Khắt khe với người trẻ

Nhiều người áp đặt các bạn trẻ phải làm theo ý họ, ngược lai sẽ bị quy tội “dám cãi lại người lớn tuổi”.

Hôm nay tôi thấy bài viết của một em gái cấp ba xin lời khuyên về chuyện tình cảm. Em đang bối rối và khó xử khi cho rằng có bạn cùng lớp để ý mình. Và đúng như dự đoán của tôi, nhiều người bảo em “lo học đi, yêu đương gì”.

Từ những bình luận này tôi có một cảm nhận rằng trong con mắt của những vị “người lớn từng trải” ấy, thanh thiếu niên chỉ là những cỗ máy, có nghĩa vụ phải phấn đấu học hành. Còn tâm lý tình cảm của các em hoàn toàn không quan trọng.

Trong thành ngữ Trung Quốc có một cụm từ gọi là “cậy già lên mặt”, chỉ những người lớn tuổi tự cho mình quyền được lên mặt dạy bảo, xách mé, thậm chí xúc phạm những người ít tuổi hơn.

Tôi cảm thấy xã hội bây giờ có rất nhiều người ứng với câu thành ngữ này. Trong bất kỳ hoàn cảnh và tình huống nào, khi đối mặt với người trẻ tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên đang ngồi ghế nhà trường, những vị anh chị, cô chú này thường chỉ đứng từ góc nhìn của bản thân, cho rằng các bạn trẻ phải thế này thế kia, ở tuổi này thì chỉ nên thế này mà không được thế khác. Khi bị đối phương phản ứng thì quy cho họ cái tội “hỗn láo, mất dạy” vì “dám cãi lại người lớn tuổi hơn mình”.

>> Người trẻ chơi tiền ảo, trung niên buôn đất để giàu nhanh

Trong khi đó những vị lớn tuổi ấy chưa bao giờ nghiêm túc nhìn lại bản thân xem mình đã cư xử cho ra dáng bậc cha chú hay chưa; ngôn hành cử chỉ của bản thân có thực sự đáng cho người trẻ tuổi kính trọng và học hỏi; kiến thức và hiểu biết của mình ở thời hiện đại liệu có thực sự đủ để lên tiếng chỉ bảo người ít tuổi hơn? Hay họ chỉ có mỗi cái mác “lớn tuổi” để dựa vào mà lên mặt với đời?

Tôi đồng ý rằng tuổi trẻ còn có nhiều thứ cần học hỏi, suy nghĩ chưa chín chắn, kinh nghiệm cuộc sống không đủ, họ có nhiều khiếm khuyết so với người đi trước. Nhưng chính vì người lớn có lợi thế về kinh nghiệm, chẳng lẽ đứng từ cương vị một người từng trải, không thể bao dung và kiên nhẫn hơn với các bạn trẻ đang chập chững bước vào đời?

Thay vì lên giọng dạy đời chẳng lẽ không thể đặt mình vào vị trí của các bạn trẻ, nhớ lại xem khi mình ở tuổi các bạn thì tâm sinh lý mình như thế nào, mình cũng từng phải đối mặt với những khó khăn và rắc rối ra sao, để đưa ra cho họ những tư vấn tích cực, thân thiện hơn?

Cụ thể như trường hợp em gái ở trên, cấp 3 đang là độ tuổi mới lớn nhạy cảm, xốc nổi và dễ rung động. Ở độ tuổi này quả thật cần nhiều sự quan tâm, quản giáo từ gia đình và nhà trường để đảm bảo các em đi đúng hướng. Nhưng sự quan tâm và quản giáo đó phải xuất phát từ yêu thương, tế nhị, chứ không phải từ kiểm soát và áp đặt.

>> Người trẻ xa lánh vì bị hỏi chuyện riêng tư

Độ tuổi 15-16 đang là tuổi niên hoa rực rỡ, nếu được định hướng đầy đủ và đúng đắn thì hoàn toàn có thể phát triển những tình cảm đẹp đẽ và trong sáng nhất, cho dù sau này không đến đích thì cũng sẽ trở thành ký ức đáng trân trọng của một đời người.

Tại sao lại bắt các em phải gạt bỏ tình cảm của bản thân để chỉ vùi đầu vào học hành? Tôi chỉ so sánh đơn giản, người lớn ngoài 8 tiếng làm việc một ngày, không lẽ không có mối quan tâm hay hứng thú nào khác? Ví dụ khi các bạn muốn bàn luận hay hỏi ý kiến về một bộ phim truyền hình mình thích, bị người khác ném vào mặt một câu “lo làm việc kiếm tiền nuôi con đi, phim ảnh cái gì” thì các bạn nghĩ sao?

Tất nhiên mọi so sánh đều khập khiễng, tôi chỉ đơn cử một ví dụ nhỏ để các vị hiểu về việc quan tâm đến cảm nhận của người khác. Xã hội nào muốn phát triển cũng đều phải trông chờ vào lớp trẻ. Chúng ta cần bồi dưỡng họ thành những con người chăm chỉ, có trách nhiệm, yêu lao động và gia đình. Nhưng chúng ta cũng cần họ hạnh phúc và lạc quan để cống hiến càng hiệu quả và tích cực hơn. Xin hãy yêu thương và dịu dàng hơn với họ. Xin hãy tôn trọng họ và đừng quá khắt khe.

Nguyệt

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *