‘Không thể bàn lùi thu phí ôtô vào nội đô’

Kêu ca giao thông công cộng chưa thuận tiện để bàn lùi việc thu phí ôtô, sẽ chỉ càng làm khó thêm, chứ chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Phản đối đề án thu phí ôtô vào nội đô Hà Nội và TP HCM, nhiều người đòi hỏi phải có hệ thống giao thông công công đủ tốt và thuận tiện, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Có người lại quay sang đổ tại vỉa hè không có cho người đi bộ nên dùng muốn cũng không thể sử dụng phượng tiện công cộng. Nhưng tôi tin, ngay cả khi tất cả những điều kiện trên được giải quyết, đa số người Việt vẫn khó có thể chấp nhận đi bộ cả quãng đường hàng cây số để bắt xe buýt hay tàu điện ngầm (kể cả đi xe đạp). Chúng ta quen với việc sử dụng phương tiện cá nhân đơn giản vì nó nhanh, tiện, chứ không phải do xe buýt thế này, thế kia.

Không nói đâu xa, ở TP HCM hay Hà Nội, có rất nhiều cây cầu bộ hành qua đường được dựng lên để phục vụ người đi bộ. Nhưng thay vì chấp nhận đi bộ thêm 100 m, hay thậm chí đứng ngay chân cầu bộ hành (như trước cổng bệnh viện Ung bướu TP HCM), đa số người Việt vẫn chọn băng qua đường trực tiếp thay vì leo lên cầu. Đừng so sánh Việt Nam với các nước phát triển về kinh tế và khí hậu lạnh. Tất cả bắt nguồn từ trình độ dân trí và ý thức xã hội của chúng ta vẫn còn cách họ một khoảng rất xa.

Chúng ta chê trách giao thông công cộng không thân thiện, nhưng như thế nào mới được gọi là đáp ứng đủ nhu cầu người dân? Ví dụ cứ một km lại có một nhà ga Metro hay một trạm xe buýt, nhưng người có nhà trong hẻm phải đi bộ cả cây số mới tới trạm, như vậy có gọi là đáp ứng chưa? Hay phải bắt xe buýt, tàu điện đi vào tận từng ngõ ngách?

Nếu bạn chưa hài lòng với phương tiện công cộng hiện tại, vậy thì phải giới hạn quãng đường đi bộ từ nhà tới trạm là bao nhiêu cho vừa lòng tất cả? Không lẽ cứ phải chờ xây dựng các tuyến giao thông công cộng đầy đủ, phủ hết cả thành phố thì mới tính đến phương án kinh tế để buộc người dân sử dụng sao? Nếu vậy, có lẽ xây dựng được 50% nhu cầu thì những công trình làm đầu tiên đã hư hỏng mất rồi. Đất nước ta phải làm đồng bộ nhiều phương án, vừa kéo vừa đẩy.

>> ‘Thu phí vào nội đô để mở đường cho xe buýt’

Nguồn lực chúng ta còn yếu nên nếu ai cũng đòi hỏi thì lấy đâu ra để đáp ứng được? Như bài toán xây dựng cây xăng và mua ôtô, xe máy vậy, cả hai phải cùng phát triển từ từ để hỗ trợ nhau, không thể đòi hỏi có đủ cây xăng khắp mọi nơi thì mới mua ôtô để chạy được. Đừng đòi hỏi cái này có rồi mới làm cái kia. Cũng như đừng đòi hỏi phải có hệ thống giao thông công cộng rất tốt, rồi người dân mới sử dụng.

Việc cải thiện hệ thống giao thông công cộng phải diễn ra từng bước, trong một khoảng thời gian dài. Việc dùng cơ chế thu phí để người dân phải lựa chọn chuyển dần sang sử dụng phương tiện công cộng cũng vậy. Hay ngay cả việc hạn chế xe cá nhân bằng các chính sách như thu phí cũng cần phải thực hiện từng bước. Còn nếu không có biện pháp mạnh, chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, kêu gọi, vận động người dân tự nguyện chuyển đổi thói quen sử dụng của mình, thì tôi tin phần lớn sẽ vẫn chọn xe cá nhân trong lúc này. Điều đó sẽ chỉ càng làm hệ thống giao thông công cộng không có cơ hội để phát triển.

Ngay cả một đất nước công nghệ hàng đầu thế giới, thu nhập bình quân cao top đầu như Nhật Bản, người dân cũng vẫn phải chịu cái cảnh bất tiện nhất định khi sử dụng phương tiện công cộng. Vậy tại sao người Nhật không chê giao thông công cộng của họ chưa đủ tốt để bảo thủ với phương tiện cá nhân? Xét về nhiều mặt, nước ta còn kém hơn họ rất nhiều, thế nên việc bất tiện hơn họ cũng là điều dĩ nhiên. Ai chẳng muốn được hưởng tiện ích, thoải mái, nhanh gọn nhất có thể, nhưng chúng ta cũng cần biết mình ở đâu để chấp nhận, đồng thời cố gắng thay đổi từng bước. Nếu không bắt tay vào làm, mà chỉ ngồi một chỗ nhìn khó khăn, bất tiện, rồi chê bai, bàn lùi thì khó khăn sẽ chỉ càng tăng thêm chứ không hề mất đi.

Tôi tin rằng, khi chi phí đi ôtô vào nội thành cao lên nhờ, sẽ làm giảm số lượng ôtô ở nội thành. Đừng kêu khó, hãy làm đi. Hãy khắc phục thay vì tìm lý do cản trở. Cái gì mới cũng đều gây bỡ ngỡ, có phần bất cập, thiếu ổn định. Nhưng nếu tất cả cùng đồng lòng cố gắng thay đổi, thích nghi vì cái chung, mọi thứ rồi sẽ được cải thiện và tốt lên mỗi ngày.

Văn Tùng

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *