Giải cứu miền Trung ngập nước, miền Tây khô cằn

Chúng ta cần những giải pháp trăm năm thay vì năm nào cũng ngửa cổ than trời mỗi mùa lũ lụt và hạn hán.

Quê ba tôi ở Lệ Thủy, Quảng Bình – vùng đất khô cằn, canh tác trồng trọt khó khăn, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, hàng năm bão lũ triền miên. Thế nên, qua bao nhiêu đời, vùng đất ấy vẫn không phát triển mạnh lên được. Mới hè rồi về quê, nhìn rất nhiều nhà bỏ hoang, lòng tôi buồn man mác. Vì sao lại thế, nhiều người cũng đã biết. Vì vùng đất miền Trung, nhất là khu vực Bắc Trung Bộ bị kẹp giữa biển Đông và dãy Trường Sơn. Độ đốc lớn, đoạn đường di chuyển từ núi ra biển lớn, phù sa không kịp lắng cho vùng đất này. Và khi mưa bão, lũ quét rất tàn khốc, nước tràn từ núi đổ ra biển với thời gian ngắn. Đấy là chưa kể hàng năm, khu vực này còn phải chịu ảnh hưởng của gió Lào nóng khô, nhiệt độ buổi trưa lên đến 45 độ C.

Tôi lại lớn lên ở An Giang – vùng đất phì nhiêu mà 20 năm trước người dân tự hào “cá tôm đầy đồng, lúa trồng ba vụ vẫn có năng suất cao, sách giáo khoa cũng giảng dạy mỗi năm mũi Cà Mau lại được bồi đắp lấn biển gần cả trăm mét. Thế nhưng hiện tại, đất đai bạc màu, cá tôm trên ruộng đồng cũng không còn nữa, mũi Cà Mau hàng năm bị biển xâm lấn cả trăm mét, xâm nhập mặn ngày càng nặng nề. Lý do một phần do chính người dân ta canh tác đa vụ, không cho thời gian để đất phục hồi, dùng phân hóa học, làm đê bao chặn dòng nước tẩy rửa đất và mang phù sa vô cung cấp dinh dưỡng cho đất. Nhưng lý do chính là ở thượng nguồn đua nhau làm thủy điện, dòng sông Mekong thiếu nước, thiếu cá, thiếu phù sa.

Không nước ngọt thì nước biển tràn vào, không phù sa thì ngoài chuyện không làm đất Đồng bằng Sông Cửu Long hàng năm được cung cấp thêm dưỡng chất, mà chính lượng phù sa hàng năm ra cửa biển theo dòng hải lưu về bồi đắp mũi Cà Mau cũng không còn. Một minh chứng cụ thể về việc dòng sông mất phù sa là nước sông ngày trước đục ngầu, màu nâu đỏ, nhưng hiện nay màu xanh rêu, chỉ những người sống nhiều năm tại đây mới thấy sự thay đổi to lớn này. Biết được nguyên nhân, hậu quả, chúng ta phải đi tìm giải pháp bền lâu.

>> Làm gì để miền Trung không phải chịu trận mỗi mùa bão lũ?

Vấn đề ở miền Trung, tôi đề nghị nghiên cứu giải pháp xẻ thêm những kênh đào từ dãy Trường Sơn ra biển, để khi có lũ, nước có nhiều đường thoát, hạn chế cường độ lũ và giảm tình trạng lũ quét lên khu vực dân sinh sống. Sẽ có nhiều ý kiến nói rằng giải pháp này rất khó thực hiện, nhưng ông cha ta ngày xưa đào thủ công đã tạo ra mạng lưới kinh rạch đồ sộ tại miền Tây, nhờ đó vùng đất này mới màu mỡ hơn.

Vấn đề ở miền Tây, chúng ta phải xây hồ trữ nước dọc các tỉnh để trữ nước cho mùa khô. Tôi đề xuất một ý định táo bạo là dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng, về cung cấp nước cho sông Mekong mùa khô. Chúng ta đào những tuyến kênh từ Đông Nam Bộ về miền Tây, để tự chủ nguồn nước. Nhiều người có thể nói dự án này hoang đường và lượng nước sẽ không đủ. Nhưng những con sông ở Đông Nam Bộ đa phần bắt nguồn từ lãnh thổ nước ta, có thể phát triển bền vững. Trung Quốc có thể dẫn nước từ sông Trường Giang lên phía Bắc hàng nghìn km thì với 200-300 km đường thẳng từ hồ Dầu Tiếng về miền Tây không phải là nhiệm vụ bất khả thi.

Những thứ mà tôi đề xuất có thể bị cho là hoang đường, giống như 100 năm trước người dân An Giang nghĩ về cầu Vàm Cống. Nhưng đó là đi tìm giải pháp trăm năm, trước khi khoa học của chúng ta phát triển đến trình độ làm mưa nhân tạo vào mùa khô cho dân miền Tây, hay phá mây phá bão cho dân miền Trung khi mùa mưa bão về.

Trần Hoàng Thịnh

>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Tích trữ nước ngọt để giải hạn đồng bằng sông Cửu Long

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *