Kêu cứu ảo mùa dịch

‘Tôi mang hàng qua giúp, đến nơi gọi điện họ không nghe máy. Tôi xách hàng về thì họ nhắn do ngủ quên’.

“Đọc tin người kêu cứu thiếu ăn, tôi vào trang cá nhân của họ xem thì thấy họ còn khá hơn mình (có nhà cửa đàng hoàng, trang bị đầy đủ tiện nghi). Hoá ra chỉ là khu họ ở bị phong toả, không được đi ra đường nên không mua hàng được thôi. So với mặt bằng công nhân đói ăn xung quanh thì thế này là không cần thiết. Tôi không nghĩ họ tham đồ cứu trợ mà là vô ý thức thì đúng hơn.

Trường hợp khác kêu thiếu ăn, nhà có con nhỏ. Tôi liên hệ hỗ trợ thì lại kén chọn lấy lý do con nhỏ khó ăn, bụng dạ yếu đòi phải loại tốt mới chịu. Đến khi tôi bảo mang trực tiếp qua giao thì họ im re, gọi điện không nghe máy, làm tôi xách hàng cứu trợ về. Sau đó họ nhắn cho tôi lấy lý do ngủ quên không nghe máy được”.

Độc giả Linh Le My kể về hai lần mắc phải những lời “kêu cứu ảo” trên mạng xã hội và ứng dụng cứu trợ. Cuộc sống nhiều người gặp khó khăn vì mất việc làm, không có thu nhập vì dịch, một số mạnh thường quân thông qua các ứng dụng cứu trợ đã san sẻ thực phẩm để giúp đỡ. Tuy nhiên, đã xảy ra tình trạng một số người gửi yêu cầu hỗ trợ không thực tế, hoặc không nhận đồ khi được hỗ trợ, khiến người muốn giúp đỡ qua ứng dụng gặp phiền phức.

Độc giả có nickname Azis Nesin kể về một lần bị boom hàng cứu trợ: “Tôi thấy một trường hợp cần giúp đỡ (có trẻ nhỏ), liền chuẩn bị đồ đạc, thậm chí xin thêm của anh hàng xóm, nhưng hỡi ơi tôi bị làm trò cười vì họ tắt máy không liên lạc được. Ngoài ra còn có những người lên kêu gọi giúp đỡ chỉ vì họ thèm một món gì đó thôi. Hãy để những người cần giúp đỡ thật sự được nhận trợ giúp”

Độc giả Mai Nguyen mang tâm trạng: “Tôi cũng từng bị một đại gia trong khu biệt thự siêu sang nhắn tin cấp cứu xin găng tay y tế. Trường hợp khác, người kêu cứu xin lương thực nhưng khi hỏi thì lại bảo không có gì để nấu, và xin tiền. Thật sự buồn và hụt hẫng với các trường hợp thế này.

Mọi thứ khó khăn, các ứng dụng trợ cứu sinh ra là để cho những ai khổ sở mới lên đó nhờ cứu giúp – vậy mà có những người làm vậy để phá và khiến cho những người muốn đóng góp cảm thật hụt hẫng và chán nản, mất niềm tin”.

Các giải pháp như Zalo Connect, SOSMap được đánh giá là kênh hiệu quả giữa người có nhu cầu nhận và cho nhu yếu phẩm, lương thực, thiết bị y tế… Dù vậy, một số người lại truy cập vào các ứng dụng này để đùa cợt, như đăng yêu cầu cần hỗ trợ bia rượu, đồ nhậu, món ăn đắt tiền… Độc giả Le Cao Thang:

“Tâm lý muốn được nhận đồ miễn phí và không nghĩ đến những người khó khăn hơn vẫn còn. Để xác nhận thông tin, mọi người sau khi trao đổi cần yêu cầu cho thông tin của tổ trưởng dân phố hoặc công an khu vực để xác minh là tốt nhất.

Như thế vừa đảm bảo đưa đúng người cần và tránh bị trục lợi những phần quà giúp đỡ. Nếu ai còn không thể có thông tin của những người liên quan trực tiếp như vậy thì cũng nên từ chối để tránh giúp đỡ nhầm người”.

Môi trường mạng ở Việt Nam luôn có những kẻ phá bĩnh. Vài ngày trước là trường hợp đổi kết quả trên trang dịch thuật của Google. Bây giờ lại là những lời cầu cứu ảo. Vì thế những nhà hảo tâm, mạnh thường quân cần tỉnh táo để giúp đỡ đúng người. Độc giả Minh Hoang chia sẻ kinh nghiệm:

“Tôi chia sẻ cách mình làm để mọi người tham khảo:

1. Chỉ giúp các trường hợp đăng cụ thể thông tin. Những post nhờ trợ giúp ghi cụt lủn kiểu như “cái gì cũng cần” thì tôi cho qua luôn.

2. Nói chuyện qua Zalo trước, nhờ chụp giúp ảnh của họ. Ví dụ ,tôi đã giúp một bác bị bệnh tiểu đường nặng, nằm một chỗ, do cháu của bác ấy đăng bài. Khi nói chuyện với người cháu, tôi yêu cầu chụp ảnh bệnh nhân, ảnh các thuốc đang dùng và tôi hỗ trợ bằng cách mua các loại thuốc cho bác. Nếu họ đồng ý, tôi mới giúp.

3. Hầu như tuyệt đối không giúp tiền, ưu tiên các yêu cầu về lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, bỉm sữa… Và nói ngay từ đầu với người cần giúp.

4. Không mang đến tận nơi mà cố gắng giúp người trong bán kính khoảng hai, ba km. Sau đó hẹn để đồ cứu trợ ở một địa điểm trung gian mà cả hai cùng biết. Vừa hạn chế tiếp xúc, vừa hạn chế đi lại lung tung. Trường hợp như bác liệt giường thì cháu bác ấy đến lấy hộ.

Cuối cùng, luôn phải hiểu rằng ở đâu cũng có con sâu làm rầu nồi canh, bỏ qua chuyện đó một cách nhẹ nhàng để không ảnh hưởng tới tinh thần giúp đỡ người khác của chính mình. Chúc mọi người bình yên và an toàn”.

Hữu Nghị tổng hợp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *