Giàu con một, nghèo đông con

Đa phần những gia đình đông con có kinh tế kém, nền tảng học vấn, địa vị thấp, sử dụng chiến lược lấy số lượng để đảm bảo tồn tại.

Trong một dịp đưa mẹ vào viện, tôi biết được câu chuyện của một gia đình nọ. Cứ tầm 18h là tiếng cãi cọ, tiếng khóc của trẻ con trong một căn nhà ở cuối xóm nhỏ ven bờ biển đó lại vang lên. Trong gia đình có sáu đứa con, đứa lớn nhất cũng đã hơn ba mươi tuổi, đứa nhỏ chỉ mới 11 tuổi. Trong thời buổi này, để duy trì một gia đình vốn đã mất rất nhiều chi phí, huống hồ đây còn là một gia đình đông con, cả ba mẹ và sáu đứa con, cùng hai ông bà nội ở cùng, tận 10 người.

Khi những đứa con còn bé, đủ thứ tiền phải tiêu bao gồm sữa, thuốc men, cháo dinh dưỡng… Nhưng khi những đứa con trong gia đình đó lớn lên cũng là lúc ông bà nội ngoại cũng già và phải chịu những bệnh tật của tuổi tác. Những lần nhập viện của ông bà, cả gia đình phải nhốn nháo. Được cái gia đình đó đông con cháu và anh em họ hàng nên khi mỗi khi ông bà vào viện, người lớn chỉ đưa vào nhập viện, sau đó cử hai đứa cháu gái đang tuổi đi học lớp 11, 12 thay nhau vào viện chăm ông bà.

Đã không ít lần, người bà nội phải ngồi khóc một mình trong viện. Bà buồn vì đông con cháu, nhưng mỗi lần phải nằm viện, chúng dường như không đến thăm nom, ngoại trừ mấy ngày nghỉ. Bà nhìn thấy những gia đình bên cạnh có cháu con họ kéo tới thăm non chu đáo nên cũng thèm cảm giác được quan tâm, được chăm sóc, hỏi han, đặc biệt muốn gặp mặt nhìn mấy đứa cháu, đứa chắt chơi đùa cùng mình. Bà khóc vì lúc còn nhỏ đã hết mực chăm con, lại đến chăm cháu, và rồi chăm cả chắt, thế mà lúc bà bị bệnh lại phải tự phục vụ sinh hoạt một mình trong viện.

Áp lực kinh tế khiến những đứa con của bà phải đi tứ xứ để làm việc, để kiếm tiền. Đứa lớn ở nhà làm nông, đứa thứ hai xuất khẩu lao động sang Trung Quốc, đứa út đang làm công nhân nhà máy. Có mấy đứa cháu giờ cũng lập gia đình và đang xuất khẩu các nước Hàn Quốc, Nhật Bản… Một tay bà phải chăm cháu, chăm chắt từ nhỏ.

Tuy ở cùng với gia đình con cả, nhưng hầu hết thời gian bà phải tự lập chăm cháu vì con bà phải làm nông, rồi lại mang hàng hóa đi bán khắp nơi nên thời gian ở gia đình khá ít. Ấy vậy nhưng mỗi khi hai vợ chồng con cả của bà ở nhà là những áp lực kinh tế lại khiến chúng cãi nhau, làm bà vô cùng ấy náy. Hai vợ chồng bà cũng xuất thân nông dân nên chẳng có thu nhập gì khi về già.

>> ‘Chấp nhận vào viện dưỡng lão nếu chỉ sinh một con’

Trong một ngôi nhà khác, hai tầng lầu ở giữa làng tôi, là gia đình một vị cán bộ, lâu nay chỉ có một mụn con gái. Vì là Bí thư nên ông thực hành chính sách dân số gương mẫu, chỉ đẻ một đứa con, và không trọng nam hay nữ. Sau nhiều năm làm công ăn lương, ông cũng về hưu, lương đủ sống tốt với chi phí tuổi già. Người vợ của ông cũng là một cán bộ ngân hàng về hưu nên hai người có thể nói là dư dả tiền bạc.

Nhưng điều làm ông bà phiền lòng nhất chính là đứa con gái của họ. Đứa con gái này được định hướng ăn học từ nhỏ, từ lớp 1 đến lớp 12 là học sinh giỏi, điểm tổng kết hàng năm trên 9 điểm mỗi năm. Nhờ mối quan hệ của bố và mẹ nên họ cũng lo được cho cô một công việc ổn định ở ngân hàng. Cô làm việc ở đó được mấy năm thì yêu một đồng nghiệp làm cùng. Sau khi chồng cô lên chức Trưởng phòng, hai người ly hôn vì phát hiện chồng ngoại tình. Cô về nhà ba mẹ ở, cùng với một đứa con trai.

Đã sáu năm kể từ khi ly hôn, cô con gái vẫn chỉ ngỏ ý với vài người nhưng vẫn không thể đi đến hôn nhân làm cho ba mẹ càng phiền lòng hơn. Ba mẹ cô cũng vô cùng lo lắng nếu sau khi hai ông bà ra đi thì không biết cô con gái sẽ sống ra sao, ở thế nào khi mà cô đã quen được nuông chiều từ nhỏ, được ba mẹ dọn đường hầu như mọi việc, lại càng lo hơn vì cô không có anh chị em gì, nên không biết lúc có sự cố, hoạn nạn ai sẽ chìa bờ vai, ủng hộ cô con gái độc nhất của họ đây? Cũng không hiểu với tình cách này cô con gái có lo nổi hiệu sự cho hai cụ khi hai cụ ra đi đột ngột vào một ngày nào đó không?

Tôi kể ra ở đây hai câu truyện về gia đình đông con và con một, để mọi người hiểu rằng, dù là gia đình đông con hay một con, vẫn có những vấn đề của nó. Không thể nói là mô hình gia đình nào hơn mô hình nào cả. Nhưng tôi chắc rằng, mô hình nào có nhiều tiền, được đảm bảo tài chính sẽ bớt bất an hơn nhiều.

Tôi thấy đa phần những gia đình đông con là những gia đình có kinh tế kém, nền tảng học vấn thấp, địa vị xã hội thấp, không có nhiều tư liệu sản xuất. Họ sử dụng chiến lược số lượng để đảm bảo sự tồn tại của gia đình.Trong khi các gia đình có kinh tế mạnh, nền tảng học vấn cao, có tư liệu sản xuất dồi dào, đứng đầu chuỗi hoạt động kinh tế lại sử dụng chiến lược sinh số con ít, sử dụng chất lượng giáo dục để đảm bảo tồn tại.

>> Gánh nặng tương lai đè vai con một

Gia đình hàng xóm bên nhà tôi đẻ năm đứa con, cũng phần lớn không nuôi được ăn học, đứa học cao nhất chỉ lớp 6. Đứa con đầu của họ cho đi làm thuê ở thành phố, nhờ đó học hỏi được kiến thức làm ăn, kinh doanh buôn bán. Từ khi học được cách làm ăn, nó đã đứng ra mở tiệm bách hóa riêng và đưa hết mấy đứa em, cùng anh em họ, nội ngoại ra thành phố để lập nghiệp. Hiện tại, người này rất giàu có. Đây chính là chiến lược của các gia đình đông con, học ít. Họ sử dụng số lượng để tăng xác suất thành công, khi một đứa thành công thì sẽ kéo theo mấy đứa khác đi theo.

Trong xóm nhỏ của tôi, có ba người học cao nhất, gồm tôi và em ruột tôi (hai bằng đại học) và một đứa học tới lớp 12 vì mẹ tiếc tiền xây nhà không cho học. Tôi đang độc thân, em ruột tôi mới cưới vợ và có một con ở tuổi 28, đứa học lớp 12 kia vẫn ế. Trong khi đó, những người học ít, học vấn thấp (lớp 5, lớp 9) thì đẻ con rất nhiều, thường 4-5 đứa, ít cũng ba con.

Ở đây, tôi thấy xã hội loài người cũng tuân theo quy tắc và địa vị để quyết định mô hình gia đình đông con hay ít con. Người càng có học, có điều kiện kinh tế thì càng có suy nghĩ sâu xa hơn, có nhiều lo lắng cho tương lai hơn, nên có thể dự tính, cảm thấy được các áp lực, khó khăn khi nó chưa hiện diện. Do đó, họ từ chối đối đầu hoặc không dám quyết.

Ngược lại, những người có học vấn thấp, điều kiện kinh tế kém, thường không có suy nghĩ sâu xa, không lường trước các khó khăn… nên họ sống theo kiểu rất đơn giản, cuộc sống tới đâu hay tới đó. Đương nhiên, không phải tất cả đều thế, vì cháu họ tôi ở Hà Nội, chủ một doanh nghiệp (có học vấn cao, tình độ kinh tế tốt) vẫn đẻ bốn đứa con.

Tôi nghĩ dịch vụ viện dưỡng lão trong tương lai sẽ rất đắt đỏ, chi phí cho người già phần nhiều là tiền thuốc men, chăm sóc (tiền ăn không nhiều). Đây đều là dịch vụ của nền công nghiệp sức khỏe nghìn tỷ đôla. Chưa kể, viện dưỡng lão thì ít mà người già lại đông (cầu vượt cung) nên cạnh tranh lớn, các trung tâm, viện dưỡng lão có thể hét giá để kiếm lời. Mặt khác, người già như vậy thường không có con cháu kế thừa, nên tiền và tài sản đều tiêu hết vào đây. Hơn nữa, do thời gian dân số vàng ngắn, thế hệ người già ít, nên các viện dưỡng lão sẽ nhanh chóng đóng cửa sau thời kỳ suy giảm dân số. Nên để gia tăng khả năng thu hồi vốn nhanh trước khi đóng cửa, dịch vụ sẽ có giá rất cao.

Nên dù bạn ở viện dưỡng lão, có con cháu chăm sóc, hay thuê người chăm sóc tại nhà, bạn cũng phải cần rất nhiều tiền. Bởi thế, muốn có tuổi già hưởng thụ, bạn phải chăm chỉ kiếm thật nhiều tiền ngay từ khi còn trẻ.

Thánh Tuệ

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *