Không mua ôtô ở tuổi 30 để có tài sản một triệu USD

Chứng kiến bạn bè mua xe, vợ chồng tôi cũng sốt ruột nhưng không mua vì giá trị ôtô ngày càng đi xuống, lại nhiều chi phí phát sinh.

Gần đây, có nhiều ý kiến trái chiều về việc “nên mua ôtô hay mua nhà trước?“, tôi cũng xin chia sẻ chút kinh nghiệm của mình và gia đình:

Theo tôi, mỗi thế hệ (7x, 8x, hay 9x), do sinh ra trong mỗi giai đoạn khác nhau, nên sẽ có cách nhìn nhận về việc tiết kiệm và hưởng thụ khác nhau. Tôi thuộc thế hệ 8x đời đầu, sinh ra trong thời kỳ kinh tế khó khăn, thiếu thốn, rồi lớn lên trong giai đoạn kinh tế mở cửa và phát triển (có nhiều cơ hội để kiếm tiền), nên tôi có tâm lý tiết kiệm từ sớm và hưởng thụ sau.

31 tuổi, ưu tiên của tôi là nhà cửa (sau khi lập gia đình và sinh con). 36 tuổi, tôi lại ưu tiên dành dụm tiền để đầu tư nhằm có thêm nguồn thu nhập ngoài lương (hiện tôi đã có nhà cho thuê). 38 tuổi, ưu tiên của tôi là đầu tư một số lô đất để dành (chuẩn bị tài chính cho việc học của hai con, ba mẹ đã già cần chi phí điều trị bệnh, và cuộc sống sau khi nghỉ hưu của hai vợ chồng sau này…).

Thực ra, giai đoạn sau khi có nhà cửa, chúng tôi dành dụm được một ít và cũng có ngồi lại bàn với nhau rằng liệu có nên mua ôtô lúc này không, khi thấy bạn bè đều bắt đầu “lên đời” xế hộp? Chúng tôi nghĩ rằng, nếu bỏ một số tiền khoảng 700-800 triệu đồng cho một chiếc ôtô để đi lại, thì chắc chắn giá trị của nó sẽ ngày càng đi xuống, kèm theo các chi phí phát sinh khác.

Chưa kể, chúng tôi sẽ có thể phát sinh nhu cầu nâng cấp lên một dòng xe khác cao cấp hơn sau một thời gian sử dụng. Cuối cùng, sau khi cân nhắc, vợ chồng tôi quyết định dùng số tiền dành dụm này để đầu tư vào đất, và tới nay đã đạt được hết các mục tiêu ưu tiên như đã nói ở trên.

>> Không vội sắm ôtô để mua thêm nhà

Như vậy, chuyện sở hữu ôtô ở giai đoạn đó đối với hai vợ chồng tôi, chỉ là ưu tiên thấp. Từ đó đến nay, chúng tôi chủ yếu thuê xe dịch vụ (thay vì mua), với chi phí trung bình 3-4 triệu/ tháng cho nhu cầu đi lại. Nhờ đó, tổng tài sản ước tính của chúng tôi tại thời điểm này là gần một triệu USD (bao gồm cả bất động sản, cổ phiếu…), với dòng tiền duy trì ổn định mỗi tháng là 100 triệu đồng.

Tôi cũng bàn với vợ sắp tới sẽ mua ôtô, vì số tiền bỏ ra không còn phải đắn đo nhiều so với giai đoạn trước. Theo tôi quan sát, các bạn trẻ thế hệ 9x trở về sau này, ưu tiên mua ôtô sớm (đa phần phải vay mượn, trả góp) với lý do tiện đi lại, được yên tâm bảo vệ, hưởng thụ cuộc sống… Quan điểm đó của các bạn trẻ tất nhiên là không sai, vì thế hệ của họ được tiếp xúc nhiều cái mới, nhu cầu khẳng định mình, và nền kinh tế giai đoạn này cũng khuyến khích vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, đổi lại, các bạn sẽ phải chấp nhận những rủi ro như sẽ không thể tích lũy nhiều để tính chuyện đầu tư (sau một thời gian đi làm), nguy cơ đối mặt khó khăn khi công việc không như ý (như xảy ra dịch bệnh hoặc kinh tế suy thoái theo chu kỳ)… Cứ vậy, sau khoảng 5-10 năm sống “hết mình” theo kiểu “yoi only live one”, đến khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, biến cố, các bạn sẽ lại đau đầu với câu hỏi: mình thu nhập cao, nhưng tiền ở đâu hết rồi?

Minh

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *