‘Học giỏi sao không làm bác sĩ, kỹ sư?’

Lỡ bị mặc định là người “trò giỏi, con ngoan”, tôi chẳng dám gì phật lòng ba mẹ, thầy cô dù đó là điều bản thân mong muốn.

Nói đến định kiến, phần lớn là quan điểm tiêu cực mà số đông áp đặt lên một người hoặc một nhóm đối tượng. Tác hại của nó chắc chúng ta đã rõ.

Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy định kiến nên được hiểu ở tầng nghĩa rộng hơn, bao gồm cả những quan điểm, niềm tin tốt lẫn xấu. Hiểu đơn giản, định kiến là những khuôn mẫu tốt hoặc xấu mà con người sử dụng để “ném” từng cá nhân vào một nhóm nhất định mà không xem mỗi người là một cá thể riêng biệt. Họ vẽ một nét cực rộng “bé này đi chơi đêm, bé này son môi đậm, nhỏ này ăn mặc hở, nhỏ kia kẻ mắt lòe loẹt” rồi quẳng vào những lời lẽ không tốt.

>> Lãng phí bốn năm học vì tin lời ‘theo ngành này sẽ giàu’

Những định kiến tiêu cực thì chúng ta có thể thấy hằng ngày, vậy những định kiến được xem là “tốt đẹp” là như thế nào và nó có ảnh hưởng gì tới đối tượng bị nhắm tới hay không? Theo tôi, câu trả lời là có.

Hồi đi học tôi học “lớp chọn”. Dường như những ai học lớp chọn sẽ có cảm giác vênh váo hơn một chút so với các bạn “lớp thường”.

Tôi chơi thân cùng một bạn “lớp thường”. Học lực bạn kém hơn tôi nhưng điều đó chẳng quan trọng, tôi thấy bạn tốt. Rồi một ngày, khi tôi được tuyên dương vì điểm thi thử cao nhất Khối D toàn trường trong khi điểm bạn khá tệ.

Bạn trốn tránh, tôi cũng bắt đầu cảm thấy có một bức tường ngăn cách. Mặc dù còn quý nhưng tôi cũng cố dần lảng tránh vì không muốn hình ảnh của mình bị đem ra bàn tán: “Sao lại đi với thằng đó nhỉ?”. Tôi cũng như họ, đầy rẫy định kiến, sợ sệt và mất đi một người bạn tốt ngày ấy.

Cũng chẳng biết từ khi nào, thế giới của tôi dần thu nhỏ thành hai loại người “người học giỏi, ngoan” và “bọn học dốt, nghịch, ăn chơi”. Và vì lỡ bị mặc định là loại một nên tôi chẳng dám làm gì phật lòng bố mẹ, thầy cô và đám đông ngoài đó.

Tôi sợ họ sẽ thất vọng nếu biết tôi đang yêu, biết tôi hôm nay dùng một chút son môi đến trường, hay biết tôi không hiểu bài toán thầy đang giảng trong khi cả lớp gật đầu lia lịa. Tôi nghĩ hồi đó mình đã sống trong nhiều định kiến và sợ sệt. Nhưng bản thân lại xem đó là một loại mãn nguyện vì đã nằm trong danh sách an toàn.

Dần dần tôi trở thành một con người quá an toàn trong vỏ bọc của mình và cảnh giác với tất cả những thứ khác tôi và khác với đám đông. Và có lẽ tôi đã bắt đầu gánh một loại định kiến lên vai mình. “Con bé ấy ngoan, giỏi giang sau phải làm kỹ sư, bác sĩ, phải lấy người giỏi giang, giàu có, phải thế này phải thế nọ”.

Rất nhiều những kỳ vọng được gọi tên trong khi tôi còn đang cố loay hoay tìm hướng đi cho chính mình. Tôi cảm thấy bị bóp nghẹt vì suy nghĩ mình không đủ tốt, mình kém cỏi và mình chẳng làm được gì cả, hình tượng mình sẽ sụp đổ mất thôi.

>> >>Đừng làm hoen ố ‘tháp ngà’ đại học

Thì ra không chỉ mọi người vẽ hình tượng cho tôi mà chính tôi đã tự vẽ lên một hình tượng nào đó về bản thân mình, và không ít lần tự dối lòng để giữ nguyên hình tượng đó. Tôi sụp đổ, sâu bên trong. Khi ấy, tôi lại ghen tỵ với những bạn có thể vượt qua những con mắt chê bai, thậm chí là thóa mạ để thể hiện bản thân và sống như cách họ muốn. Sự dũng cảm mà tôi đã thiếu. Họ có thể bước xa đám đông kia hơn nhưng lại đang bước từng bước về bản ngã của mình.

Những kỳ vọng và “định kiến tốt đẹp” như đám mây đen trong cơn giông lớn treo lơ lửng trên đầu khiến tầm nhìn tôi trở nên hạn hẹp. Tôi đâu biết người học giỏi năm xưa bây giờ có thể là một người đầu bếp hay một thợ trang điểm, đâu biết con bé ăn mặc dị hợm năm nào có thể trở thành nhà thiết kế thời trang, đâu biết thế giới này chả có loại người này loại người kia, mà mỗi cá nhân là một cá thể riêng biệt, có câu chuyện riêng của đời mình. Và tôi đang học cách gạt bỏ tất thảy những định kiến, dù là bé nhất để sống gần hơn với tôi và những người xung quanh mình.

Lê Thảo

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *