Học các tỷ phú không để lại tiền thừa kế cho con

Nếu chỉ cần con đủ ăn, bạn không cần để nhiều tiền bạc thừa kế; nhưng nếu muốn chúng làm nên sự nghiệp lớn, hãy tích lũy từ bây giờ.

Có nên học các tỷ phú không để tiền thừa kế cho con?“, đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm và tranh luận trong thời gian qua. Thực tế, rất nhiều tỷ phú hàng đầu thế giới dành ra nhiều tiền bạc để làm từ thiện và họ tuyên bố cho đi 99% số tiền, tài sản đang có, chỉ giữ lại 1% làm tài sản thừa kế cho con. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao các tỷ phú làm vậy? Và chúng ta có nên làm theo họ hay không?

Trước tiên, về góc nhìn từ người ngoài vào hệ thống các tỷ phú làm từ thiện, các bạn có thể ngộ nhận rằng họ đang cố gắng tạo hoàn cảnh tự lập cho con cái, không thích để con họ ở ngay vạch đích mà muốn đưa chúng về vạch xuất phát và học cách vươn lên. Với hiệu ứng vầng hào quang của các tỷ phú, có vẻ nhiều người đã nghĩ đó là hành động đúng đắn, giúp con cái vươn lên, không ỷ lại tài sản thừa kế. Cũng giống như việc nhà bạn không còn gì để ăn nên buộc phải tự đi kiếm đồ ăn, còn nếu nhà còn đồ ăn thì bạn sẽ chẳng làm gì mà chỉ ngồi đấy hưởng thụ.

Vậy điều này có thực sự đúng? Thực ra, hầu hết các tỷ phú làm từ thiện là thành lập quỹ từ thiện mang tên họ hoặc ai đó, nhưng chắc chắn một điều, họ chính là người điều hành quỹ từ thiện ấy, nắm trong tay mọi quyền quyết định với các khoản từ thiện. Hành động này một mặt nhằm né khoản thuế thừa kế khổng lồ từ 38-59%, thậm chí có nơi còn cao hơn. Nghĩa là, để thừa kế 100 tỷ USD từ người cha, con cái sẽ phải nộp gần 50 tỷ USD thuế thừa kế. Tức là 50 tỷ USD đó nằm trong tay người khác.

Do đó, để tránh việc không thể tự quyết được gần 50% số tài sản của mình, các tỷ phú tuyên bố thành lập các quỹ từ thiện với mục đích kiểm soát cách mà các đồng tiền đó sẽ đi về đâu, và sẽ sử dụng tùy ý họ hoặc người quản trị quỹ từ thiện của họ. Đương nhiên, họ cũng dùng nó theo cách từ thiện, cho đi nhưng là cho đi có mục đích, chủ động và thường là sẽ đầu tư vào các hạng mục khoa học, trường học, y tế sức khỏe hoặc các danh mục đầu tư sinh lời cao, nhưng tiền lời dùng làm từ thiện nên chịu thuế thấp hơn.

Ngược lại, khi con cái của các tỷ phú dù chỉ sở hữu một vài phần trăm tài sản của cha mẹ nhưng cũng là một con số rất siêu khủng mà thường là rất ít cá nhân nào có thể có được. Theo thống kê an sinh xã hội ở Mỹ, để duy trì một cuộc sống trung lưu khi về hưu, người bình thường phải tích lũy khoảng một triệu USD, nếu không họ sẽ rơi vào trạng thái nghèo đi sau khi nghỉ hưu vì lạm phát, dù trước đó họ có thể giàu có. Do đó, nếu chỉ để con cháu họ sống với mức sống trung lưu thì các tỷ phú chỉ cần giữ lại một triệu USD là đủ.

>> Không muốn con bước vào đời bằng bọc tiền của cha mẹ

Nói chung, các tỷ phú đã sử dụng chiến thuật “cho trứng vào nhiều giỏ” khác nhau. Phần lớn “trứng” sẽ nằm ở quỹ từ thiện, nhưng rủi ro mới có thể đến bất cứ lúc nào, dẫn tới việc mất quyền kiểm soát số tiền đó, nên có một chiếc giỏ dự phòng là tài sản riêng được nộp thuế thừa kế, có tính sở hữu rõ ràng để dự phòng, phương án B.

Trước đây, khi chưa có thuế thu nhập cá nhân, đa số tài sản của các tỷ phú sẽ được tích lũy lại và chuyển cho con cháu họ thừa kế hoàn toàn, thông qua các quỹ đầu tư cho vay kiểu tín dụng mà nổi nên trên hết chính là ngân hàng. Ngày nay, khi hệ thống ngân hàng đã bị chiếm chỗ và rất khó để chen chân vào, các tỷ phú sẽ thường thành lập quỹ đầu tư, quỹ từ thiện như một cách cạnh tranh khác với hình thức quỹ tài chính, ngân hàng.

Chúng ta là một đất nước trải qua nhiều cuộc kháng chiến, thiên tai địch họa, nên việc có thể tích lũy được các khối tài sản lâu đời đủ nhiều cho đời sau là không đơn giản.

Có nhiều sự nghiệp phải cần tới sự tích lũy vốn trong nhiều đời như ngân hàng, tài chính, quỹ đầu tư hay các công việc như nghiên cứu khoa học. Cũng có nhiều sự nghiệp chỉ cần một đời để làm, làm trong thời gian ngắn như làm thuê, làm công việc chân tay hay các công việc đơn giản, ít tham vọng… Và mỗi sự nghiệp ấy có yêu cầu khác nhau về nguồn vốn cũng như năng lực của các cá nhân khác nhau.

Do đo, việc bạn có cho đi tài sản của mình hay để lại cho con cháu phụ thuộc vào tham vọng về sự nghiệp nhiều đời của bạn và thế hệ sau. Nếu chỉ cần con có cái ăn, cái mặc thì bạn có thể không cần quá bận tâm tới tài sản tích trữ cho chúng. Nhưng nếu có tham vọng về một sự nghiệp khoa học, quỹ đầu tư, ngân hàng, nghiên cứu khoa học… cho con thì có lẽ bạn sẽ phải chuẩn bị rất nhiều tiền bạc, của cải cho chúng ngay từ bây giờ.

Tuệ

>> Bạn có để lại tài sản thừa kế cho con? Chia sẻtại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *