Giáo viên ‘vô cảm’

Vào tiết dạy online được nửa tiếng, một học sinh giơ tay xin phát biểu: ‘Thưa cô, em xin nghỉ tiết tới để ra đồng phụ mẹ’. Tôi từ chối.

Sau hơn 10 năm dạy học sinh thành phố, giờ trở lại quê hương, tôi đã hơi ngỡ ngàng khi nghe lại cái lý do xin nghỉ này. Tôi suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Hôm nay lớp mình có hai tiết, tổng thời gian là một tiếng rưỡi, mà mình đã học được nửa tiếng rồi. Giữa hai tiết có 15 phút giải lao, nhưng cô sẽ bàn với cả lớp để hôm nay mình học luôn, và đúng một tiếng nữa là xong để em có thể chạy ngay ra đồng giúp mẹ”. Cả lớp đồng ý bỏ giờ giải lao, và em học sinh đó đã chạy ngay ra đồng khi vừa kết thúc giờ học.

Về thăm quê khi cả TP HCM và Đồng Tháp vẫn còn đang thực hiện chỉ thị 15, tôi đã bị kẹt lại khi Đồng Tháp đột ngột áp dụng chỉ thị 16 chỉ sau vài giờ đưa ra thông báo. Dịch cứ ngày càng phức tạp và không biết sẽ kéo dài đến khi nào nên tôi đã có một quyết định hơi “lãng mạn” là gửi email xin nghỉ việc ở thành phố để dạy hợp đồng tại ngôi trường phổ thông ngày xưa mình đã học, xem như đó là một cách để trả lại cho trường những gì mình đã nhận được ở đó khi còn là học sinh.

Năm học mới bắt đầu, và cũng như nhiều nơi khác, chúng tôi dạy và học online. Không giống như các học sinh thành phố đã quá quen thuộc với máy tính, laptop và điện thoại thông minh, nhiều phụ huynh ở vùng đồng ruộng này chưa từng sờ tay vào những thiết bị mà giờ đây họ buộc phải sắm để con em học online. Giáo viên trường cũng đóng góp một ngày lương để mua điện thoại tặng cho các em thuộc hộ nghèo và Ban giám hiệu nhà trường cũng xin thêm được số điện thoại cũ để các em học sinh có thiết bị học tập.

Ban đầu, lãnh đạo nhà trường chỉ đạo giáo viên dạy bằng Google Meet, và giáo viên, trong đó có vài người là thầy cô cũ của tôi ngày xưa, miệt mài dự tập huấn để biết cách sử dụng phần mềm trong những lần đầu tiên thử dạy online. Sau đó, họ mướt mồ hôi gọi điện hướng dẫn học sinh và phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh và học sinh khối lớp 6, đăng ký tài khoản Google, rồi nhận đường link và các em học sinh bắt đầu học.

>> Giáo viên và học sinh chưa sẵn sàng online

Năm tuần học trôi qua với những trục trặc nhỏ, nhưng với nỗ lực từ nhiều phía, mọi chuyện cũng dần ổn. Rắc rối lớn chỉ xảy ra trong buổi họp hội đồng online mới đây, khi Ban giám hiệu đưa ra một chỉ đạo mới là giáo viên và học sinh phải chuyển sang dùng LMS. Một số giáo viên đề nghị lãnh đạo trường cho giáo viên tiếp tục dạy bằng Google Meet vì bây giờ việc dùng chức năng này của Google để dạy và học đã bắt đầu suôn sẻ.

Với học sinh lớp 6 và các phụ huynh mà nhiều người trong số đó đã gặp khó chỉ với việc mở khóa loại điện thoại chỉ có chức năng nghe, gọi, và nhắn tin cơ bản, thì việc gọi điện hướng dẫn họ tải và cài đặt Zoom, rồi đăng ký, tạo và đổi mật khẩu tài khoản LMS sẽ vất vả gấp nhiều lần việc hướng dẫn họ đăng ký tài khoản Google rồi nhấp vào đường link Google Meet năm tuần trước. Trong khi đó, việc soạn và giảng bài online hiện tại đã ngốn gần trọn thời gian và năng lượng của giáo viên rồi. Hơn nữa, trường sẽ phải dùng đến nguồn quỹ hoạt động ít ỏi của mình để trả cho nhà mạng khi sử dụng Zoom có bản quyển được tích hợp trong LMS.

Lãnh đạo trường sau đó không chấp nhận đề nghị trên với lý do “nếu giáo viên dạy bằng Google Meet, Sở sẽ không quản lý được”, dù trước đó giáo viên đã được yêu cầu gửi đường link Google Meet tất cả các lớp để trường gửi về Sở. Nhiều giáo viên bức xúc vì “công văn của Sở có nói rõ rằng các trường cần linh động sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế của từng trường, và Sở chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc dùng LMS”. Lãnh đạo trường im lặng, nhưng việc tập huấn sử dụng LMS vẫn được tiến hành, và sau đó chúng tôi được “dỗ ngọt” bằng lời hứa giáo viên chỉ cần hướng dẫn phụ huynh, học sinh cài đặt Zoom và sử dụng LMS, nhân viên quản trị mạng của trường sẽ đảm nhận phần đặt lịch dạy cho giáo viên trên LMS.

Có thể, nhiều giáo viên trên cả nước sẽ thấy mâu thuẫn ở trường tôi cũng là những gì họ thường xuyên chứng kiến tại chính những ngôi trường của mình. Nếu sứ mệnh của giáo viên là góp phần tạo ra những người trẻ được giáo dục tốt, có kiến thức và kỹ năng để đóng góp cho xã hội, thì sự có mặt của những người làm công tác quản lý giáo dục là để hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên hoàn thành đúng sứ mệnh đó. Nhưng thực tế lại đang khiến việc hoàn thành sứ mệnh của giáo viên trở nên khó và ngày càng khó khăn hơn.

>> Siết dạy học thêm ngay từ trong đại dịch

Chỉ trong vài buổi dạy đầu tiên, tôi đã nhận ra khoảng cách mênh mông về trình độ tiếng Anh giữa học sinh vùng quê này với học sinh thành phố. Ý thức học tập của các em cũng không tốt. Tôi muốn thổi sinh khí vào những bài dạy của mình để các em có hứng thú học tập. Tôi muốn các em biết rằng dù phải chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện học tập, sự đầu tư của cha mẹ, và cách tiếp cận giáo viên địa phương so với học sinh thành phố, các em vẫn có thể rút ngắn khoảng cách đó bằng việc nỗ lực thật nhiều để lấp đầy các lỗ hổng về kiến thức, tận dụng tối đa Internet để luyện nghe nói. Và rằng tôi sẽ dành thời gian hỗ trợ các em.

Tuy nhiên, khi phải dự tập huấn liên tục vào những ngày chủ nhật, ngày nghỉ duy nhất của mình trong tuần, rồi phải làm đủ thứ hồ sơ, sổ sách, dự hội nghị công nhân viên chức, họp hội đồng, họp liên tịch, họp tổ chuyên môn, soạn giáo án dạy trực tuyến (bắt buộc giáo án dạy trực tuyến phải khác với giáo án dạy trực tiếp), lập kế hoạch dạy học cho cả hai học kỳ, tham gia các lớp bồi dưỡng thường xuyên, soạn giáo án E-learning để dự thi…, tôi hiểu cụm từ “bị vắt kiệt sức” mà một đồng nghiệp đã sử dụng trong buổi họp hội đồng hôm đó nghĩa là gì.

Khi giáo viên bị hội chứng “cháy sạch” (burnout syndrome) vì mệt nhọc và bất mãn, họ lấy đâu ra sinh khí để thổi vào bài dạy của mình? Tôi biết các nhà quản lý hiện đại đều được trang bị kiến thức về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work-life balance), vậy điều gì đã khiến họ phớt lờ nhân tố quan trọng để phát triển bền vững đó?

>> ‘Giáo viên giỏi là phải dạy trúng đề thi’

Tôi tin rằng năng lượng để thổi hồn vào từng tiết dạy, đưa cảm xúc tích cực vào từng lớp học, mang thương yêu vào trong tương tác với từng em học sinh mới là những gì cần thiết để truyền cảm hứng vượt khó cho những học trò vốn đã chịu nhiều thua thiệt khi sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo này. Còn các kiểu sổ sách, họp hành, thi thố khác chỉ là những hoạt động hỗ trợ việc dạy học mà thôi.

Tôi muốn bù đắp thật nhiều cho học sinh của mình, nhưng phát hiện sau mỗi đêm thức khuya làm sổ sách và sáng hôm sau phải dạy liên tục ba tiết online, tôi đã nhiều lần thở dốc. Nếu Việt Nam có nhiều nhà quản lý giáo dục có thể hiểu và làm đúng sứ mệnh của mình thì chúng ta đã có một nền giáo dục tiến bộ hơn nhiều so với thực trạng hiện giờ. Khi đó, giáo viên chúng tôi sẽ có những lựa chọn khác, linh hoạt hơn, khi gặp một tình huống như câu chuyện em học sinh của tôi xin nghỉ để ra đồng phụ mẹ.

Tôi có nhiều đồng nghiệp có tâm, và tôi tin rằng, trong điều kiện dịch bệnh cần phải có thật nhiều sự linh hoạt như hiện nay, khi nghe một học sinh xin nghỉ, chúng tôi đã có thể nói: “Nếu thật sự phải nghỉ để ra đồng giúp mẹ hôm nay thì cô cho phép em nghỉ. Nhưng tối nay sau khi ăn uống tắm rửa xong, em hãy vào link tiết học của lớp mình, cô sẽ giảng lại cho em bài học sáng nay”.

Thanh Trúc

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *