Làm gì để cứu thể thao Việt Nam?

Trong khi Indonesia, Thái Lan, Malaysia đều có những vận động viên thuộc top 10 thế giới, thể thao Việt Nam vẫn loay hoay với bài toán ‘tiến hóa ngược’.

Tôi là một người Việt bình thường, không hoạt động trong lĩnh vực thể thao. Thời gian gần đây, tôi đón nhận những tin tức không vui về thể thao Việt Nam và cảm thấy chạnh lòng khi những nước láng giềng khu vực Đông Nam Á đều có những thành tích thể thao hiện tại nằm trong top của thế giới, còn chúng ta thì không. Có thể kể đến một vài môn như:

Về môn cầu lông: Indonesia, Thái Lan, Malaysia đều có những vận động viên nằm trong top 10 thế giới. Đôi nam xếp hạng số một thế giới hiện tại là cặp vận động viên người Indonesia. Giải cầu lông đồng đội nam Thomas Cup tại Đan Mạch vừa kết thúc ngày 17/10 với chức vô địch thuộc về đội cầu lông Indonesia sau khi họ thắng đội Trung Quốc đương kim vô địch hùng mạnh ở trận chung kết với tỉ số 3-0 (thắng cả trận đánh đơn nam lẫn trận đánh đôi nam).

Còn Malaysia, Lee Chong Wei từng là số một đơn nam liên tiếp hơn ba năm của cầu lông thế giới giải nghệ thì nước này lại có một tay vợt trẻ Lee Zii Jia nối tiếp và đang xếp hạng tám đơn nam cầu lông thế giới. Thái Lan cũng có hai vận động viên nữ xếp hạng sáu và mười đơn nữ thế giới. Trong khi câu hỏi người kế cận Nguyễn Tiến Minh sau khi vận động viên này giải nghệ vẫn chưa có lời giải.

Về môn bóng chuyền nữ: Đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan đứng đầu Đông Nam Á và đang ở đẳng cấp thuộc hàng top thế giới, còn bóng chuyền nữ Việt Nam luôn đứng thứ hai hoặc thứ ba Đông Nam Á và chưa hề có đẳng cấp thế giới.

>> Thể thao Việt Nam thụt lùi sau thất bại ở Olympic 2020

Nếu ta viện lý do Indonesia và Thái Lan đi trước Việt Nam nhiều năm ở môn cầu lông và bóng chuyền, thì hãy nhìn lại môn Taekwondo. Nhiều năm trước, khi Việt Nam là số một Đông Nam Á, chính Thái Lan phải liên hệ để mời chuyên gia Việt sang giúp huấn luyện cho vận động viên của họ, tức là Taekwondo Việt Nam đi trước Thái Lan khá xa. Vậy mà bây giờ, tại Olympic Tokyo 2020, chúng ta không có bất kỳ huy chương nào, trong khi Thái Lan lại có Vàng. Vậy người Thái đã làm cách nào để vượt mặt Việt Nam nhanh như vậy?

Nếu ta viện lý chiều cao vận động viên Việt Nam không bằng các nước khác thì chính tại môn cầu lông, có tay vợt nữ Yamaguchi người Nhật Bản, xếp hạng năm thế giới cũng chỉ cao 1,56 m mà thôi, tức là còn thấp hơn nhiều vận động viên cầu lông nữ của ta. Hay tay vợt nữ Intanon của Thái Lan hạng sáu thế giới cũng chỉ cao 1,68 m – mức trung bình. Đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan cũng có hơn nửa đội hình chỉ cao ngang tầm các vận động viên bóng chuyền nữ Việt Nam. Nhiều người trong đội hình chính của họ còn thấp hơn các vận động viên bóng chuyền nữ của ta.

Nếu ta viện lý do vì ảnh hưởng Covid-19 mà thể thao Việt Nam đi xuống thì thử hỏi có phải các láng giềng không bị ảnh hưởng? Ở Olympic 2016, chúng ta cũng chỉ có Huy chương Vàng bắn súng của Hoàng Xuân Vinh chứ đâu còn gì nữa? Vậy vì sao chúng ta đi xuống còn các nước láng giềng đi lên?

VĐV cầu lông số một Việt Nam, Nguyễn Tiến Minh, đã 38 tuổi mà vẫn không tìm được người kế nghiệp (dù anh chỉ xếp hạng 65 thế giới). Hay xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã 47 tuổi cùng liên tục phải gánh trọng trách cao nhất của thể thao nước nhà. Cả hai người họ vẫn phải chinh chiến đều đặn ở Olympic 2020 và được tung hô vì “ý chí khi tuổi đã cao”, để rồi tất yếu đều thất bại buồn bã.

Vậy thể thao Việt Nam cần làm gì để thay đổi, tìm lại hướng phát triển của mình, thay vì cứ giậm chân tại chỗ và đi lùi như hiện tại?

Truong Hao

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *