Giải bài toán ‘già hóa dân số’

Người Việt thường có tư tưởng “già cậy con”, nhưng cuộc sống hiện đại không có gì đảm bảo con cái sẽ chịu nuôi dưỡng cha mẹ khi về già.

Hiện nay, số lượng người cao tuổi ngày càng cao hơn trước. Cung cấp những giá trị xã hội cho người cao tuổi nghĩa là khi nghỉ hưu, họ sẽ nhận lương hưu được cung cấp bởi nhà nước. Bên cạnh đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe của ngành y tế cũng phục vụ lợi ích cho người cao tuổi, bảo đảm cho những người dễ bị tổn thương nhất về sức khỏe được chăm sóc đầy đủ nhất. Bên cạnh vai trò của nhà nước, gia đình cũng đóng góp hết sức quan trọng đối với người cao tuổi. Nó gắn liền với văn hóa người Việt trong tiềm thức: “trẻ cậy cha, già cậy con”.

Tuy vậy, thực tế xã hội Việt Nam đang có những chuyển mình mạnh mẽ trong khoảng 20 năm trở lại đây, khi nền kinh tế tăng trưởng liên tục hàng năm ở mức hai con số. Những tưởng yếu tố trên sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho xã hội, nhưng thực tế nếu xét trên nhiều góc độ, đất nước ta còn nhiều vấn đề tồn tại và cần phải lao động tích cực hơn nữa mới mong thay đổi được cả về lượng và chất.

Năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt khoảng 73,5 tuổi. Chúng ta đã nâng tuổi thọ lên rất nhiều so với trước. Tuy vậy, người Việt lại không khỏe. Dân số chúng ta từ năm 2026 sẽ chuyển sang chu kỳ dân số già (tỷ lệ chiểm 10% dân số năm 2026 và tăng lên sau đó). Vậy chúng ta cần làm gì để bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương là những người cao tuổi? Chúng ta cần làm gì đề đảm bảo nền kinh tế ổn định khi dân số già hóa đi? Chúng ta cần làm gì để có thể ứng phó, thích ứng và biến những nguy cơ thành cơ hội cho chính mình? Sau đây tôi xin đưa ra vài giải pháp mà chúng ta có thể tiếp cận.

>> ‘Con cái tự lập thường không sống chung với cha mẹ già’

Giải pháp 1: Cung cấp hệ thống y tế đồng bộ đối với người cao tuổi thông qua bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện và các kênh bảo hiểm khác. Hiện nay, hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế khá đầy đủ ở các cấp độ từ Trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, hệ thống y tế tập trung những bệnh viện lớn với khoa học kỹ thuật hiện đại, bác sĩ có trình độ tay nghề cao lại chủ yếu tại các thành phố lớn. Ở vùng sâu và vùng xa, trang thiết bị còn lạc hậu và trình độ tay nghề của y bác sĩ còn hạn chế.

Mặt khác, trung bình khoảng 8-9 bác sĩ phục vụ cho một vạn dân. Tỷ lệ trên là khá mỏng nếu so sách với tỷ lệ bác sĩ ở các nước phát triển. Như vậy, chúng ta còn cần phải lao động chăm chỉ hơn nữa để giảm chênh lệch mức độ chăm sóc y tế giữa vùng nông thôn với thành thị. Chỉ có quan tâm thực tế, sát sao thì mới mong dịch vụ y tế trở nên đầy đủ với người dân. Đặc biệt là với người cao tuổi.

Hiện nay, người dân tiếp cận với bảo hiểm y tế của nước ta chưa cao. Theo thống kê, có khoảng 80% dân số hiện nay được tiếp cận với bảo hiểm y tế. Như vậy là khoảng hai triệu người chưa được. Đây là con số lớn mà chúng ta cần quan tâm, nhất là khi đất nước chúng ta đang bị già hóa dân số nhanh chóng trong những thập niên tới đây.

Có một tin vui với những người dân là hiện tại đã có những giải pháp khác nhau, giúp người dân có thể được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế với chi phí hợp lý, đó là tham gia các gói bảo hiểm của các doanh nghiệp tư nhân trên thị trường. Những sản phẩm bảo hiểm của các doanh nghiệp nhân thọ và phi nhân thọ không chỉ cung cấp giải pháp chăm sóc sức khỏe, mà còn cung cấp giải pháp bảo vệ tài chính cho người tham gia. Đây chính là một gợi ý đáng quan tâm với mỗi người dân.

Giải pháp 2: Xây dựng hệ thống lương hưu khoa học, công bằng và đồng bộ. Chúng ta mới có khoảng 32,5% dân số tham gia bảo hiểm xã hội, 27% tham gia bảo hiểm tự nguyện. Như vậy, chúng ta đang đứng trong khu vực nguy cơ cao khi về già không được cung cấp tài chính đầy đủ để đảm bảo được nuôi dưỡng, chăm sóc y tế đầy đủ. Người Việt vẫn thường có văn hóa cậy nhờ con cái khi về già. Nhưng hiện nay, cuộc sống hiện đại không đảm bảo chắc chắn rằng con cái chúng ta sẽ chăm sóc cho cha mẹ già khi mà giá trị truyền thống đang dần dịch chuyển.

Mặt khác, gánh nặng xã hội cũng không đảm bảo rằng người cao tuổi được chăm sóc đầy đủ. Chính vì vậy, chúng ta cần tăng cường hơn nữa cơ cấu nghề nghiệp. Kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Với những người lao động tự do, cần có giải pháp để họ tham gia bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

>> Ngột ngạt khi sống chung với cha mẹ già

Giải pháp 3: Nâng cao công cụ tự động hóa thay thế cho con người trong lao động sản xuất và y tế. Công nghệ tự động hóa trong khoa học kỹ thuật áp dụng thay thế cho con người, vừa nâng cao năng suất lao động, vừa giảm được sự ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động trong môi trường độc hại, vừa giảm nhân công khi chúng ta già hóa dân số. Mặt khác, công nghệ AI giúp chúng ta giải quyết được rất nhiều giải pháp đồng bộ trong nhiều công việc khác nhau từ trong quản lý lao động tự động hóa tới áp dụng công nghệ AI trong việc thay thế nhân viên y tế trong việc khám và chăm sóc người bệnh. Nó giúp cho chúng ta giải quyết tốt hơn khi xã hội già hóa về dân số.

Giải pháp 4: Nâng tỷ lệ sinh và cho nhập khẩu nguồn lao động nước ngoài. Việc nâng tỷ lệ sinh sẽ giúp đất nước giảm tỷ lệ già hóa dân số. Mặt khác tạo ra nguồn lao động cho đất nước. Chúng ta cần tính toán chính xác và nên khuyến khích người dân sinh con. Theo đó, mỗi cặp vợ chồng nên sinh ba con và nghiêm cấm chọn lọc giới tính trước khi sinh vì đất nước đang chuyển sang giai đoạn mất cân bằng giới. Song song với tăng tỷ lệ sinh, chúng ta cũng cần tính tới giải pháp nhập khẩu lao động có điều kiện ở các nước khác trong khu vực .

Nói tóm lại, chúng ta cần hành động quyết liệt để đảm bảo rằng trong vài thập niên tới, dù dân số Việt Nam đang già hóa, nhưng chúng ta vẫn sống khỏe và hạnh phúc. Tin tốt là ở các nước, dân số già thường tỷ lệ nghịch với số lượng tội phạm trong xã hội. Khi tỷ lệ dân số già hóa càng cao, tỷ lệ phạm tội trong xã hội càng giảm.

Việt Dũng Trần

>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Sống cậy người già

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *