Khi nào một đứa trẻ bị tổn thương tâm lý?

Trẻ lớn lên trong gia đình căng thẳng, bố mẹ hay cãi nhau, luôn bị so sánh với người khác, sẽ rối loạn tâm lý do ‘chấn thương tuổi thơ’.

Một câu hỏi mà tôi thường hay hỏi trong buổi đầu gặp thân chủ ở những buổi tâm lý trị liệu là: “Không khí trong gia đình với bố mẹ của bạn trước đây như thế nào? Vui vẻ hay là căng thẳng? Ấm áp hay lạnh lẽo? Kết nối hay rời rạc?”.

Đa phần những trường hợp rối loạn tâm lý do chấn thương tuổi thơ sẽ trả lời rằng không khí gia đình rất căng thẳng, bố mẹ thường cãi nhau, đánh nhau. Nếu con sai thì mắng chửi, so sánh, hoặc dù học đạt điểm cao nhưng cũng không bao giờ được khen mà cho rằng điểm như vậy chưa là gì, 9 rồi thì phải 10, 10 rồi còn phải đi thi học sinh giỏi cấp trường, thành phố…

>> Bài viết cùng tác giả: Tại sao nhiều cha mẹ đánh mắng con mất kiểm soát?

Hoặc có những gia đình không khí lạnh lẽo, ai làm việc đấy, không có những kỷ niệm vui vẻ với nhau, sự kết nối rời rạc, lạnh và tối. Một số ít trường hợp trả lời rằng không khí trong gia đình “bình thường” vì mọi thứ mờ nhạt, họ cũng không nhớ được gì nhiều. Lý do là vì trong xã hội Việt Nam thời trước và có lẽ đến cả bây giờ, chuyện bị đánh, mắng, bố mẹ bận không quan tâm là việc bình thường.

Nhưng không phải như vậy. Những chuyện trên không bình thường cho sự phát triển tâm lý của con người. Bởi sâu trong cảm xúc, mỗi con người vẫn luôn mong mỏi có một nơi an lành mà mình thuộc về. Đó là một mái nhà vui vẻ, ấm áp, an toàn trong tình yêu thương, có những tiếng cười và là nơi để được trở về, được che chở, được tiếp niềm tin khi cuộc đời ngoài kia giông bão.

Có những bạn đã khóc với tôi và nói rằng: “Em chẳng có nơi nào để về. Em có bố mẹ nhưng không muốn về vì về thì lại phải nghe những lời nói áp lực đó”.

Hay: “Hồi đó bố mẹ tôi bận, tôi tự đi học, về nhà chơi một mình trong phòng quen rồi. Bức tranh gia đình? Đó là một bức tranh tối, mỗi người một góc, rời rạc.”

>> Những đứa trẻ trong lồng kính

Ly hôn hay không, không phải là vấn đề chính khiến một đứa trẻ bị tổn thương. Mà điều cốt lõi là cách chúng ta, những người lớn, hành xử với nhau và với con như thế nào. Những trận cãi vã, to tiếng hay không khí lạnh lẽo, thiếu tiếng cười, thiếu sự khích lệ; cha mẹ ở cạnh nhưng không hiện diện thực sự với con vì tâm trí luôn mải bận rộn cuộc sống… – đó mới là điều gây ra những tổn thương tâm lý cho con.

Trầm cảm hay rối loạn tâm lý không phải chỉ do có một cú sốc lớn nào đó. Mà rất nhiều trường hợp là do phải sống trong một tuổi thơ có môi trường trạng thái tâm lý lạnh lẽo, căng thẳng kéo dài liên tiếp. Nó như một cái búa không giáng ngay một đòn chí mạng vào đầu gối bạn, nhưng cứ mỗi ngày đập một nhát đau khiến bên trong bạn rạn nứt dần.

Cho đến một ngày bên trong bạn vỡ vụn ra, rỉ máu đau đớn thật sự.

Giang Kate

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Trầm cảm vì tiêu chuẩn người dưng

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *