Giỏi Toán, Lý, Hóa nhưng không trình bày nổi ý tưởng

Tại sao có nhiều người học rất giỏi Toán, Lý, Hóa nhưng vẫn bị đánh giá là kém năng lực khi ra làm việc?

Bộ não của chúng ta có khoảng 86 tỷ nơron thần kinh. Lúc mới sinh ra, đa phần chúng không có các xúc tu liên kết. Các xúc tu càng nhiều, càng phức tạp thì chúng ta càng thông minh. Ngược lại, càng ít liên kết nơron thì càng chậm phát triển. Các liên kết nơron thần kinh sẽ phát triển không ngừng qua quá trình học tập và quan sát của con người. Đặc biệt, giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của con người là trong 10 năm (từ 15 tới 25 tuổi).

Sau năm 25 tuổi, bộ não bắt đầu chu kỳ “lão hóa” làm mỗi ngày mất khoảng 25.000 nơron thần kinh. Sau 30 tuổi, mỗi ngày chúng ta mất đi 50.000 nơron thần kinh. Đó là lý do tại sao người già thường hay bị lẫn, các chứng quên, trong khi lũ nhóc lại có trí nhớ rất tốt (trừ những trường hợp cố tình luyện tập trí nhớ).

Đây cũng là nguyên lý giáo dục của con người – cố tình tạo ra các tình huống giúp bộ não buộc phải hoạt động để tạo ra các liên kết nơron thần kinh (tư duy). Nó cũng giống như việc bạn vẽ bản đồ bằng cách liên tục kết nối các đoạn thẳng giữa hai điểm khác nhau. Nếu bạn khổ công rèn luyện, sẽ tới một lúc nào đó liên kết nơron cũng giống như một bản đồ chi chít các nét vẽ. Mỗi nét vẽ là một tình huống, sự kiện có thể xảy ra. Khi bạn có nhiều liên kết nơron hơn, có nghĩa là cùng một vấn đề bạn sẽ có nhiều trường hợp quan sát để đưa ra kết quả. Lúc đó, người ta sẽ công nhận bạn là người có tầm nhìn rộng, sâu hơn người khác.

Cũng giống như việc chế tạo CPU của máy tính. Người ta luôn cố gắng tăng số lượng các bóng bán dẫn trong CPU, giống như phát triển não bộ lớn hơn cho máy tính (tương tự việc bạn kích hoạt các liên kết nơron thần kinh). Khi số lượng bóng bán dẫn trong CPU nhiều hơn, số lượng liên kết của các bóng cao hơn, sẽ cho ra các trường hợp xử lý nhiều hơn trên cùng một đơn vị thời gian. Các bóng bán dẫn trong CPU cũng giống như nơron thần kinh của con người được kích hoạt và có liên kết bằng các xúc tu. Nếu nơron thần kinh chưa có liên kết thì nó chưa được coi là bóng bán dẫn, chưa có khả năng xử lý thông tin.

Mỗi người chúng ta có 86 tỷ nơron thần kinh, nhưng không phải tất cả chúng đều được kích hoạt để đưa vào thành bộ vi xử lý thông tin của bạn. Cuộc chiến của loài người chính là xoay quanh việc ai có thể đưa được nhiều nơron thần kinh nhất vào hệ thống “vi xử lý thông tin” cá nhân. Albert Einstein có một bộ não vô cùng đặc biệt ở chỗ cùng một khối lượng thể tích não, lượng liên kết nơron thần kinh của ông tạo ra nhiều gấp bốn lần liên kết ở người bình thường.

>> Học Toán, Lý, Hóa giỏi nhưng không làm được việc

Học Toán, Lý, Hóa cũng giống như việc học tập các môn học khác, không chỉ cung cấp các kỹ năng sinh tồn cơ bản, mà còn cung cấp các phương pháp giúp bạn gia tăng được số lượng nơron xử lý thông tin trong não bộ. Nhưng tại sao có nhiều người học giỏi Toán, Lý, Hóa mà vẫn bị đánh giá là kém năng lực? Theo tôi, câu trả lời là do “kỹ năng trình bày” của họ có vấn đề, thậm chí kém hơn người bình thường, do chủ quan không học các môn học liên quan đến khối xã hội khác.

Những học sinh giỏi đều các môn từ tự nhiên tới xã hội sẽ có cơ hội giải quyết vấn đề tốt hơn do cách trình bày của họ tốt hơn, thông thạo hơn các học sinh học lệch chỉ chuyên mỗi Toán, Lý, Hóa. Ngôn ngữ là một trong những yếu tố giúp hình thành tư duy của con người. Nó là phương tiện để biểu đạt và xây dựng ý thức hệ, kinh nghiệm, tri thức… của con người.

Các bạn thường thấy những người giỏi và thành đạt trên thế giới, đa phần là những người có số lượng từ ngữ phong phú, cách diễn đạt vấn đề của họ rất tốt. Nếu nói chuyện với những người thông minh thực sự (cả về IQ lẫn EQ), các bạn sẽ nhận thấy họ có số lượng từ ngữ rất phong phú, nhiều hơn người bình thường và có mức độ hiểu biết rất sâu rộng.

Khi bạn chăm chăm luyện Toán, Lý, Hóa mà không rèn luyện khả năng trình bày, ngôn ngữ, tư duy của mình thì cũng giống như một người có suy nghĩ rất tốt, rất thông minh nhưng lại không biết nói, nên không thể nào trình bày vấn đề, ý tưởng của mình cho người khác. Đặc biệt trong thời đại “team work” như hiện nay, một công việc sẽ cần rất nhiều người tham gia hệ thống, nếu bạn không có khả năng trình bày, diễn đạt ý tưởng, giao tiếp… thì sẽ thành kẻ vô dụng hoặc thất bại.

Do đó, tôi cho rằng, các bạn cần rèn luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ, tư duy ngôn ngữ, tư duy phản biện… bên cạnh việc học Toán, Lý, Hóa thì sau này sẽ có nhiều đất dụng võ, đặc biệt là khả năng trình bày bằng tiếng Anh. Các nhà làm giáo dục cũng nên nâng cao cách hành văn, sử dụng ngôn ngữ của học sinh thay vì dạy chúng theo tư duy “nghe – chép và khuôn khổ sáo rỗng”, không dám trình bày ý tưởng, ý kiến cá nhân.

Thánh Tuệ

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *