Khi người trẻ xét nét câu hỏi ‘bao giờ lấy chồng?’

Đối diện và trả lời khôn khéo những câu hỏi thăm ngày Tết sẽ cho bạn nhiều năng lượng tích cực hơn là bắt lỗi người lớn.

Đối diện với những câu hỏi riêng tư ngày Tết là vấn đề được nhiều người đem ra bàn tán vài năm nay. Tết này vì tuân thủ 5K và giãn cách, có thời gian đọc sách, uống trà nên tôi cũng muốn đưa quan điểm của mình.

Nhà tôi có bốn anh chị em, mỗi anh chị của tôi có từ hai, ba con nên tôi có cả chục đứa cháu. Mỗi năm cả nhà chỉ gặp nhau đông đủ nhất vào dịp Tết mà thôi. Như đại gia đình tôi, người lớn một năm trời mới được gặp cả chục đứa cháu thì những câu hỏi về học hành, đi làm, lấy vợ lấy chồng và sinh con chỉ là câu hỏi bắt chuyện.

Ví dụ như thấy đứa cháu trai chuẩn bị thi đại học thì sẽ hỏi cháu định thi ngành gì, trường nào? Đứa cháu khác sắp ra trường thì sẽ hỏi “đã tìm được việc ở đâu chưa?”. Đứa đi làm được vài năm thì hỏi “lương thế nào”, “chừng nào lấy vợ”… Đây chỉ là những câu hỏi của người vai vế lớn hơn bắt chuyện với người vai vế nhỏ hơn.

>> Người bất lịch sự mới hỏi chuyện riêng tư ngày Tết

Nếu con cháu mở lòng và trả lời thì câu chuyện sẽ tiếp diễn, ví dụ: Bác thấy ngành này bây giờ trường X đào tạo tốt đấy cháu tìm hiểu xem”, “lấy chồng cũng do duyên nữa đấy, duyên chưa tới thì đi chùa cầu duyên xem sao”… rồi cứ thế cuộc trò chuyện mới tiếp diễn ra nhiều chủ đề khác nhau. Thử hỏi, cả năm trời mới gặp nhau vào dịp Tết, không hỏi những chuyện này thì biết bắt đầu câu chuyện như thế nào?

Trong tiếng Việt giao tiếp hằng ngày, có những câu hỏi chỉ mang tính chất xã giao và chỉ mang ý nghĩa thăm hỏi thuần tuý. Chẳng hạn dù biết là bạn đang đi chợ, nhưng người hàng xóm cũng sẽ hỏi: “Cô X đang đi chợ đấy à”, thấy bạn đang ăn cơm, một người tới nhà chơi cũng sẽ hỏi: “Vợ chồng bác đang xơi cơm à”. Những câu hỏi loại này được đưa ra để thay lời chào hỏi ban đầu mà thôi.

>> ‘Tết Vui vẻ với những câu hỏi riêng tư ngày Tết - 1quê nhạt vì chỉ ăn nhậu và karaoke kẹo kéo’

Những câu hỏi ngày Tết cũng vậy, chỉ mang tính chất chào hỏi và xã giao. Người đưa ra câu hỏi không cần và cũng không có ý muốn phải có được câu trả lời rõ ràng. Vậy mà khá lạ thay, nhiều bạn trẻ ngày này được học hành đàng hoàng đến nơi đến chốn, đi du lịch nhiều, đọc nhiều sách, tự cho mình là cấp tiến, tư tưởng thông thoáng mà đi xét nét với những người thân quen của mình là “hỏi những câu hỏi vô duyên”.

Nếu bạn bực bội và khó chịu, bạn chỉ tự rước năng lượng tiêu cực vào người mà thôi. Thay vì xét nét câu hỏi của người lớn là vô duyên, là không tôn trọng riêng tư thì tại sao bạn không cười và trả lời: “Chắc duyên chưa tới bác ạ”. Biết đâu người đối diện cũng sẽ mỉm cười và cuộc trò chuyện sẽ tiếp tục. Ở vị trí người lớn, nếu gặp một cô gái nổi nóng, quạu quọ ngay ngày xuân thì mới tội cho họ đấy.

Tâm Lê

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *