Không lẽ 100 năm nữa người Hà Nội, TP HCM vẫn đi xe máy?

Cấm xe máy có rất nhiều lợi ích, nó chỉ không tiện cho những người thích tiện mà thôi.

TP HCM là một trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn của Việt Nam vượt mức cho phép, trong đó tác nhân chính do hoạt động giao thông, chiếm 60-70%. TP HCM hiện có 7,4 triệu xe máy, trong đó xe dùng trên 10 năm chiếm gần 68%, cao hơn Hà Nội. Trong khi khí CO (cacbon monoxit) và HC (hydrocarbon) có hại sức khỏe phát ra từ xe máy chiếm 90% tổng các loại xe cơ giới tại thành phố. Rõ ràng, mức độ ô nhiễm do khí thải xe máy đang rất đáng báo động.

Để kiểm soát lượng khí thải xe máy, giảm ô nhiễm môi trường, cũng như nâng chất lượng sống người dân, việc cần làm nhất chính là tiến tới cấm xe máy và các phương tiện cá nhân. Chắc chắn, khi cấm xe máy, sẽ có rất nhiều người phản đối. Nhưng nếu không làm thì không lẽ 10, 100 năm nữa người Hà Nội, TP HCM vẫn đi xe máy? Có đô thị phát triển nào trên thế giới mà cứ ra đường là xe máy phủ kín như ở ta?

Cấm xe máy thì dân đi lại bằng gì?“, bản thân tôi cũng từng đặt ra câu hỏi như vậy khi phản đối đề án trên. Tuy nhiên, chứng kiến tình hình giao thông hiện tại vẫn không được cải thiện dù mở đường, xây đường trên cao, hầm chui… suốt những năm qua, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải thay đổi. Khi sự tiến bộ của xã hội tăng lên, tôi tin quan điểm của người dân cũng thay đổi theo hướng tích cực.

Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại, muốn thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải tính toán lại toàn bộ hệ thống phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, BRT, tàu điện ngầm, đường sắt đô thị…), phát triện hệ thống cơ sở hạ tầng cho giao thông công cộng (xây dựng và tăng tốc độ di chuyển cho các tuyến đường sắt trên cao, đường tàu điện ngầm). Khi làm được đồng bộ các vấn đề trên, dmả bảo được hệ thống giao thông công cộng rộng khắp, tôi tin những thay đổi tích cực sẽ xuất hiện.

>> Cấm xe máy, tai nạn giao thông ắt giảm

Ngày nay, nhiều người kêu ca về việc phương tiện công cộng không thuận tiện, giá thành đắt đỏ, chưa phù hợp với đại đa số người dân. Nhưng hãy nhìn ra thế giới, ở đâu cũng có những nhà ở gần, có nhà phải đi bộ mới ra được bến tàu điện hay xe buýt, nhưng họ vẫn chấp nhận. Bởi lẽ, muốn tàu điện hay xe buýt nằm ngay trước cửa nhà, giữ những đô thị đông đúc, thì đường đâu, đất đâu cho đủ? Điều quan trọng là chúng ta quyết tâm làm và làm đến nơi đến chốn, việc thích nghi của người dân, rồi sẽ từng bước được giải quyết.

Cũng xin nói thêm rằng, ở đây không phải cấm xe máy để chuyển sang đi ôtô cá nhân, nếu vậy thì tắc vẫn hoàn tắc. Vấn đề quan trong nhất là làm sao để có hệ thống phương tiện công cộng tốt cho mọi người đi, từ đó, họ sẽ bỏ dần các phương tiên cá nhân như ôtô, xe máy. Nhưng đây không phải chuyện một sớm một chiều, muốn là được.

Nhiều người hay đem so sánh Hà Nội, TP HCM với Singapore, London (Anh)… mà không biết rằng chúng ta ở đâu so với họ, đang có gì trong tay? Nước người ta “đủ thứ thuận lợi” nên áp dụng việc cấm xe máy cực kỳ đơn giản. Trong khi đó ở ta, quy hoach hạ tầng không đồng bộ, có nơi ngõ sâu cả cây số, đi bộ thêm một km nữa mới ra đến trạm xe buýt, rồi lại đi thêm một km nữa mới đến văn phòng… (chưa kể lượt về). Bất tiện như vậy nên đương nhiên nhiều người thấy khó khăn.

Do đó, muốn thay đổi được tư duy của người dân, trước hết chúng ta phải cho họ thấy được lợi ích của giao thông công cộng và hạn chế của phương tiên cá nhân. Lấy ví dụ từ thói quen sử dụng bếp than tổ ong trước đây của người Việt. Chúng ta cũng từng loay hoay rất lâu về việc tuyên truyền thế nào, phổ biến ra sao để người dân từ bỏ than tổ ong do gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe. Nhưng rồi tất cả được giải quyết khi bếp gas, bếp hồng ngoại ra đời với độ tiện lợi, tiết kiệm chi phí lại an toàn sức khỏe… Lợi ích vượt trội so với bếp than tổ ong khiến người dân tự giác thay đổi thói quen có hại này.

Với giao thông cũng vậy, để người Việt từ bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, chúng ta cần tập trung để giao thông công cộng thể hiện được rõ nhất tính ưu việt, tiết kiệm, an toàn của nó so với xe máy, ôtô. Khi ấy, câu chuyện chuyển đổi thói quen đi xe cá nhân của người dân sẽ trở nên vô cùng đơn giản. Việc cấm xe máy hay không cũng trở thành không quá quan trọng và gây phản ứng nhiều nữa.

>> Cấm xe máy thì xe buýt sẽ phát triển

Hãy nhìn Hàn Quốc, nhà nào cũng vài ba ôtô, nhưng họ chỉ đi vào cuối tuần, đi chơi, chứ hằng ngày đi làm họ vẫn đi bằng tàu điện ngầm, xe buýt. Việt Nam tất nhiên phương tiện công cộng chưa thể được như họ, nhưng đó là nhiệm vụ đặt ra với những nhà chuyên môn: phải tập trung để phương tiện công cộng cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hàn Quốc có đường sáu làn đường nhưng họ không đi xe máy và ôtô nhiều nên đường ít tắc. Bởi thế, vấn đề không nằm ở quy hoạch đướng sá, mà cần có hệ thống giao thông công cộng đủ lớn và từ đó tập thói quen đi lại cho người dân.

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người thấp của chúng ta thấp, cộng thêm một bộ phận không người dân mưu tin bằng phương tiện cá nhân sẽ rơi vào bế tắc khi cấm xe máy… cũng sẽ là những câu hỏi cần giải đáp ổn thỏa ngay từ bây giờ. Chuẩn bị và đảm bảo sinh kế cho người dân với phương tiện công cộng sẽ quyết định thành bại cùa đề án cấm xe máy.

Và tất nhiến, bất cứ đề án, giải pháp nào, dù hay, dù tốt đến mấy cũng khó có thể thực hiện được nếu không có sự đồng lòng, ý thức tự giác của mỗi người dân. Do đó, công tác “chuẩn bị tư tưởng” cũng có ý nghĩa rất quan trọng.

Người Việt muốn tốt cho thế hệ sau thì bắt buộc phải bỏ bớt cái “tiện” cá nhân của mình đi. Cứ ngồi và đòi hỏi “anh phải làm xong cái này, cái kia trước, rồi tôi sẽ thay đổi” thì 1.000 năm nữa cũng chưa chắc đã làm xong. Nói tóm lại, cấm xe máy có rất nhiều lợi ích, nó chỉ không tiện cho những người thích tiện mà thôi.

Minh Minh

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *