Lo lắng dòng người chen chúc đêm trung thu

“Sống chung với dịch không có nghĩa ra đường khi không cần thiết, tập trung đông người mà cần tuân thủ 5K, giữ khoảng cách an toàn”.

“Người có ý thức phòng dịch sẽ không chen nhau ra đường nếu không vì lý do cần thiết. Hàng quán dịch vụ, khu vui chơi vẫn đóng cửa. Các sự kiện đêm rằm không tổ chức. Chỉ thị 15 đã nói rõ người dân chỉ ra đường khi có việc thật sự cần thiết. Vì thế, không có bất kỳ lý do gì để chen chúc đêm trung thu”.

Đó là quan điểm của độc giả Pham Tra xung quanh hình ảnh “Người dân đổ xuống phố chơi trung thu“. Sau gần hai tháng chủ yếu ở trong nhà giãn cách, tối 21/9, nhiều gia đình đưa các em nhỏ xuống phố đi chơi trung thu, trong ngày đầu Hà Nội nới lỏng giãn cách, chuyển từ thực hiện Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15. Trên nhiều tuyến phố trung tâm, dòng phương tiện đông nghẹt, chen nhau nhích từng mét, đặc biệt là khu vực xung quanh Hồ Gươm, khu vực phố cổ, dẫn đến tình trạng ùn tắc cục bộ ở các tuyến phố.

>> ‘Người tiêm hai mũi vaccine nên được đi làm’

Nói về vấn đề nay, độc giả Minh Nguyen lo ngại: “Bản thân tôi là người ở Đồng Nai, cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội gần ba tháng nay. Tôi cũng hiểu, cũng có những bức bối, ngột ngạt khi phải ở nhà nhiều tháng mà không được ra đường, nhưng tôi không đồng tình với cách người dân đổ ra đường chơi trung thu trong giai đoạn này như vậy. Mặc dù Hà Nội đã được nới lỏng giãn cách nhưng chưa thật sự an toàn, trung thu thì năm nào cũng có, đừng vì nhu cầu và sở thích cá nhân rồi vô tình nhiễm bệnh, lây lan cho gia đình, người thân và cộng đồng. Đừng nên thấy ‘xanh’ mà lầm tưởng”.

Cùng chung nỗi lo, bạn đọc Thaothuong17 chia sẻ: “Nhìn cảnh này, tôi thấy ngao ngán trước ý thức kém của nhiều người. Hà Nội vẫn đang giãn cách theo Chỉ thị 15 chứ chưa phải gỡ bỏ hoàn toàn. Công sức chống dịch mấy tháng qua có thể sẽ đổ sông đổ bể vì những người thiếu ý thức như vậy”.

Nhấn mạnh việc nới lỏng giãn cách là để phục hồi kinh tế chứ không phải để người dân ra đường đi chơi, độc giả Minh châu nguyễn cho rằng: “Nới lỏng giãn cách là để đi làm, từ từ phục hồi kinh tế. Chứ nhiều người mới tiêm một mũi vaccine mà ra đổ ra đường tập, trung đông tại một thời điểm như thế này thì thật khó chấp nhận. Tôi chỉ cầu mong thành phố sẽ không bị giãn cách tiếp. Không hiểu những người đó nghĩ gì và kéo nhau ra đường đông như vậy? Tôi ở TP HCM, xác định có mở cửa trở lại thì trong thời gian đầu cũng sẽ chỉ đi làm là về nhà, không đi đâu hết”.

“Những người tham gia giao thông tại thời điểm này thường suy nghĩ đơn giản là cứ đeo khẩu trang, đi xe máy di chuyển là không bị lây nhiễm. Nhưng họ đã lầm. Chỉ cần một người vô ý thức sẽ làm ảnh hưởng tới cả thành phố.”, bạn đọc Director bổ sung.

>> Để người tiêm hai mũi vaccine sống ‘bình thường mới’

Lực lượng công an đã phải lập rào cấm ở một số khu vực, huy động xe bán tải đi dọc tuyến phố, dùng loa liên tục nhắc nhở, yêu cầu người dân giải tán, đảm bảo giãn cách. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc chỉ được giảm bớt sau 22h, khiến nhiều người lo lắng đến an toàn phòng chống dịch.

Trong khi đó, với cái nhìn tích cực hơn, độc giả Phan Anh phản biện: “Mọi người có vẻ lo lắng thái quá. Trước đây, Hà Nội cũng có vài ca dương tính, đường vẫn ùn ùn, nhưng rồi có thể kiểm soát được. Hơn nữa, chúng ta đã phủ vaccine hơn 90% dân số thủ đô rồi. Ngay cả việc xét nghiệm 4,2 triệu mẫu cũng chỉ có 19 mẫu dương tính. Rõ ràng, tỷ lệ lây nhiễm là cực thấp, chưa nói đến việc nếu có nhiễm thì triệu chứng cũng rất nhẹ”.

Đó cũng là suy nghĩ của độc giả Vu D: “Mấy tháng trời phải ở trong nhà nên tâm lý chung ai chẳng muốn được ra ngoài một chút khi nới lỏng giãn cách. Vấn đề ở đây là đường sá tại Việt Nam quá nhỏ, mà xe cộ lại nhiều, nên mới thành ra đông đúc như vậy, chứ đâu phải ai cũng muốn tụ tâp giữa đường? Tôi tin mọi người đều muốn giữ khoảng cách để bảo đảm an toàn, nhưng đường bé như vậy thì làm sao mà giữ khoảng cách được? Không lẽ bắt họ chạy lên vỉa hè? Thực tế, tôi thấy ai cũng đeo khẩu trang, như vậy là có ý thức rồi”.

Bạn đọc Minh Tien Tran trấn an: “Mọi người hãy mạnh mẽ và tự tin lên. Các nước trên thế giới vẫn phải quay lại cuộc sống bình thường mới đó thôi. Cảm giác e dè là không tránh khỏi, nhưng theo các bạn, chúng ta sẽ cứ giãn cách tiếp hay thế nào mới được ra đường? Hà Nội đã thực hiện tiêm phủ vaccine, xét nghiệm tầm soát diện rộng, thực hiện giãn cách suốt một thời gian dài. Chẳng lẽ sau khi đã làm mọi thứ như thế, chúng ta lại tiếp tục ở nhà?”.

Độc giả Valak cho rằng Hà Nội đang dần trở lại bình thường mới. Bên cạnh kinh tế, các hoạt động vui chơi, giải trí cũng sẽ dần mở cửa chứ không thể đóng mãi. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tuân thủ tuyệt đối 5K tại nơi công cộng.

“”Đã đến lúc chúng ta phải từng bước trở lại cuộc sống bình thường mới. Xin nhắc lại là ‘bình thường mới’ chứ không phải bình thường như xưa. Tức là, toàn xã hội phải dần dần làm việc, giao thương, học hành, vui chơi, giải trí trở lại.

Chúng ta không thể cứ mãi đóng cửa ở trong nhà vì trốn chạy không phải là cách tốt nhất để chống lại virus. Tôi rất vui vì thành phố đã thực hiện hàng loạt biện pháp chống dịch tích cực thời gian qua như giãn cách, tiêm phủ vaccine, xét nghiệm diện rộng… Đó là cách tận dụng tốt nhất hai tháng thực hiện Chỉ thị 16. Còn giờ, khi mọi thứ đã được làm quyết liệt, chúng ta cần cởi mở tư duy, bước vào thời kỳ ‘bình thường mới’, giống như nhiều nước trên thế giới đã làm.

Điều quan trọng nhất không phải cấm người dân ra đường mà bản thân mỗi chúng ta cần tuân thủ 5K tuyệt đối mỗi khi đi đến nơi công cộng. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ chính bạn và cộng đồng”.

“Sống chung với dịch không phải là đổ ra đường, tập trung đông người, không đảm bảo giãn cách, làm tăng nguy cơ lây lan dịch. Sống chung với dịch là tuân thủ 5K, giữ khoảng cách an toàn để dịch không lây lan rộng. Như vậy mới là bình thường mới”, độc giả Nguyễn Văn Thịnh bình luận.

Thành Lê tổng hợp

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *