Lập di chúc để tránh bi kịch gia đình

Tôi chứng kiến một đại gia qua đời đột ngột mà không có di chúc, cha mẹ và vợ cũ của ông “đấu” nhau tơi tả để giành tài sản.

Luật sư Khanh, đang sống tại Mỹ, chia sẻ bài viết về việc khi nào thì một người nên lập di chúc:

Khi nói tới di chúc, nhiều người nghĩ về cái chết. Tuy vậy khi có tiền nhiều hơn thì người ta lại nghĩ về di chúc theo cách khác. Lập di chúc bây giờ trở thành một điều nên làm, bởi nó rất có ích.

Vậy thì khi nào người ta nên bắt đầu lập di chúc? Việc này thật ra không tùy thuộc vào việc người ta bao nhiêu tuổi mà nó tùy thuộc vào việc người đó có bao nhiêu tiền.

Nếu tổng tài sản bằng không hay là âm thì không cần phải lập di chúc, bởi vì có gì đâu mà chia. Di chúc các khoản nợ thì tuyệt nhiên là không, đó không phải là mục đích của di chúc mà di chúc kiểu đó cũng không có chút hiệu lực nào.

Sau khi đã có tiền thì liệu người ta nên lập di chúc vào lúc nào? Đó là ngay lập tức. Với những người độc thân không con cái thì có tiền rồi cũng sẽ phải để lại cho ai đó, khả năng là cha mẹ, anh chị em, hay là các cháu con của anh chị em. Di chúc trong trường hợp này tiện lợi, nó giúp cho người ở lại nhanh chóng giải quyết được việc phân chia tài sản.

>> Bài viết cùng tác giả: Đào tạo đại học và chuyện kỹ sư ‘made in Việt Nam’ bị cười cợt

Còn với những người còn chưa già nhưng có vợ, chồng, con cái và có cả cha mẹ thì lập di chúc rất quan trọng. Khoản tiền để lại là thứ duy nhất mà người ra đi có thể dùng để chăm sóc cho những người thân yêu của mình. Nếu người đó có nhiều tiền và vừa nuôi vợ con vừa phụng dưỡng cha mẹ thì nay mất đi, chuyện bao nhiêu để lại nuôi con và bao nhiêu để phụng dưỡng cha mẹ sẽ là nguyên nhân gây ra cuộc chiến tương tàn xuyên thế hệ chứ chẳng chơi.

Tôi cũng đã được chứng kiến một trường hợp con trai đại gia phất lên, ly dị vợ, vợ nuôi đứa con duy nhất của hai người. Đùng một cái đại gia ra đi bất ngờ không di chúc, cha mẹ anh ấy lại xông vào dành phần với đứa cháu nội, cô vợ cũ đã ly dị không “xơ múi” được gì thì giữ rịt lấy đứa con để làm vũ khí giành tiền. Thật là tơi tả.

Các bạn dù không là đại gia nhưng có chút đỉnh thì cũng phải nghĩ tới chuyện này, kẻo mà xui rủi thì trên dưới đều khổ.

Còn với cha mẹ già thì lập di chúc là chuyện càng cần hơn. Theo luật pháp thì các con được hưởng như nhau, trên thực tế chuyện các con tranh gia tài cũng có nhiều. Cái di chúc khiến mọi chuyện rõ ràng, giảm thiểu tranh chấp.

Khi lập di chúc, điều người lập di chúc nên suy nghĩ xem là mình làm như vậy để giảm thiểu tranh chấp, giữ gìn hòa khí hay để thỏa mãn cái tôi của mình. Không thiếu các trường hợp cha mẹ cố gắng lập di chúc với những yêu cầu cho con mà chỉ có cha mẹ muốn chứ con thì không muốn. Như là phải kết hôn, sinh con, sinh con trai, phải học đại học, làm này làm kia mới được nhận tiền. Nói chung, họ muốn con mình phải khổ để có được tiền, lại còn muốn thiên hạ phải khổ theo nữa chứ.

>>Trẻ nuôi con, già trông cháu – nỗi khổ của nhiều người già

Để đứa con kết hôn thì phải có vợ hay chồng, liệu người đó có biết là cuộc hôn nhân này nhằm để lấy thừa kế hay không? Các cháu sinh ra như vậy thì cuộc sống thế nào?

May thay pháp luật nhiều nước đã cấm đoán những điều như vậy, bởi người chết thì nên nhắm mắt xuôi tay chứ không nên thò bàn tay của mình khỏi mặt đất mà điều khiển người sống.

Luật pháp Mỹ có một điều khoản thú vị liên quan tới thừa kế đất đai gọi là “luật chống lại tính chất mãi mãi”. Đại khái là một người có thể để lại đất đai với điều kiện như “Cho con trai đầu là John ở khi con còn sống, John chết thì cháu nội Jim sẽ được ở, Jim chết thì con của Jim (chưa được sinh ra) sẽ được ở “.

Tuy vậy di chúc kiểu này chỉ có hiệu lực tối đa 21 năm sau khi người đựơc nhắc tới trong di chúc chết đi. Tức là trong di chúc này, sau khi cả Jim lẫn John đều đã chết rồi và trong vòng 21 năm sau đó mà Jim không có con cái thì di chúc không còn hiệu lực, mảnh đất được chia cho người thừa kế của Jim dù đó có là ai đi chăng nữa.

Điều luật này nhằm ngăn chặn các “ông bà gàn” muốn dùng chút tài sản để ép con cháu phải dùng đất kiểu này kiểu kia, dù là những đứa cháu chưa được sinh ra và cũng chả biết là sẽ có hay không. Nó cũng nổi tiếng là điều luật khó hiểu nhất trong luật pháp Mỹ, tới nỗi có một quan tòa đã ra phán quyết rằng yêu cầu một luật sư phải hiểu rõ điều luật này là không công bằng.

>> Tôi sẽ lập hội bạn già để nương tựa nhau, không phiền con cháu

Một cuộc sống êm đẹp là một cuộc sống được lên kế hoạch để giảm thiểu khó khăn. Di chúc là một phần của kế hoạch đó, dù là nó không phải dành cho người lập di chúc mà dành cho người thân của người đó. Di chúc thật ra cũng chỉ là việc cho tiền những người còn sống và có cả một bộ luật xoay quanh nó để đảm bảo một xã hội công bằng và hạnh phúc. Dù là người lập di chúc hay được thừa hưởng di chúc thì cách cư xử của mỗi người mới quyết định được sự ổn thỏa trong từng mối quan hệ.

Các luật sư chuyên về di chúc ở Mỹ luôn có cả một kho tàng những câu chuyện kinh dị về di chúc. Nhưng những rắc rối lớn nhất mà tòa phải phân xử lại thuộc về những cái chết nhiều tiền và không di chúc như anh đại gia trên kia.

Vì vậy, nếu có tiền thì bạn nên lập di chúc.

Khanh Huỳnh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *