Hùng Dũng gãy chân – Ám ảnh những ‘gã đồ tể’ trên sân bóng Việt 

Bạn tôi vội vàng tắt TV để đứa cháu thơ ngây nhưng hâm mộ bóng đá không phải xem cảnh quay lại pha bóng dùng rợn của Hùng Dũng.

Theo kết quả mới nhất, Đỗ Hùng Dũng bị gãy một phần ba dưới xương cẳng chân phải, gồm cả xương chày và xương mác. Dù đã được mổ thành công, nhưng tiền vệ Hà Nội và đội tuyển Việt Nam vẫn cần ít nhất chín tháng để trở lại tập luyện, khoảng một năm để quay lại sân cỏ. Quan trọng hơn, vết sẹo về tinh thần để lại cho cầu thủ này là rất lớn và khó chữa lành.

Hậu quả sau pha “triệt hạ” của Hoàng Thịnh không chỉ mang tới sự đau đớn về thể xác, tinh thần, rủi ro về sự nghiệp của Hùng Dũng hay mất mát, giảm năng lực hướng tới mục tiêu của đội tuyển quốc gia ở Vòng loại World Cup sắp tới. Mà cao hơn nữa, Hoàng Thịnh đã bêu xấu hình ảnh của cả một nền bóng đá quốc gia, làm giảm sự yêu mến và uy tín đến từ thế giới mà Việt Nam mới gây dựng được vài năm qua.

Ông bạn già của tôi có một đứa cháu, cả hai ông cháu đều mê bóng đá. Ông thường rủ cháu đến sân hoặc xem qua TV những trận bóng đá Việt. Chiều qua, hai ông cháu ở nhà xem trận đấu giữa TP HCM và Hà Nội. Ông kể rằng, khi hai ông cháu đang mê mẩn với những pha bóng qua lại giữa các ngôi sao nổi tiếng của bóng đá Việt thì bỗng điếng người trước pha vào bóng triệt hạ của Hoàng Thịnh với Hùng Dũng.

May thay, ông vẫn kịp nhanh tay tắt TV để đứa cháu thơ ngây nhưng hâm mộ bóng đá không phải xem cảnh quay lại pha bóng rùng rợn sau đó. Rồi ông rủ cháu xuống phố, đền nó một chầu pizza với hy vọng nó sẽ không bị ám ảnh bởi hình ảnh bạo lực mỗi khi xem bóng đã Việt.

>> Hùng Dũng gãy chân, V-League ‘gãy’ chuyên nghiệp

Câu chuyện về ông bạn già của tôi sau pha bóng kinh hoàng chiều qua cho thấy tác động của bóng đá tới xã hội lớn đến mức nào? Việc trừng phạt Hoàng Thịnh ra sao, chúng ta cứ theo luật mà xử, không vùi dập nhưng càng không được “giơ cao đánh khẽ”, phạt “dăm bữa nửa tháng” rồi lại vận động hậu trường để xóa án.

Câu hỏi lớn đặt ra sau vụ việc này là tại sao trên sân cỏ nước nhà vẫn liên tục xuất hiện các “đao phủ”, “đồ tể”, “thợ chém đinh chặt sắt” như thế? Muốn bóng đá Việt hết bạo lực, chúng ta phải loại bỏ hoàn toàn các cầu thủ mang tư tưởng triệt hạ đối thủ khi ra sân. Muốn có nền bóng đá chuyên nghiệp, vươn tới đẳng cấp châu lục, thế giới, chúng ta phải có hệ thống quản lý, đào tạo cầu thủ một cách chuyên nghiệp thực chất, chứ không chỉ là cái mác bên ngoài.

Liệu nhân sự kiện này, các nhà quản lý thể thao, bóng đá, các huấn luyện viên từ năng khiếu đến chuyên nghiệp nước nhà sẽ làm gì để thay đổi tình hình? Hay chúng ta lại hô hào vài bữa và lảng tránh trách nhiệm sau đó? Câu hỏi này, tôi xin nhường lại cho những nhà chuyên môn.

Trước Hùng Dũng, bóng đá Việt từng chứng kiến nhiều pha bóng triệt hạ, để lại nỗi ám ảnh với bản thân nạn nhân và người hâm mộ. Có thể kể đến như trường hợp Đình Đồng (SLNA) vào bóng thô bạo làm gãy chân Anh Hùng (An Giang) năm 2014; hay Quế Ngọc Hải (SLNA) đạp thẳng vào đầu gối Anh Khoa (Đà Nẵng) năm 2015…

Trần Hoàng Lê

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *