Hai đứa trẻ bàn về ôtô 1,6 tỷ đồng

Tôi đang trò chuyện thì một đứa bé chạy tới hỏi anh họ: “Bố ơi, ôtô nhà mình mua bao nhiêu tiền hả bố”.

Cuối tuần vừa rồi tôi về quê ăn giỗ, anh em họ hàng tập trung đông đủ. Việc xảy ra khiến tôi suy nghĩ mãi: Phải chăng trẻ em bây giờ đang mất đi sự ngây thơ, trong sáng so với độ tuổi của chúng. Trẻ con bây giờ cũng đang bị ảnh hưởng bởi kim tiền.

Tôi và các anh chị trong họ đang đứng nói chuyện ngoài sân. Cháu tôi, năm nay học lớp 6 bèn hỏi một câu với bố nó đang đứng nói chuyện với tôi:

“Bố ơi xe ôtô nhà mình mua bao nhiêu tiền hả bố?”.

“Một tỷ con ạ” – ông anh tôi trả lời.

Sau đó cu cậu đem khoe với một cháu khác tầm tuổi cháu. Thằng bé kia liền trả lời: Xe nhà em có giá 1 tỷ 6 đấy, còn muốn đọ nữa không? Tôi nhìn cháu bé vừa nói vừa hất hàm đi thẳng vào nhà vẻ đắc thắng.

Chứng kiến cảnh đó, con trai tôi chạy đến hỏi: “Xe nhà mình mua bao nhiêu hả bố?”- “Bố mua bằng 10 năm sức lao động con ạ” – tôi trả lời. Con trai cười và không nói gì, có lẽ đang tưởng tượng 10 năm nó sẽ là bao lâu và như thế nào.

>> Tôi bị trẻ hỏi ‘khó đỡ’ vì lì xì chỉ 50 nghìn đồng

Tôi chợt nhận ra một điều mà vợ chồng tôi đã làm đúng trong suốt nhiều năm qua: Không nhắc đến chuyện tiền trước mặt con cái. Về gia đình tôi, vợ chồng tôi cũng gọi là thoải mái trong kinh tế sau mười mấy năm bắt đầu từ con số không. Từ ngày con tôi ra đời, vợ chồng tôi đã hoàn toàn thống nhất với nhau vấn đề trên.

Tôi nhận thấy tiền không phải là chuyện nên nhắc đến khi có mặt con, nhất là tầm tuổi các cháu đang học cấp hai trở xuống. Đôi khi các bố mẹ nói chuyện về tiền với nhau trước mặt các con một cách vô tư: Chê người khác nghèo, cái gì cũng cân đo đong đếm bằng tiền, lấy tiền để thể hiện tình cảm…

Vợ chồng tôi cũng có lúc phải quay cuồng vì tiền, vay chỗ này bù chỗ nọ, áp lực vì tiền khủng khiếp. Nhưng trước mặt con vợ chồng tôi không bao giờ mang vấn đề tiền ra bàn bạc, tôi muốn cháu luôn vô tư tận hưởng tuổi thơ.

Bạn có thể nhìn ngay lại ngày tết, có thể bạn đã từng thấy hình ảnh trẻ con bây giờ bóc bao lì xì đếm tiền ngay khi vừa nhận được. Rồi tránh xa người nghèo, không quý trọng với những món đồ rẻ tiền.

Đối với cách hành xử của trẻ con tôi không chê, nhưng tôi muốn đặt câu hỏi liệu bố mẹ của các cháu đấy có thực sự để ý đến vấn đề này. Liệu có phải dùng tiền, thật nhiều tiền để lo cho con đầy đủ đã là hoàn thành trách nhiệm. Đứng trên cách nhìn của một người bố, tôi lại nghĩ lo cho con đầy đủ về kinh tế chưa chắc đã đủ, bạn nên để ý đến hành động, suy nghĩ của các con.

Mỗi hành động của bố mẹ về một vấn đề nào đó trong cuộc sống đều là một bài giảng thụ động cho các con. Sau này khi trưởng thành các con sẽ khuynh hướng giải quyết vấn đề mà con gặp phải trong cuộc sống giống như bố mẹ các con từng làm.

>> Nên bỏ phong tục lì xì cho trẻ con ngày Tết?

Con tôi cũng đang vào tuổi dậy thì, nhiều cái mới, thích làm người lớn, thích thể hiện bản thân. Nhưng có một điều tôi nhận ra cháu tuyệt nhiên không bao giờ so sánh giàu nghèo, không bao giờ kêu ca khi muốn mua một cái gì đó mà không có tiền.

Đầu năm nay cháu đề xuất với tôi mua một cái laptop để học online. Tôi đồng ý và để con tự chọn giá tiền và cấu hình máy. Sau một ngày tôi nhận được đề nghị mua một chiếc có cấu hình trung bình, nhưng đủ dùng với việc học online, giá máy cũng rẻ so với mặt bằng chung. Mua cho con cái máy tính theo đúng quyết định của con, thấy con hào hứng tôi cũng vui lây.

Bố mẹ chính là người thầy lớn đầu đời của các con. Rất mong các bố mẹ hãy chọn bài dạy thích hợp, thích thời điểm để dành cho con. Đừng để những chuyện tiền bạc xuất hiện trong suy nghĩ của các con quá sớm.

Thành Hưng

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Khi người lớn xúi giục trẻ trộm tiền

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *