Hai tháng tuyệt vời sau khi xóa Facebook

Tôi quay trở lại với thói quen đọc sách, nghiên cứu đầu tư, dành nhiều thời gian cho con cái, thay vì những giờ phút lướt Facebook trong vô thức.

Tôi từng có giai đoạn dành toàn bộ quỹ thời gian rảnh của mình chỉ để lướt mạng xã hội, hết Facebook lại tới Instagram, TikTok… không nền tảng nào mà tôi bỏ qua. Nhưng rồi, đến một ngày tôi thấy mình bắt đầu bội thực với tin giả, bội thực với những sự khoe khoang, làm màu, bội thực với những clip ngắn vô bổ… nên tôi quyết định nhấn “Delete”. Mọi thứ được tôi xử lý rất nhanh và chẳng hề do dự.

Tính đến nay, tôi đã từ bỏ được các ứng dụng mạng xã hội này được khoảng hai tháng. Quãng thời gian đó với tôi cực kỳ tuyệt vời. Thoát được khỏi mạng xã hội, không còn những giờ phút lướt mạng một cách vô thức, tôi có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, học về đầu tư. Tôi thậm chí đã đọc hết ba quyển sách dày về đầu tư và lịch sử. Tôi còn đọc được hết những bài viết hay, có ích cho hiểu biết của mình, điều mà trước đây tôi vốn chỉ lưu lại đó và quên luôn.

Quan trọng hơn cả, tôi đã có thể dành nhiều thời gian hơn cho con cái, thay vì câu cửa miệng trước đây: “Đợi bố một chút”, và rồi lại tốn hàng tiếng đồng hồ cắm mặt vào điện thoại. Nói vui, tôi đã “quit game” và không có ý định “restart” lại nó. Trước đây, tôi cũng từng e ngại việc nếu không dùng Facebook, mình sẽ bị lạc hậu với thế giới, sẽ bỏ lỡ những sự kiện quan trọng của bạn bè… Nhưng chỉ sau hai tháng rời xa mạng xã hội, tôi nhận thấy nhưng lo lắng của mình thức ra chẳng quan trọng đến thế.

>> Xóa sổ Facebook

Tôi xin chia sẻ thêm một lý do quan trọng thúc đẩy tôi dừng sử dụng Facebook nói riêng hay mạng xã hội nói chung, đó chính là: sự tập trung. Không phải khoe khoang, nhưng tôi vẫn luôn tự hào rằng thời còn đi học, hay lúc chưa quá nghiện Facebook, tôi là một người có khả năng tập trung cao, cũng như tính kiên nhẫn học hỏi, nghiên cứu. Tuy nhiên, dạo gần đây, tôi nhận ra mình đã lâu rồi không đọc tới cùng một quyển sách nào, dù thấy sách hay tôi vẫn lưu lại nhưng cũng chỉ để đó. Các bài viết có nội dung dài tôi đều bỏ qua, chỉ còn đọc vài content ngắn, video có nội dung dài một chút là tôi cũng chẳng đủ kiên nhẫn mà hấp thụ, tất thảy đều chỉ qua loa… y như cách mà tôi “lướt” mạng xã hội vậy.

Vì vậy, tôi đã tìm hiểu và nhận ra rằng, thói quen lướt mạng, hấp thụ nội dung trên Facebook hay mạng xã hội theo kiểu “mì ăn liền”, rất có hại cho tư duy. Thay vì kiên nhẫn đọc hết nội dung để phân loại thông tin, não bộ của chúng ta chỉ hấp thụ vài content ngắn và ghi nhận ngay rằng nó đúng. Tin giả cũng được lan truyền nguyên theo cách này.

Có nhiều ý kiến cho rằng, Facebook không tự nhiên gây hại, chỉ là do cách chúng ta sử dụng không đúng dẫn đến những giá trị lệch lạc mà nó mang lại. Tôi nghĩ điều đó đúng.

Tuy nhiên, thế nào là đúng cách và có phải ai cũng biết sử dụng đúng cách? Điều đó có lẽ phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi cá nhân, còn lựa chọn của tôi là tập trung vào chất lượng của thông tin, chất lượng của các mối quan hệ thực tế xung quanh mình, hơn là các thông tin kích thích sự tò mò hay mối quan hệ quá ảo, và chỉ xuất hiện mỗi khi tôi “online”.

Đào Hiếu

>> Lý do gì khiến bạn rời bỏ Facebook? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *