Khi bà cụ Đà Lạt ‘bán khoai nướng mua được ba căn nhà’

Chỉ khi Đà Lạt vắng chưa từng có vào dịp Tết Tân Sửu, người ta mới nhớ đến những ngày nhộn nhịp, đông đúc.

Cuối năm rồi tôi đi Đà Lạt chơi, buổi tối có hẹn với cậu bạn là người địa phương dạo quanh bờ hồ Xuân Hương. Trời đã vào đông nên thành phố này buổi đêm rất lạnh, gió ngoài hồ thổi thốc vào làm tê tái thêm. Chúng tôi quyết định ngồi ăn khoai lang nướng, uống sữa đậu nành ở vỉa hè. Nhìn bà lão co ro nướng khoai cho chúng tôi, lúc tính tiền tôi tặng luôn tiền còn thừa ra.

Thấy tôi có ý thương xót bà cụ, lúc này bạn tôi nói: Coi chừng nhầm! Thấy vậy mà không phải vậy đâu, bà cụ này là hàng xóm với tôi, nhờ bán khoai và sữa đậu nành mà xây được ba căn nhà rồi đấy. Phải nói rằng tôi không hề có ý khinh thường gì bà cụ, nhưng ở Việt Nam, mấy nơi chỉ nhờ bán khoai lang nướng và sữa đậu nành mà mua đất, xây được mấy căn nhà?

>>Cái chuồng bò ở nước Đức và rạp Hòa Bình ở Đà Lạt

Thời điểm đó, dịch Covid-19 đang tạm lắng, du khách đến với Đà Lạt nườm nượp. Từng đôi vào ăn khoai, uống sữa, mỗi ly sữa giá chỉ 10 nghìn đồng. Nhưng mỗi đêm bán được hàng trăm ly thì thu nhập mỗi tháng là rất khá. Có nơi nào nhiều cơ hội kiếm tiền như vậy chăng?

Tết Tân Sửu năm nay, dịch Covid-19 khiến du lịch Đà Lạt một mùa thất thu. Bạn tôi gọi điện xuống và nói chưa thấy thành phố vắng như vậy vào dịp Tết bao giờ. Tôi không cần bạn than cũng biết, bởi mọi năm lướt mạng xã hội và các báo thì thế nào chẳng có vài bài nói về nạn kẹt xe ở gần Hồ Xuân Hương, hay nạn rác thải tràn ngập khu chợ đêm.

Mọi năm bạn tôi sẽ phàn nàn và nhăn nhó vì phải chia sẻ thành phố với du khách, phải chịu đựng sự ồn ào và rác bẩn. Thế nhưng nguồn lợi từ khách sạn và homestay mà bạn tôi đầu tư thì không thấy bạn than phiền. Năm nay khách vắng, bạn cũng than. Từ lâu, tôi đã có nói với bạn rồi, chính rác thải và sự ồn ào, kẹt xe mới đem lại tiền bạc. Một thành phố du lịch thiếu vắng những thứ này là một thành phố chết.

Rác và kẹt xe chỉ xảy ra vào những thời điểm nhất định trong năm, thay vì ngồi đó than thì hãy đặt giải pháp từ trước. Cấm xe lớn vào trung tâm, du khách phải đi trung chuyển từ chân đèo Prenn lên chẳng hạn. Nếu đặt 100 thùng rác mà rác vẫn tràn ra đường thì đặt 200 thùng. Nếu 50 công nhân môi trường làm việc không xuể thì tuyển thêm lao động thời vụ với mức lương cao… Khó khăn nào rồi cũng sẽ có giải pháp mà thôi.

>> ‘Đà Lạt cũng cần những công trình hiện đại’

Đà Lạt là một thành phố du lịch rất có lợi thế, không quá xa khu vực TP HCM năng động nơi có rất nhiều du khách trẻ tiềm năng. Họ chỉ cần lên xe giường nằm vào buổi tối thứ sáu, ba bốn giờ sáng mở mắt ra đã đến Đà Lạt rồi, rất thuận tiện. Như vậy mỗi cuối tuần thôi là Đà Lạt đã có khách du lịch chứ không phụ thuộc vào mùa như các nơi khác.

Như ở quê tôi, dù đã rất cố gắng nghĩ ra mọi loại hình du lịch nhà vườn, du lịch sinh thái nhưng khách vẫn rất hạn chế. Người dân phải làm nông nghiệp là chính, rất vất vả. Nhiều khi mong được đông đúc, kẹt xe và tràn ngập rác như Đà Lạt mà không được.

Lượng khách trẻ của Đà Lạt rất chịu chi, quan trọng là người làm dịch vụ du lịch có nghĩ cách để moi tiền họ không mà thôi. Bởi một bà cụ bán khoai lang nướng, sữa đậu nành trong mấy chục năm mà mua được ba căn nhà là chuyện viễn tưởng ở quê tôi khi làm lúa trúng mùa thì mất giá và ngược lại.

Quốc Vĩnh

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *