Làm gì để hạn chế tai nạn trên đèo Bảo Lộc?

Chỉ từ sau Tết Tân Sửu đến nay, đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông tại đèo Bảo Lộc.

Đèo Bảo Lộc trên Quốc lộ 20 là đường đèo huyết mạch nối Lâm Đồng với TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, trên đèo Bảo Lộc đã xảy ra 15 vụ tai nạn, va chạm giao thông. Trong đó, có 2 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 3 người chết, 3 người bị thương; 2 vụ tai nạn liên hoàn làm 9 xe ô tô bị hư hỏng và 1 vụ xe đầu kéo lao xuống vực sâu.

Là một người thường xuyên di chuyển qua đoạn đường này, tôi cho rằng, có những nguyên nhân sau khiến số vụ tai nạn ngày càng tăng.

Trước tiên, tai nạn giao thông trên đèo tăng cao là do ý thức chấp hành luật của người lái xe. Quốc lộ 20, đoạn qua đèo Bảo Lộc mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe qua lại, đặc biệt là xe khách, xe tải cỡ lớn chở rau – hoa Đà Lạt cung cấp cho các thị trường phía Nam, cũng như xe vận chuyển boxit từ mỏ Tân Rai về dưới xuôi.

Hầu hết các tài xế đều chịu áp lực chạy cho kịp giờ, kịp chuyến, do đó rất nhiều người bất chấp luật giao thông đường bộ, bất chấp an toàn của bản thân và người khác, cố tình chở quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, giành đường ngay cả khi di chuyển trên đèo.

Tôi cho rằng, đây là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn thảm khốc trong thường gian vừa qua.

Thứ hai, đèo Bảo Lộc là một trong những tuyến đèo có độ chênh lệch chiều cao lớn nhất Việt Nam. Độ chênh từ hơn 400m ở chân đèo lên mức 980m tại đỉnh đèo, cộng với hơn 100 khúc cua ngoằn ngoèo là một trong những lý do khiến cung đèo này trở thành “cơn ác mộng” với rất nhiều tài xế, đặc biệt là những tài xế ít di chuyển trên những cung đường núi.

Bên cạnh đó, đoạn đèo này cũng thường xuyên bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc, khiến cho tầm nhìn hạn chế. Chính những nguyên nhân trên dẫn đến tình trạng nhiều tài xế bị “căng thẳng tâm lý” khi cầm lái, dẫn dến xử lý kém trong những tình huống bất ngờ.

Thứ ba, số lượng xe cộ lưu thông qua đèo ngày càng lớn. Nếu như cách đây chục năm về trước, khái niệm kẹt xe trên đèo chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện sau những vụ sạt lở, thì vài năm gần đây, “kẹt xe trên đèo Bảo Lộc” là cụm từ được báo chí – nhắc đi nhắc lại rất nhiều vào những dịp lễ, Tết.

Đời sống nhân dân tăng cao dẫn đến lượng phương tiện cá nhân cùng với nhu cầu di chuyện, vận chuyển hàng hóa, hành khách ngày càng lớn. Trong khi đó, tốc độ mở rộng đường không theo kịp với nhu cầu thực, dẫn đến hàng chục, hàng trăm phương tiện phải chen chúc qua đèo mỗi ngày.

Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông rất lớn.

Cuối cùng, một nguyên nhân khác mà tôi cho rằng rất ít người để ý, đó là đèo Bảo Lộc nằm ở vị trí tương đối “nhạy cảm” với nghề lái xe. Tuyến đèo này cách TP Đà Lạt và TP HCM – hai đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất và là điểm đến của nhiều phương tiện nhất – khoảng 4-5 h lái xe.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 65 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì: Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

Tuy vậy, tôi nhận thấy dường như rất ít tài xế, đặc biệt là xe khách và xe tải thực hiện nghiêm túc quy định này. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT dường như chưa có đủ phương tiện kỹ thuật cũng như hành lang pháp lý để kiểm tra việc chấp hành của tài xế.

Chúng ta đều biết, sau 04 tiếng lái xe liên tục, tài xế sẽ có những triệu chứng buồn ngủ, kém tập trung, phán ứng chậm với những rủi ro. Các biểu hiện này của tài xế cộng với độ quanh co của đèo Bảo Lộc là một trong những nguyên nhân dẫn đến số vụ tai nạn ngày càng tăng cao.

Để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông trên đèo Bảo Lộc nói chung, theo tôi, cần có các biện pháp sau:

Thứ nhất, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát giao thông nhằm răn đe, nhắc nhở và hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi coi thường Luật giao thông đường bộ. Phạt thật nặng, thậm chí phạt kịch khung các tài xế cố tình vi phạm. Song song đó, các cơ quan ban ngành cần thường xuyên tiến hành sửa chửa, nâng cấp cải tạo mặt đường để đáp ứng lượng xe ngày càng lớn. Đồng thời tiến hành lắp đặt hệ thống camera kiểm tra và ghi nhận những sai phạm của lái xe trên toàn tuyến đèo, tiến hành xử lý ngay trên đỉnh hoặc dưới chân đèo.

Thứ hai, cung cấp phương tiện kỹ thuật cũng như tạo hành lang pháp lý cho các lực lượng chức năng kiểm tra ngay lập tức bộ định vị (Hộp đen) của xe trước khi lên xuống đèo. Kiên quyết từ chối và xử phạt đối với những lái xe đã lái quá thời gian quy định tại tại Khoản 2, Điều 65 Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Thứ 3, các cơ quan truyền thông báo chí phải tăng cường tuyên truyền luật giao thông đường bộ, tăng cường tuyên truyền về những nguy hiểm khi di chuyển trên đèo. Lắp đặt các bảng cảnh báo lớn tại những khúc cua nguy hiểm nhằm cảnh báo tài xế khi di chuyển trên đèo.

Và cuối cùng, để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông trên đèo nói chung và trong toàn xã hội nói riêng, thì việc tự giác chấp hành luật giao thông của mỗi tài xế chính là giải pháp căn cơ, triệt để nhất. Mỗi tài xế luôn ghi nhớ rằng, phía trước tay lái chính là sự sống của bản thân, gia đình và xã hội.

Thìn Lê

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *