‘Khủng hoảng’ con một

Nhà đã nghèo, còn không có anh em, đến lúc học xong ra trường tôi cũng không được đi làm xa quá, lấy chồng cũng phải gần nhà.

Chia sẻ về “Áp lực của con một“, nhiều độc giả VnExpress ủng hộ chính sách hạn chế các gia đình chỉ sinh một con:

Tôi cũng là con một. Vì nhà nghèo nên tôi thực sự cảm thấy rõ sự cô đơn của con một. Đi học bị bạn bè bắt nạt, tôi chỉ mong có anh chị em để chia sẻ. Mẹ đi làm vắng, bố công tác xa. Nhiều lúc tôi bị đổ bẩn vào người, lấm lem từ đầu đến chân, vừa đau vừa tủi. Nhiều hôm lợn xổng chuồng, một mình tôi phải đi tìm khắp nơi, vừa đi vừa khóc, còn sợ về bị mẹ mắng.

Bố tôi cũng là con một nên việc giỗ chạp rất nặng. Tôi vừa biết đi xe đạp là mẹ giao cho đi về nhà thờ họ, về nhà các bác ăn cỗ cách nhà 4-5 km. Vào họ, tôi không biết ngồi vào đâu, im như thóc vì cỗ bàn rượu chè linh đình, làm gì có chỗ cho trẻ con.

Những cái nghèo khó của một đứa con một khiến tôi thu mình lại, trở thành một đứa nhút nhát, rụt rè. Bố mẹ tôi lại bệnh tật ốm đau suốt. Tháng lương đầu tiên, tôi phải dành dụm đưa bố đi chữa bệnh vì nhà làm gì có tiền, chỉ trông chờ vào đứa con gái duy nhất là tôi. Nhà đã nghèo, còn không có anh em, đến lúc học xong ra trường tôi cũng không được đi làm xa quá, lấy chồng cũng bị yêu cầu phải lấy gần, nếu không tuổi già bố mẹ chẳng biết trông cậy vào đâu.

Tôi thương bố mẹ nghèo khó, ít con nên cố gắng học hành, ở lại thủ đô, lấy một anh chồng cùng làng, tốt tính, sinh hai đứa con. Hai vợ chồng tôi cố gắng tự lực mọi thứ, lo lắng quan tâm bố mẹ, rồi cuộc sống cũng ổn. Nhưng tôi không lựa chọn sinh con một nữa, cũng không sinh quá nhiều dù tôi chỉ có hai đứa con gái, và thấy cuộc sống như thế là tốt đẹp.

Tuyết Nhung Nguyễn

Gia đình tôi, cả hai bề đều là con độc. Tôi tự xác định vấn đề ngay khi chúng tôi chuẩn bị cưới và thực hiện việc tích lũy. Bản thân bố mẹ chúng tôi đều tự tích lũy cho mình. Nhưng những ngày bố tôi phải nằm viện, mối lo lớn nhất không phải là tài chính mà tôi thực sự khủng hoảng tinh thần, thời gian, cũng như suy nghĩ về trách nhiệm. Tôi vừa phải theo dõi, chăm sóc người ở viện, vừa phải để mắt đến trẻ con ở nhà, vừa đảm bảo công việc. Những lúc như thế, thực sự rất mệt mỏi.

Hien Tran

>> ‘Ngại đẻ vì a dua theo xã hội’

Thời chiến, nhiều người còn nuôi được vài đứa con, nay thời bình mỗi gia đình cũng nên có ít nhất hai con. Không chỉ vui cửa vui nhà, mà còn là vì sau này bố mẹ già nằm liệt giường, nếu gia đình chỉ có một con sẽ rất áp lực. Thời trẻ bố mẹ còn lo được cho mình chứ già đâu biết gì mà lo. Lúc bệnh tật, nếu có anh em thì còn thay phiên nhau chăm sóc, chứ chỉ có một con rất nhọc. Bố tôi nằm liệt giường và mất sau 10 năm, chuyển bao nhiêu bệnh viện, cũng may gia đình có ba anh em nên thay phiên nhau trông. Tôi là con trai mà còn cảm thấy may mắn khi có hai cô em gái.

Anh sao xanh

Tôi là con một nên thông cảm với áp lực người là con một. Do vậy, dù thực sự có lúc cũng chỉ muốn dừng ở một đứa (vì những năm đầu nuôi con khá vất vả do cháu yếu) nhưng nghĩ đến cảnh sau này nó cũng rơi vào hoàn cảnh như mình nên tôi vẫn có thêm đứa thứ hai. Nói thực, trừ những hoàn cảnh bất khả kháng (như do sức khỏe, kinh tế quá khó khăn…) mà không thể có đứa thứ hai, chứ theo tôi rất nên và cần thiết có hai con. Dù gì “anh em như thể tay chân” vẫn hơn người ngoài chứ. Còn sau này chẳng may chúng không được thế hoặc thậm chí coi nhau như kẻ thù, cũng một phần là do lỗi bố mẹ không dạy dỗ trước đây. Tất nhiên, đẻ hai đứa sẽ tốn kém, vất vả hơn, nhưng đó cũng là niềm vui, sự phấn đấu nỗ lực của người làm cha mẹ.

Le Anh Hoang

Lê Phạm tổng hợp

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *