Không cần ‘dành cả thanh xuân’ để học Toán, Lý, Hóa

Quỹ thời gian, bộ nhớ của học sinh chỉ có hạn, khi học quá nhiều thứ này, các em sẽ phải bớt tìm hiểu những thứ khác.

Cuộc tranh luận về tác dụng của việc học Toán, Lý, Hóa đang rất thu hút. Hồi còn học cấp ba, tôi cũng chẳng có ý kiến gì về những kiến thức phải học vì tôi học được và giờ cũng còn khá nhớ (tôi học trường chuyên, lớp chuyên Toán và hiện làm IT). Hồi ấy, tôi thấy kiến thức cũng không quá khó, có chăng chỉ là mấy công thức làm đi làm lại, bạn bè thầy cô cũng khen tôi thông minh, sáng dạ.

Thế nhưng, khi đi học đại học, rồi ra đi làm, mọi chuyện hoàn toàn khác. Học vật lý đại cương, tôi mới biết là cho nước vào lò vi sóng thì đồ sẽ chín nhanh hơn và đừng để kim loại vào trong lò; nếu trời ẩm mà máy tính hỏng thì hãy kiểm tra xem tụ điện trong máy có bị hỏng không chứ đừng ra tiệm vội… Mấy kiến thức ấy nghe có vẻ dễ nếu trình bày nguyên lý, nhưng ngay cả một đứa có điểm tổng kết Lý 9.7 và thi phổ thông được 9.5 điểm như tôi cũng chẳng biết, nếu thầy tôi không nói. Đấy là tôi cũng “đen mặt” khi thí nghiệm điện mấy lần chứ chẳng ít. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi hoài nghi về việc tôi đã học gì ở cấp ba.

Nhiều người cho rằng những người học vật liệu, xây dựng, kỹ thuật… sẽ cần đến kiến thức Lý cấp ba, nhưng đó cũng chỉ là số ít. Hơn nữa, tôi cũng thắc mắc tại sao phải học khi các kiến thức này đều được học lại ở Đại học và Trung cấp, thậm chí các thầy cô còn giảng dễ hiểu hơn nữa. Nếu cần chuyên nghiệp, Đại học sẽ dạy tất cả những thứ bạn cần, kể cả bạn đã học nó hay chưa? Có người lại bảo “nếu học cấp ba rồi thì lên Đại học sẽ đỡ vất vả hơn”, nhưng đấy là một tư duy sai lầm.

Nếu tôi nhớ không nhầm, cả Lý và Hóa đều học từ thực nghiệm, các bạn có bao giờ từng được thực hành làm thí nghiệm các môn này ở cấp ba chưa? Nếu chưa hoặc ít được làm, vậy các bạn học được gì từ mấy môn học đó? Đó là lý do vì sao học Lý, Hóa ở ta chẳng ứng dụng được gì hoặc ứng dụng rất ít trong thực tế, đơn giản vì các bạn đâu có được học một cách thực sự.

Có bao nhiêu người đã biết đường sức từ như thế nào? Các bạn có khẳng định la bàn luôn chỉ Bắc – Nam khi chưa nhìn thấy? Có thực sự là Clo có thể đốt được sắt không? Hay Natri “cháy” trên nước không phải thứ người ta đang lừa bạn?

Khi vào đời, các bạn liệu có biết lò vi sóng được ứng dụng từ điện từ hay chỉ biết là cho gà vào quay? Tôi tin là đa số không hiểu được những điều đó. Học Lý, Hóa cấp ba mà không ứng dụng được gì (hoặc rất ít) là thực tế đáng buồn của giáo dục Việt. Vốn dĩ, học sinh của ta chỉ học mấy môn này để đi thi (học từ thực nghiệm nhưng lại thi lý thuyết), và sau này các bạn quên gần hết.

>> 12 năm học Toán, Lý, Hóa cũng chỉ để quên

Về môn Toán, với tư cách là người học chuyên Toán và đến bây giờ vẫn ứng dụng rất nhiều kiền thức Toán, tôi cho rằng mấy hàm số hay logarit chẳng cần phải học nhiều. Thứ cần học thực sự thời cấp ba là phân môn Toán logic, Toán vị từ và Toán mệnh đề – những môn vốn học ở đại học, có tác dụng “bẻ thẳng” tư duy mọi người, chỉ bao gồm những kiến thức cơ bản từ cấp hai, và có tính ứng dụng cao.

Tại sao lại như vậy? Trước hết, ta có mệnh đề “logarit, lượng giác, vi phân… có tính ứng dụng thấp” được đa số công nhận và việc chúng “rèn luyện logic” (là mệnh đề thứ hai) vốn gây tranh cãi. Vậy các bạn rút ra được gì từ lượng giác hay logarit? Liệu có “tư duy” hơn so với làm số đơn giản?

Toán logic thì chắc chắn là các bạn không cần giải thích, tên của nó vốn dĩ đã nói lên tất cả, đây mới là môn thực sự rèn tư duy của mọi người. Toán vị từ là một dạng liên hệ giữa tư duy trong Toán học và tư duy trong tu từ học. Toán mệnh đề khó giải thích hơn, làm rõ ràng giá trị chân lý trong mỗi mệnh đề được nêu, và giá trị chân lý khi kết hợp các mệnh đề với nhau.

So với ba môn này thì logarit hay lượng giác trong tác dụng rèn luyện tư duy gần như không đáng kể. Trong khi ba môn Toán trên gồm toàn kiến thức cơ bản, vốn có tổng thời lượng học chỉ tầm 40 – 60 tiết học (nếu học kỹ) và có tác dụng rèn luyện tư duy, ứng dụng tư duy Toán học vào tư từ học, ngôn ngữ hằng ngày và làm rõ ràng logic trong quan điểm, thì lượng giác hay logarit chỉ khiến hàng triệu học sinh khổ sở, điên đầu. Mà nếu chúng có thực sự khiến người ta “tư duy” hơn, thì cũng chẳng biết dùng “tư duy” này vào chỗ nào, vì chưa… học.

Nói Toán, Lý, Hóa cấp ba bây giờ “cần thiết” thì đúng, đơn giản là học được một thì ta biết một. Theo lý thuyết, “sẽ có lúc ta cần đến”, học gì thì cũng giỏi hơn một chút so với không học, nên nói chúng không có tác dụng gì là không đúng. Nhưng bảo học sinh có “cần học” không thì lại chưa chắc. Có bao giờ bạn dọn nhà và ném hết những thứ không phải rác chỉ vì chúng làm chật nhà? Hay bạn xóa vài thứ trong bộ nhớ điện thoại dù có thể bạn sẽ phải dùng đến chúng một lúc nào đó? Học sinh cũng vậy, quỹ thời gian của các em có hạn, như bộ nhớ có vài GB (như diện tích căn nhà), khi phải học nhiều thứ này, các em sẽ phải bớt học những thứ khác.

Để học tốt Toán, Lý, Hóa, các em phải học đêm, học ngày. Việc “chiếm dụng” nhiều thời gian như vậy khiến các em không có thời gian làm những thứ khác, không thể tập luyện thể chất, không thể rèn luyện đạo đức, thậm chí chẳng biết mình có quyền và nghĩa vụ công dân gì sau khi học hết cấp ba. Đó là sự khác biệt trong so sánh độ quan trọng của cái “cần”, giữa “cần” và “cần thiết”.

Chúng ta không thể quá tham lam, ôm đồm, cái gì cần cũng muốn học, bất chấp độ phù hợp và mức độ cần thiết của chúng, bất chấp việc có thời gian để làm hay không? Đó là một tư duy cần bỏ trong giáo dục, tránh “xôi hỏng bỏng không” như bây giờ.

Chỉ có thiểu số cần dùng đến một kiến thức cấp ba nào đó, còn lại đa số sẽ quên, nhưng học sinh lại luôn phải vì nhưng thứ ấy mà phải bỏ qua thời gian rèn luyện thể chất, đạo đức của mình. Nhiều em không biết Quang Trung và Nguyễn Huệ là một người chứ không phải “hai anh em”, không biết đến lịch sử hào hùng của dân tộc ta, không biết đồng bào mình có những anh hùng nào, không được dạy thế nào là quan hệ tình dục an toàn, không biết đến ăn gì thì tốt – xấu, không được rèn luyện sức khỏe, không biết luật pháp…

Vô tình, chúng ta tạo ra những thế hệ con người không được “dạy” mà phải tự học, hay được dạy rất qua loa. Và nó sẽ còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ hơn nữa nếu chúng ta không thay đổi.

>> Để Toán, Lý, Hóa không ‘cướp đi thanh xuân’ của học sinh Việt

Bạn hãy thử tưởng tượng, một công dân nhưng không hiểu biết luật, không quan tâm đến lịch sử dân tộc, không có kiến thức gì về sức khỏe, không biết quan hệ an toàn thì xã hội thế nào?

Khi “chân ướt chân ráo” bước ra khỏi ngôi trường cấp ba, bạn đã là một công dân, hãy nhớ lại xem bạn có gì trong đầu? Đây không phải việc tranh luận “những kiến thức rắc rối của Toán, Lý, Hóa có cần hay không?”, mà là chuyện có cần thiết để các học sinh phải học hết chúng không và các em nên học những gì?

Ai cũng công nhận rằng kiến thức của ta quá hàn lâm và xa rời thực tế. Nói “học sinh như cái máy giải đề” cũng gật gù bảo đúng. Nhưng cứ hễ nói phải bỏ đi cái này, cái kia thì nhiều người lại nhảy lên nói “không”, vậy chúng ta thay đổi được gì? Đó có phải “tư duy lượng giác” các bạn đã được học, không hiểu được tính logic của câu hỏi được đặt ra?

Hãy trả lời câu hỏi “học sinh cấp ba có cần phải học Toán, Lý, Hóa như bây giờ – thứ lấy hết thời gian của các em?”, thay vì cứ tranh cãi “kiến thức Toán, Lý, Hóa đó có cần hay không?”. Tức là, hãy nhìn dưới góc độ “học sinh cần học gì và bỏ gì?”, chứ không phải chê “Toán, Lý, Hóa vô dụng”. Chẳng lẽ học sinh không học những kiến thức đó từ cấp ba thì cả đời chúng sẽ không biết gì? Trong khi luật pháp, đạo đức, thể chất, thậm chí khả năng thưởng thức nghệ thuật mà các em học được từ nhà trường gần như chỉ là con số “0”.

Dẫu rằng, hết năm tháng học trò, các em sẽ là một công dân, đáng lẽ phải đã phải là một người tôn trọng pháp luật, có đạo đức, là một người con của dân tộc, biết thương đồng bào, biết tự hào vì dân tộc mình, nhưng những thứ ấy ai sẽ dạy các em? Trong khi thực tế, chúng lại đang bị coi là các môn “phụ”, giới thiệu qua loa. Con người ta giờ chỉ biết đến cái “lợi”, chỉ cần vin vào lợi ích, “sau này cần” mà bất chấp cả việc chúng cần quá nhiều thời gian để học và chiếm dụng thì giờ của những điều ý nghĩa khác.

Tuân Hầm

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *