Luật rừng ‘cấm đậu ôtô trước cửa nhà’

Nhiều chủ nhà mặt tiền có tư tưởng ‘đất của tôi’, nên không cho người khác đậu ôtô trước cửa và lấy đủ lý do ra để làm khó.

Đọc bài viết “Kẻ vạch ‘xí chỗ’ đậu xe trước cửa nhà“, tôi lại thấy thương cho cánh tài xế Việt. Ở đây, tôi muốn nói đến những tài xế có ý thức, chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ nhưng lại bị cản trở một cách rất vô lý. Phần đông người ta khi nghe tới chuyện ôtô đỗ trước cửa nhà đều ngay lập tức đổ lỗi cho lái xe vô ý thức, nhưng ít ai đặt tình huống ngược lại, không đỗ xe ở đó thì đỗ ở đâu, khi đường không hề có biển cấm?

Nhiều người từ vị trí của chủ nhà mặt đường phản pháo rằng, đỗ xe như vậy “làm cản trở sinh hoạt” của họ, rằng họ “lấy xe ra vào thế nào?”. Nhưng thực tế, tôi từng chứng kiến rất nhiều trường hợp phố có vỉa hè rất rộng, đường không cấm đậu xe nên có tài xế đánh xe đỗ cạnh mép đường. Lập tức chủ nhà gần đó lao ra đôi co, cự cãi, đòi đuổi người kia đi với lý do: “Đây là đất nhà tôi, không cho đỗ trước cửa, ảnh hưởng người ra vào”. Thực ra, tôi biết người chủ nhà đó không thích cho ai đỗ trước cửa nhà mình thì đúng hơn, vì tài xế kia đâu có lao lên vỉa hè để bít cửa nhà người khác?

Ở Việt Nam có một điều từ lâu đã trở thành “luật bất thành văn”. Đó là nhà ai ở mặt đường thì đương nhiên tự cho mình cái quyền độc chiếm luôn phần vỉa hè và lòng đường trước cửa nhà mình. Họ không cho ai để xe máy lần vào phần mặt tiền nhà mình, ôtô lại càng không, trong khi các hộ kinh doanh vẫn thản nhiên bày bàn ghế, hàng hóa ra buôn bán, bắt người đi bộ phải lách xuống lòng đường. Chính cái tư duy độc chiếm ấy khiến đường phố, vỉa hè ở ta bị chia năm xẻ bảy. Thứ lẽ ra là của chung nay lại thành của riêng.

>> Tài xế bức xúc vì nhà mặt tiền treo biển ‘cấm đỗ xe’

Có người hỏi “đỗ ôtô phía trước nhà như thế thì người trong nhà lấy xe máy, xe đạp ra để xuống đường kiểu gì?”. Vấn đề này lại mở ra một thói quen tùy tiện khác của người Việt. Nếu để ý, bạn sẽ thấy, khi người ta xây vỉa hè, họ luôn nắn vuông vắn mép đường, các điểm mở điểm lên xuống vỉa hè đặt cách nhau một khoảng nhất định. Như vậy, nếu bạn muốn đưa xe lên vỉa hè, phải đi thêm một quãng để tìm lối lên xuống.

Tuy nhiên, nhiều người vì thích nhanh, thích tiện, không muốn đi xa nên tự ý đập mép vỉa hè để tự mở lối lên xuống cho nhà mình. Cứ thế người ta đua nhau phá nát thiết kế của vỉa hè, tạo nên hình ảnh nhếch nhác, lồi lõm, của các con phố. Nếu người dân không tùy tiện như vậy thì ngay cả khi có ôtô đỗ ở mép đường trước cửa nhà, cũng đâu có ảnh hưởng đến việc ra vào của các hộ dân, bởi ai cũng phải tìm lối lên xuống đúng quy định chứ không phải một bước xuống đường như bây giờ.

Nhìn sang các nước phương Tây, việc đỗ xe ôtô được quy hoạch rất rõ ràng. Tại các tuyến phố cho phép đỗ xe, chẳng nhà dân nào xung quanh có quyền có ý kiến hay đuổi đi, ngay cả khi họ có mở cửa hàng kinh doanh. Đơn giản vì một khi tài xế đã làm đúng luật thì những người khác cũng phải tôn trọng. Chúng ta luôn có tư duy độc chiếm, nghĩ cái gì cũng là của mình nên mới xảy ra những cuộc tranh giành ngớ ngẩn như: giành vỉa hè của người đi bộ, giành lề đường của tài xế, giành đường giữa xe máy và ôtô…

>> Hai lần bị trả thù vì đỗ ôtô trước cửa nhà

Bản thân tôi cũng là một người có nhà mặt đường và cũng đi ôtô, nên tôi luôn tôn trọng cả hai phía. Khi có người đỗ xe trước cửa nhà mình, tôi không xua đuổi khi bản thân chưa có nhu cầu hay bị cản trở gì, mà chỉ nhắc nhở tài xế lưu ý thời gian dừng đỗ và để lại số điện thoại liên lạc khi cần. Ngược lại, khi cầm lái ôtô và muốn dừng đỗ ở đâu, tôi luôn gõ cửa nhà dân gần đó để nói với họ một tiếng cũng như điều chỉnh vị trí đỗ sao cho hợp lý nhất trước khi rời đi và nhanh chóng quay lại đánh xe đi khi xong việc. Những việc như vậy, tôi cho rằng chẳng tốn bao nhiều thời gian hay khó khăn gì để thực hiện, nhưng nó lại thể hiện sự tôn trọng và hợp tác để đôi bên cùng vui vẻ.

Nói tóm lại, vấn đề ở đây là chúng ta cần đối xử với nhau trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thay vì tranh giành nhau những thứ vốn chẳng phải của riêng ai. Đỗ xe vốn là một chuyện hết sức đơn giản ở những xã hội văn minh, nơi người ta tôn trọng lẫn nhau và không cố chiếm dụng cho riêng mình. Tôi mong người Việt cũng sẽ sớm thay đổi để làm được những điều đơn giản đó.

Huy Hoàng

>> Bạn làm gì khi bị ôtô đỗ chắn cửa? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *