng thì sẽ có đồng ra đồng vào, không sợ chết đói, chỉ với chiếc xe cà tàng, đôi quang gánh, xe đẩy cũng vẫn có thể sống tốt”, có lẽ lời khẳng định của bạn tôi chính là câu trả lời.

Có những người rời quê vào Sài Gòn để mưu sinh, lập nghiệp, kiếm kế sinh nhai, vì nhận thấy đây là nơi phù hợp, giúp bản thân có thể phát triển. Tuy nhiên, cũng có không ít chọn Nam tiến chỉ vì chạy theo đám đông, tin vào một tương lai dễ sống, nhiều cơ hội đổi đời trong khi bản thân không hề định hướng trước được con đường sắp đi. Theo tôi, đó là một sai lầm. Sống giữa chốn phồn hoa đô thị, có người cười thì cũng có người khóc. Không phải người ta thành công thì bạn cũng sống tốt.

Sài Gòn vẫn còn đó nhiều bất cập: nạn kẹt xe, ngập úng, cướp giật, tai nạn giao thông… Đó là những thứ bạn sẽ phải đối mặt khi quyết định sống và làm việc tại đây. Tất nhiên, lựa chọn sống là của mỗi người, nhưng hãy suy nghĩ thật cẩn trọng trước khi quyết định bất cứ thứ gì. Nam tiến hay không là tùy ở chính bạn. Có điều, đừng nhìn người khác để quyết định cho bản thân để rồi vỡ mộng và hối hận về bước đi sai lầm của mình.

Tôi tin rằng, cơ hội ở đâu cũng có, quan trọng là bạn có nhìn ra và nỗ lực để đạt được nó hay không mà thôi. Không có gì đảm bảo một tương lai dễ thở khi bạn vào Sài Gòn lập nghiệp. Thế nên, hãy chỉ ra đi khi bạn có mục tiêu và định hướng rõ ràng. Đừng đánh liều tuổi trẻ để nhận lấy những sai lầm mà lẽ ra bạn không đáng phải gánh chịu.

Hoàn Hảo

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *