Giải cứu hàng từ thiện miền Trung

Ai cũng nghĩ người dân vùng lũ đói, khát nên hàng đem đi cứu trợ phần lớn là lương thực, thực phẩm, trong khi đó không phải thứ họ cần.

Đang có một sự ùn ứ các loại hàng hoá, vật phẩm cứu trợ tại các vùng lũ lụt. Và hơn thế, sự ùn ứ còn xảy ra ngay cả ở các điểm tập kết đầu mối: sân bay, bến xe, trên các trục lộ giao thông, và ngay tại cả các khu dân cư… Tại sao lại xảy ra tình trạng này? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng cá nhân tôi cho rằng, chúng ta đang cứu trợ theo tư duy mặc định:

Mặc định về không gian vùng miền thiên tai: ví dụ, nói đến Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bị lũ lụt, là trong đầu ai cũng nghĩ rằng cả bốn tỉnh này chỗ nào nước cũng “trắng trời trắng đất”. Nhưng sự thật không như thế, chỉ có một số vùng trũng mới bị ngập lút nóc nhà, những chỗ khác nước chỉ dâng cao đến sân vườn, có chỗ hoàn toàn không ngập.

Mặc định hàng hoá vật phẩm đem đi cứu trợ: Hầu hết, khi bão lũ xảy ra, ai cũng cho rằng người dân ở vùng lũ đói, khát, rét (vì trong đầu ai cũng nghĩ dân ở các tỉnh này người nào cũng phải ngồi trên nóc nhà chờ cứu hộ). Bởi vậy, các loại hàng đem đi cứu trợ phần lớn là lương thực, thực phẩm, trong đó đặc biệt nhiều là mì tôm, gạo, nước uống, đường, sữa… Sự thật thì chuyện đói khát có thể có, nhưng chỉ xảy ra ở một số ít người, và chỉ xảy ra trong những ngày đầu… Sau đó, chính quyền và các lực lượng cứu hộ sẽ lo cho dân để không ai bị đói.

Vậy là số lương thực, thực phẩm của các tổ chức thiện nguyện, các cơ quan, đoàn thể, các cá nhân chở đến lâm vào cảnh dư thừa. Trong khi đó, những vật dụng thiết yếu người vùng lũ lụt cần lại không có, như: tấm bạt che để dựng lều, mùng mền, chăn nệm, băng vệ sinh, đèn pin, bật lửa, đồ sạc điện thoại; và những thứ giúp ổn định cuộc sống của các hộ dân sau lũ như: vốn giống cây trồng, vật nuôi (tất cả họ sẽ phải làm lại từ hai bàn tay trắng).

>> Từ thiện đúng cách

Một điều cần nói nữa là người đi làm từ thiện thường có mặc cảm với đội cứu hộ tại địa phương. Vậy nên ai cũng muốn đem hàng giao tận tay cho người cần cứu trợ. Thực ra, chính quyền có trách nhiệm quản lý về con người. Họ cần phải biết ai đến, ai đi, làm gì, cần điều tiết hàng hoá và đối tượng tiếp nhận trong khu vực họ quản lý ra sao, và cả sự an toàn cho những người đi làm từ thiện…

Hãy tưởng tượng nếu ai cũng đem một đống lương thực, thực phẩm, đòi chính quyền cho người và phương tiện để giúp phát quà thì họ kiếm đâu ra (trong khi họ cũng còn đủ thứ công việc phải làm, việc nào cũng cấp bách). Ngay cả khi người đi làm từ thiện tự thuê thuyền chở hàng đến vùng nước còn đang chảy xiết để trao quà, bị chính quyền ngăn cản, thì đó cũng là điều cần thiết.

Chỉ còn một hoặc hai ngày tới là trời tạnh ráo, sau đó các vùng đang lũ lụt tiếp tục lại có mưa và gió áp thấp. Người đi làm từ thiện cùng các loại hàng hoá (phần lớn là lương thực, thực phẩm) vẫn đang ùn ứ. Mong rằng những người làm từ thiện sẽ cùng chính quyền địa phương tìm ra giải pháp để tránh tình trạng hàng hoá hư hỏng dẫn đến phải đổ bỏ, vừa phí công vừa phí của.

Cuối cùng, tôi mong rằng mọi người hãy bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo trước tất cả sự việc. Hãy phân biệt rõ đúng sai, thiệt hơn để cùng nhau phối hợp và đưa ra các giải pháp khôn ngoan, kịp thời nhất, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, chồng chéo như hiện nay.

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Ngô Quốc Dân

Từ thiện có đạo đức

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *