Lương tâm nhà giáo – khi ‘cơm áo không đùa với khách thơ’

Khi lương tháng của giáo viên còn không đủ nuôi sống gia đình thì sao có thể đòi hỏi họ phải có đủ lương tâm, tâm huyết với nghề.

Bàn về câu chuyện lương tâm và lương tháng của giáo viên, độc giả Tuân Hm bày tỏ quan điểm:

“Lương tâm không quy ra bánh mỳ được. Khi con giáo viên còn đói ăn thì sao họ có thể toàn tâm, toàn ý quan tâm được đến con người khác được? Mẹ tôi là một nhà giáo, bà không nhận quà biếu của phụ huynh. Nhưng bà luôn tặng quà cho giáo viên trực tiếp dạy tôi. Không phải vì mẹ tôi thế nọ thế kia, mà bà biết những giáo viên nào dạy tôi chưa được trả lương tương xứng với những gì tôi đã học được, và thầy cô cũng không dư dả gì nên bà luôn tặng quà.

Phải thừa nhận một thực tế, ngành sư phạm có đầu vào thấp, đồng nghĩa với mặt bằng giáo viên cũng thấp. Do đó, đừng suốt ngày vịn vào cái lương tâm không ăn được mà đi chỉ trích giáo viên. Khi mới ra trường, hầu như ai cũng nhiệt huyết và muốn giữ lương tâm cao quý lắm, nhưng “cơm áo đâu đùa với khách thơ”? Thi sĩ không no bụng thì cũng chẳng thể làm gì ra hồn, huống chi nghề giáo”.

Lấy ví dụ từ chính trải nghiệm của bản thân, bạn đọc Tuần Nguyễn nói về những vất vả không tên của nghề giáo: “Vợ tôi là giáo viên cấp một ở quận trung tâm, tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP HCM. Vì cuộc sống mưu sinh, 7h sáng vợ tôi phải đến trường dạy. Sau khi dạy chính khóa, vợ tôi lại phải dạy thêm hai ca tới 19h. Trong khi đó, tôi làm công ty tư nhân, chủ động được thời gian, nên phải thay vợ quán xuyến chuyện con cái, đưa đón, cơm nước… Giá mà đồng lương giáo viên hợp lý hơn, có lẽ vợ tôi sẽ có thời gian dành cho gia đình hơn. Tôi cũng có đủ thời gian để hoàn thành tốt công việc ở công ty. Ngẫm mà buồn cho giáo viên, mỗi năm tăng một bậc được vỏn vẹn 200 nghìn đồng. Dạy học gần chục năm mà thu nhập không bằng chạy xe ôm công nghệ”.

Cùng chung quan điểm, độc giả Nguyên nhấn mạnh: “Ngành giáo dục đã lương thấp, lên lớp dạy thì cũng không yên với bao nhiêu là phong trào. Giáo viên phải đầu tắt mặt tối với các phong trào vô bổ: tiết dạy tốt, tiết dạy phương pháp mới, rồi làm kế hoạch tự chủ chương trình (sửa chương trình), họp hành. Đầu năm mất gần hai tháng lo đi ‘đòi’ tiền bảo hiểm y tế bắt buộc vì có phụ huynh không chịu mua và làm các danh sách bảo hiểm… Rồi lại phải lo bổ túc cho những em lên lớp 5 mà đọc chữ không đúng hoặc đọc chậm, viết sai, rất mất thời gian. Ai khỏe còn đỡ, ai lớn tuổi thì sau buổi học về nhà gần như không muốn ăn cơm”.

So sánh với mức sống của giáo viên tại nước ngoài, bạn đọc Nguoixala cho rằng: “Tại Đức, lương giáo viên cao thứ ba, thầy cô giáo của con tôi dạy học rất khỏe. Nhất là các thầy cô mầm non, trẻ chỉ chơi chứ không học gì, bắt đầu từ 8h đến 16h. Trẻ lớn chơi chung để tự giúp trẻ nhỏ. Trẻ em hầu như tự chơi, tự dọn dẹp, đến giờ ăn thì xuống lầu bê thức ăn lên; ăn xong lại tự dọn bàn, bê đĩa xuống bếp, lau bàn. Cô giáo chỉ đứng quan sát, hướng dẫn và không ai giúp gì. Tôi từng chứng kiến bữa trưa của trẻ, đứa bé ba tuổi cũng phải bưng bê xuống cầu thang. Còn cấp một, cấp hai, giáo viên còn khỏe nữa. Mỗi lớp dưới 28 học sinh. Tôi cũng từng là giáo viên nên hiểu nỗi lòng của giáo viên Việt ra sao, khác xa một trời một vực với đồng nghiệp nước ngoài”.

>> Nghiệp dạy học hay nghề kiếm cơm

“Vấn đề của chúng ta hiện nay là nghề giáo được trả lương quá thấp. Nếu được trả lương cao hơn, thì các thầy cô sẽ tập trung vào việc dạy học hơn. Ngoài ra, còn có thể thu hút người giỏi vào nghề. Chứ với mức lương hiện tại, thầy cô giáo rất khó sống với một đầu lương duy nhất. Thế nên, các thầy cô luôn tính toán làm thêm cái gì khác, vì vậy họ cũng không chuyên tâm vào việc dạy học.

Cách đây không lâu, có một thầy giáo miền quê lên than với tôi, với mức lương dạy học mấy năm trời mà chỉ có bốn triệu đồng một tháng. Lương còn bèo hơn lương công nhân thì làm sao các thầy cô yêu nghề cho nổi? Tại Australia, nếu lương thấp nhất của một người dân là 39.200 USD mỗi năm, thì lương giáo viên mới ra trường là 67.120 USD. Nếu có bốn năm kinh nghiệm thì ít nhất cũng được trả 77.700 USD. Đó mới chỉ là lương của các trường công. Nếu dạy tại trường tư có tiếng thì lương giáo viên còn cao hơn nữa. Sau 10-15 năm đi dạy, lương của thầy cô đều cao ngất, 90.000 đến 100.000 USD mỗi năm là rất bình thường”, độc giả Hoang Minh nói thêm.

Khẳng định việc cần trả lương xứng đáng để giáo viên tâm huyết với nghề, bạn đọc Cao tran van nhận định: “Chúng ta thường hay nói giáo dục là quốc sách, là nghề cao quý, sự nghiệp trồng người… nhưng lương bổng của giáo viên không những không cao nhất mà lại còn thấp hơn nhiều ngành khác (trên mặt bằng chung thu nhập). Lạc quan lắm, tôi cũng không thể hình dung nổi những nhà giáo bằng cách nào có thể dành hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người khi tối đến vẫn phải đi dạy thêm vì miếng cơm manh áo”.

“Trong khi ngành nghề nào cũng có thể làm giàu được mà không bị ai nói gì, thì tâm lý chung của xã hội cho rằng nghề giáo không được làm thêm, kiếm thêm, kể cả làm giàu chính đáng bằng việc bỏ công sức ra dạy thêm (nếu bỏ qua áp lực chạy theo thành tích của phụ huynh). Từ đó, cũng chẳng có nhiều người có trình độ lựa chọn con đường làm giáo viên đứng lớp. May ra có một vài người có truyền thống gia đình hoặc họ có lý tưởng cao đẹp mới lựa chọn theo nghề giáo. Vậy thì lấy đâu ra nhiều người có tâm, có tài là giáo viên để giáo dục, đào tạo cho thế hệ tương lai?”, độc giả Minh nhấn mạnh.

Lê Phạm tổng hợp

>> Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Tri ân thầy cô bằng phong bì hay hiện vật?

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *