Giúp người gặp nạn và nỗi sợ ‘tử tế phải trả giá’

Thấy người khác sụp ổ gà té, tôi giúp đỡ thì bị bắt đền tiền thay hộp công tơ mét trị giá 300 nghìn thời điểm năm 1995.

Sau bài viết Nam thanh niên bị tông tử vong và sự vô tâm của người đi đường, độc giả Duy Tuấn chia sẻ câu chuyện:

Cách đây hơn chục năm, tôi cũng đã dừng lại để đưa người bị tai nạn đi cấp cứu. Sau đó, tôi bị đổ oan, cuối cùng phải “đền” khá nhiều tiền và bị giam xe, đi lại giải quyết vụ việc tốn nhiều thời gian.

Vấn đề ở chỗ đường vắng không ai làm chứng cho mình. Người bị nạn ngất nên không biết gì. Cơ quan chức năng thì một mực cho rằng “nếu anh không đâm người ta thì anh đưa người ta đi viện và bỏ tiền đóng viện phí làm gì”.

Thôi thì làm phúc vậy. Nếu bây giờ gặp trường hợp tương tự tôi vẫn cứu người. Mạng sống con người là quan trọng nhất, mình chịu thiệt một chút cũng được, mình sẽ thanh thản suốt đời, không bao giờ phải nói giá như.

Độc giả hehe chia sẻ: Tôi từng thấy xe chạy trước lao vào ổ gà ngã, tôi quay lại dựng xe cho họ rồi hỏi han, ai ngờ họ túm lấy bắt đền. Lý do: Không đụng người taị sao anh dừng lại dựng xe hỏi han này nọ?

Lại thêm mấy nhân viên tiệm sửa xe gần đó không biết đầu cua tai nheo gì cũng nhao nhao vào cãi lý gây áp lực, lý do chính là để họ thay phụ tùng hỏng kiếm chác. Cuối cùng cay đắng bỏ 300 ngàn đền tiền cái đồng hồ công tơ mét vỡ (năm 1995 thì 300 nghìn đồng mua được một chỉ vàng). Trong lúc đôi co với đám đông thì xe bị vặt luôn hai cốp, hai đèn sau. Cục tức anh ách bao nhiêu năm nghĩ lại vẫn cay đắng. Sự tử tế phải trả giá quá đắt.

Trả lời câu hỏi ngại giúp người gặp nạn có phải vô tâm, độc giả Trọng Hiến cho rằng: Đơn giản là sợ phiền và lấy oán báo ơn. Nhiều trường hợp đưa nạn nhân đi cấp cứu lại bị chính nạn nhân và người nhà bắt đền, tố cáo hoặc hành hung đến thương tích. Vì chút ơn mà khiến bản thân trở thành nạn nhân. Ở đâu chứ hiện tại “lòng tin” và “biết ơn” thật khó mà có được. Không phải 100% nhưng 70% là như thế.

Độc giả Kevin chung quan điểm: Giúp người tai nạn rất phức tạp. Không chỉ gặp rắc rối với pháp luật, mà còn gặp rắc rối với gia đình nạn nhân. Thời gian trước có người giúp nạn nhân, mà bị gia đình nạn nhân đâm cho nhập viện. Rồi hệ thống bệnh viện ở mình, đưa vô là bắt đóng ứng tiền viện phí.

Tất nhiên, trên đời vẫn có một vài người tốt, họ không ngần ngại những rắc rối trên để giúp người. Đôi khi tôi cũng làm liều để giúp người khác, vì hãy giả sử mình hoặc người mình yêu thương nhất, rơi vào tình huống đó và cần sự giúp đỡ của người khác nhưng ai cũng làm lơ vì sợ rắc rối, mà chỉ cần sự giúp đỡ của ai đó thì đã không mất mạng.

Tóm lại, tôi cho rằng không giúp người cũng không đáng trách, nhưng vẫn mong có nhiều người tốt không sợ rắc rối để giúp người, không ai chắc mình hoặc người thân của mình ngày nào đó sẽ không rơi vào trường hợp tương tự.

Độc giả Nguyen Luc: Tôi nghĩ các ngành chức năng, đặc biệt là cảnh sát giao thông nên thành lập tổ phản ứng nhanh ở mỗi địa phương xã, phường, để khi có các vấn đề xảy ra thì người dân gọi điện báo tin ngay. Đó là cách để giúp người bị tai nạn và tránh được những phiền phức cho bản thân. Cơ quan chức năng có thể lập tức đến đến bảo vệ hiện trường, hoặc ít nhất là cũng có người làm nhân chứng cho mình tại thời điểm đó. Cứu người là trên hết, chúng ta không vì bản thân cá nhân mà dần đánh mất đi tình người.

Theo tôi như trường hợp trên là nên dừng lại trước hoặc sau anh chàng té xe kia một khoảng cách thấy đủ an toàn cho mình và gọi báo ngay cho công an gần nhất.

Hữu Nghị tổng hợp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài và ảnh, video tại đây.

Tài xế có phải bồi thường khi bị người khác lao vào ôtô?

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *