Lối thoát ‘vòng đời công nhân’ trong nhà trọ 15 m2

Tính toán dài hạn hay ngắn hạn phụ thuộc rất lớn vào môi trường sống, nơi ăn ở.

Chuyện về những gia đình thế hệ cha mẹ làm công nhân, con cái cũng nối gót đi làm công nhân làm cho tôi rất nhiều suy ngẫm. Phải ở gần những dãy nhà trọ 15-20 m2, chứng kiến họ sống, sinh hoạt hàng ngày và chịu khó trò chuyện với nhau mới thấu hiểu hết hoàn cảnh của họ.

Nếu bạn đọc báo, đọc sách, cầm tấm bằng cao đẳng, đại học thì thế giới quan và tư duy của bạn và họ khác biệt hẳn. Vì thế, tôi chưa tìm ra sự đồng cảm khi thấy nhiều người phê phán họ thế này, thế kia, ví dụ như chuyện tiết kiệm, sinh con…

Chúng ta không thể đứng ở ngoài rồi phán xét họ thế này, thế kia. Họ không tiết kiệm tiền, mùa dịch họ túng thiếu. Họ đẻ con sớm hay đẻ năm một, gia đình họ gặp nhiều khó khăn. Họ không bắt ai phải gánh thay những khó khăn này cả bởi đây là chuyện cá nhân và gia đình của họ.

Tuy nhiên, trên phương diện xã hội chung, tôi nghĩ rất cần những người bao đồng, trò chuyện, thấu hiểu và phân tích để họ “nghĩ dài” hơn thay vì phê phán chung chung.

>> ‘Vòng đời công nhân’ trong nhà trọ 15m2

Ngay như bản thân tôi, đã nhiều lần mang tiếng ăn cơm nhà, lo chuyện hàng xóm như vậy. Tôi không tự nhận mình đứng cao hơn họ. Tuy nhiên, người ngoài cuộc thì bao giờ cũng có cái nhìn sáng và đúng đắn hơn người trong cuộc. Dịp cận Tết năm nào tôi cũng khuyên nhủ một số gia đình công nhân trọ gần nhà rằng nếu mới về quê năm ngoái, thì thôi năm nay đổi gió ăn Tết tại chỗ một năm. Tiền tàu xe, quà cáp, lì xì coi như tiết kiệm được một mớ.

Tiền đấy để dành hay trích ra một khoản để vợ chồng con cái ăn ngon hơn, sung sướng hơn trong ba bữa Tết. Và quả thật mưa dầm thấm lâu, một số gia đình chấp nhận và ở lại ăn Tết, sau đó họ nhận ra không nhất thiết năm nào cũng phải về. Vậy nên nó cho thấy đôi khi họ có nghĩ đến vấn đề đó, nhưng chẳng mấy ai dám bứt ra khỏi cái vòng xoáy của “tình quê hương, tình gia đình” mà ở lại. Nếu tìm ra được một người chia sẻ và động viên, họ sẽ nghĩ khác và tự tin hơn nhiều.

Lại có những gia đình cha mẹ làm công nhân, con cái làm tự do nhưng con cái ăn chơi, đua đòi xe cộ làm khổ gia đình. Những thành phần này có vẻ “cá biệt” hơn và việc chỉ trích chỉ là đang đẩy họ ra xa hơn với cộng đồng.

Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Hẳn họ cũng bất lực và đau khổ khi con cái không nghe lời mình. Đó là hậu quả của việc nuông chiều hay giáo dục sai phương pháp. Nếu có khả năng giáo dục đúng đắn, con họ đã không trở thành như thế. Tôi biết một trường hợp, bà mẹ luôn nuông chiều con trai, vì trong lối nghĩ của bà, đó là cách tốt nhất để bù đắp sự thiếu hụt và thiếu thốn của người con.

Nhiệm vụ của người sáng hơn ở ngoài là chỉ ra rằng bà ấy làm như vậy là đang hại con và nói rằng chị đang dạy con sai phương pháp. Nuông chiều không phải là bù đắp cho hoàn cảnh không tốt. Nó chỉ đẩy con chị ra khỏi cái gọi là “tiêu chuẩn cộng đồng” của số đông còn lại.

Bây giờ chị phải vừa khuyên nhủ, vừa răn đe để hướng con mình đến những hành vi đúng đắn hơn. Như vậy theo tôi mới là đang giúp người khác. Chứ không phải để mọi việc xảy ra tệ dần rồi khi họ gặp chuyện, ta lại buông câu “con hư tại mẹ”. Rõ là tại mẹ nhưng phần trách nhiệm của cộng đồng, của mọi người xung quanh cũng có chứ không phải là không.

Quả thực, khi chúng ta sống trong cái vuông nhà trọ 15-20 m2, sinh hoạt nhà bên kia thế nào, nhà bên này nghe hết. Khi không gian sống chật hẹp như vậy và cơ thể làm việc quần quật trên công trường phụ hồ, tăng ca trong nhà xưởng, đặt chân về tới phòng trọ là 9,10 giờ đêm, không kịp nấu ăn, chỉ húp đỡ tô mì gói lót dạ rồi đi ngủ.

>> Những vợ chồng trẻ ‘bó mình’ trong căn trọ 15 m2

Ngày mai lại lặp lại như thế thì con người ta không thể suy nghĩ điều gì quá dài hoặc tính toán cho năm tới, năm kia mình sẽ thế nào. Tính sao được khi mà mọi kế hoạch và nỗi lo cũng chỉ mang tính chất một tháng khi đồng lương về? Tính sao được khi con bạn vừa giở sách ra học bài thì phòng kế bên ăn nhậu ồn ào, karaoke inh ỏi?…

Vì vậy, sự giao tiếp gia đình, hạnh phúc của vợ chồng, trò chuyện với con cái hay quan tâm chuyện học hành, giáo dục của chúng cũng thiếu hụt ở gia đình này.

Tôi thầm nghĩ, nếu khi quy hoạch một cụm, một khu công nghiệp nào đó, chúng ta có thêm hạng mục ký túc xá, nhà ở cho công nhân thì hay biết mấy. Chuyện ăn, ở của công nhân và gia đình công nhân sẽ đi vào quy củ, nề nếp hơn. Và nếu như vậy thì chuyện học hành, đi nhà trẻ của con cái họ cũng sẽ tập trung hơn, đồng bộ hơn chứ không lẻ tẻ như bây giờ.

Tôi vẫn nghĩ lối thoát duy nhất cho những gia đình đời cha làm công nhân, đời con cũng có nguy cơ làm công nhân là con đường giáo dục, học hành. Và điều này phải cần sự hợp lực, chung tay của cả xã hội chứ không phải của riêng ai.

Lê Bảo

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *