Lạm dụng phản biện để kết tội người khác

Nhiều người cho rằng tôi là kẻ ‘làm phức tạp hóa vấn đề’ mỗi khi nêu quan điểm cá nhân.

Tôi có mấy ví dụ sau đây, muốn nhờ các bạn độc giả đánh giá tính đúng – sai của vấn đề:

1. Một con hổ mẹ nuôi con của mình và đang rất đói. Nó quyết định đi tìm mồi để nuôi con. Và nó thấy một người mẹ nuôi con nhỏ đang hái lượm để mang thức ăn về nhà cho con. Một bác thợ săn xuất hiện và quyết định bắn chết con hổ mẹ và cứu người mẹ. Vậy bác thợ săn đúng hay sai?

Trên quan điểm của bác thợ săn, với lợi ích an toàn cá nhân, an toàn tập thể, an toàn cộng đồng của loài người, chúng ta sẽ có xu hướng phán rằng bác thợ săn đúng. Nhưng trên quan điểm của loài hổ, con hổ mẹ chẳng có gì sai cả, nó đang kiếm ăn như một tập tính sinh tồn của loài, cần phải nuôi con của nó, vậy bác thợ săn lúc này lại sai khi không chỉ hại chết con hổ mẹ mà hại chết cả một đàn hổ con sống phụ thuộc vào hổ mẹ.

2. Ai trong chúng ta cũng thường biết hay nghe về những câu truyện của các anh hùng nghĩa hiệp cướp của người giàu chia cho người nghèo. Đa số chúng ta sẽ đồng tình và ủng hộ họ. Bởi vì dựa trên lợi ích, phần đông chúng ta là người nghèo và sẽ được chia phần ở đó. Nhưng nếu đứng trên lợi ích của những nhà giàu kia, bạn sẽ thấy thế nào? Đâu phải ai giàu cũng xấu, cũng đáng bị cướp?

Phần lớn người giàu là người tốt. Họ đã xây dựng được mô hình kim tự tháp của sinh cơ và của cải ổn định để bảo vệ miếng ăn cho mình, cho những người làm thuê. Khi hệ thống sụp đổ, không chỉ họ bị đói, mà cả những người ăn theo, làm thuê, khách hàng của họ cũng bị chết đói. Khi họ trở nên nghèo đói, liệu có được các anh hùng kia tiếp tục “tế bần” không?

Mất rất lâu mới có thể khôi phục lại hệ thống tương tự, thậm chí là không bao giờ. Vậy các anh hùng cướp của nhà giàu họ đúng hay sai? Chưa kể những người nghèo kia chỉ biết ăn, nên khi chia phần, đa số họ sẽ tiêu hết và lại nghèo sau đó do không biết tự làm ăn. Rồi cách chia có công bằng không, dựa trên quan điểm nào, và các anh hùng cho mình là đứng đầu trong danh sách người nghèo được nhận liệu có đúng không?

3. Nếu bạn đi cùng thuyền với “vua, thầy và cha”, khi mà thuyền chìm và chỉ mình bạn biết bơi, vậy bạn cứu ai trước? Lý thuyết “Tam Cương” cho rằng bạn phải cứu vua trước, vì vua là đại diện lợi ích dân tộc, quốc gia. Khi vua chết thì cả cha và thầy, cùng nhiều sinh linh khác sẽ phải chịu đồ thán và lầm than vì họa vong quốc.

Vậy sau khi cứu được vua, bạn sẽ cứu thầy hay cha tiếp theo? “Tam Cương” cũng cho rằng bạn phải cứu thầy trước. Vì thầy là người đại diện cho tri thức của cả cộng đồng, của quốc gia… Sự ngu dốt nếu kéo dài cũng tạo ra thảm họa cho nhiều sinh linh khác phải đồ thán. Giặc dốt chỉ đứng sau giặc ngoại xâm. Cuối cùng, bạn mới có thể cứu cha.

Vậy đấy, nếu dựa trên lợi ích của gia đình, tình thân, bạn có thể cho rằng nên cứu cha trước, vì vua chết rồi còn vua khác, thầy chết rồi còn thầy khác, nhưng cha chết chẳng có cha nào nữa cả. Vậy ai đúng ai sai đây?

>> Thời của những ‘thẩm phán, đồ tể online’

4. Ai cũng biết mô hình lợi ích của xã hội loài người là đi từ thấp lên cao. Từ lợi ích cá nhân lồng trong lợi ích tập thể; lợi ích tập thể lồng trong lợi ích cộng đồng; lợi ích cộng đồng lồng trong lợi ích dân tộc, quốc gia; lợi ích quốc gia lồng trong lợi ích nhân loại. Rất khó để có thể đảm rằng lợi ích người này sẽ không xâm phạm tới lợi ích người khác, cũng như lợi ích nhóm này sẽ không xâm phạm tới lợi ích nhóm khác.

Vì lợi ích chỉ là một hằng số có sẵn, khi phát cho nhóm này, người này, thì nhóm khác, người khác sẽ bị mất đi một phần tương ứng. Vậy khi lợi ích hai nhóm người xung đột nhau, bạn sẽ quyết định đúng – sai dựa trên điều gì? Chẳng phải là dựa trên lợi ích cá nhân của bản thân hay sao? Khi ở trong nhóm người nào đó, xu hướng của bạn sẽ cho rằng nhóm mình xứng đáng đạt được lợi ích, và bạn xứng đáng với lợi ích có trong nhóm đó. Và khi lợi ích cá nhân của bạn, của nhóm bạn bị xâm phạm, bạn sẽ có xu hướng kết tội nhóm khác đã trục lợi.

5. Trái đất không thể tự đẻ thêm diện tích. Hằng số bề mặt diện tích, sử dụng bề mặt là cố định, hữu hạn. Khi một lãnh thổ này được mở rộng thì đồng nghĩa với sự mất mát phần tương ứng của lãnh thổ khác. Vậy bạn quyết định đúng – sai dựa trên điều gì khi xảy ra xung đột? Chẳng phải lại là lợi ích cá nhân, lợi ích lãnh thổ mà bạn thuộc về sẽ quyết định cách nhìn của bạn?

6. Đa số chúng ta sẽ không có đủ thời gian để ngồi nghiền ngẫm logic một vấn đề nào đó trước khi quyết định nó đúng hay sai, mà thường xuyên bị tự ám thị và tự ghi nhận, tự mặc nhiên những gì mình nghe, thấy là đúng. Ví dụ: một người chạy xe ôm, khi đọc một đoạn tin nhắn, sẽ không có đủ thời gian ngồi xâu chuỗi tình huống, logic… mà sẽ bận làm những việc khác, chở khách… Để rồi anh ta sẽ tự ngộ nhận là những gì đoạn tin ấy đưa ra là đúng.

Áp dụng điều này thì Marketing đã đưa những khẩu hiệu như “khi nói một lần chưa tin thì khi nói ba lần họ sẽ tin; khi ba lần chưa tin thì nói 30 lần họ sẽ tin”, “khi lời nói dối lặp lại đủ nhiều, nó sẽ thành sự thật”…

Kết luận:

Lối suy nghĩ theo kiểu “nó nên là gì?” là hệ thống dựa vào lợi ích, cảm xúc cá nhân với những người khác như thần tượng, người nổi tiếng… mà tự đưa ra các nhận định mang tính bảo vệ lợi ích, cảm xúc bản thân nhất thời. Ví dụ: người nghiện luôn cho rằng mình không bị nghiện, chỉ là hút chích hơi nhiều; người xấu cố tình cho rằng mình vẫn đẹp; người béo cho rằng mình chỉ hơi thừa cân một chút…

Đây chính là biểu hiện của hệ thống suy nghĩ “nó nên là gì?” để thực hiện cái gọi là “phòng vệ phản thân”. Điều này hoàn toàn trái ngược với lối suy nghĩ “nó là gì?”, dựa vào bản chất của vấn đề và logic hiện tại, không dựa vào các lợi ích cá nhân, cảm xúc nhất thời, hay các ám ảnh quá khứ để kết luận vấn đề một cách vội vàng, nóng vội.

Tôi thường chia sẻ quan điểm dựa trên lối suy nghĩ “nó là gì?”. Rất nhiều bạn cũng liên tục phản biện trên quan điểm “nó nên là gì?”. Có nhiều ý kiến cho rằng tôi “làm phức tạp hóa vấn đề, vĩ mô hóa vấn đề”. Tôi không hoàn toàn phủ nhận vai trò của lối suy nghĩ “nó nên là gì?” vì khi dựa trên khoa học, chúng ta vẫn cần tới nhiều biện pháp phong bế để đảm bảo không xung đột lợi ích quá lớn, đảm bảo cho đạo đức được tồn tại. Nhưng các bạn đừng lạm dụng lối suy nghĩ này, vì nó mang tính áp đặt và bảo vệ lợi ích cá nhân, ngăn cản sự thật.

Thánh Tuệ

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận mạng xã hội - thòng lọng treo trên đầu mỗi người

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *