Minh bạch từ thiện không chỉ bằng sao kê

Minh bạch không chỉ công bố mà còn là nhận trách nhiệm về những hành động trong quá trình thực hiện ủy thác.

Câu chuyện người nổi tiếng bị khán giả đòi sao kê tiền từ thiện thời gian qua khiến tôi suy nghĩ về sự minh bạch. Nghệ sĩ có bắt buộc phải minh bạch? Minh bạch thì được gì? Liệu cứ sao kê tức là đã minh bạch?

Thế giới này khuyến khích sự minh bạch của các cá nhân hay tổ chức nắm trong tay quyền lợi và trách nhiệm tài chính với cộng đồng. Cộng đồng đây là có thể nhỏ như một lớp học, vừa vừa như một tổ dân phố, lớn nữa thì là một tập đoàn, cao hơn thì là nhà nước. Hẳn nhiên, minh bạch đi kèm với quyền lợi.

Một quỹ lớp hay quỹ tổ dân phố nếu minh bạch sẽ có được niềm tin, thu được nhiều tiền, làm được nhiều chương trình phúc lợi. Một doanh nghiệp minh bạch sẽ huy động được nhiều vốn trên sàn chứng khoán. Kể cả bà hàng xóm cũng sẽ ủng hộ bạn nếu hai người hiểu nhau. Suy cho cùng phải trao đổi thông tin thì mới có niềm tin được.

Minh bạch không chỉ là công bố thông tin mà còn là việc phản hồi đúng đắn những thắc mắc của các bên liên quan. Điều này các doanh nghiệp niêm yết hiểu rõ ràng hơn ai hết. Cổ đông có thể dựa vào một vài điểm bất hợp lý, một vài sai lầm để chất vấn doanh nghiệp. Nhưng tuyệt đối không doanh nghiệp nào phản pháo cổ đông kiểu “anh có giỏi thì vào mà làm”.

>> Giải cứu hàng từ thiện

Thế giới khuyến khích nhưng không ép buộc tất cả phải minh bạch. Trong số những công ty “tốt nhất để làm việc” ở Mỹ, có những công ty gia đình không niêm yết. Những công ty đó chỉ không thể tiến hành gọi vốn thông qua chứng khoán, chỉ có thể vay ngân hàng hoặc gọi vốn cá nhân. Quy mô cũng sẽ nhỏ hơn nhiều những công ty cùng ngành có niêm yết. Đó là con đường lựa chọn khi không muốn phải họp cổ đông hàng mấy nghìn người để thông qua kế hoạch kinh doanh.

Minh bạch, cũng như thân thiện với môi trường, không phải là những thứ miễn phí. Một doanh nghiệp không thấy được lợi nhuận từ việc minh bạch thông tin có thể lựa chọn trở thành một doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn (privately owned), tiêu tiền của mình, tự đưa ra quyết định và nhớ đóng thuế, thế là đủ.

Tương tự, nếu người nổi tiếng từ thiện bằng tiền cá nhân hoặc của người thân, quen và không có nhu cầu minh bạch thì cũng không cần phải sao kê. Đó là quyền cá nhân. Người nổi tiếng huy động tiền từ thiện từ những nhà hảo tâm, nhưng không muốn sao kê có thể bị đánh giá không minh bạch. Những nhà hảo tâm một khi cảm thấy không an tâm với tiền đóng góp của mình sẽ chuyển sang gửi gắm ở những nơi minh bạch hơn, đó là lẽ tự nhiên.

Hiện quy định về việc công khai tiền từ thiện chưa rõ ràng. Nhưng như đã nói ở trên, minh bạch không chỉ là công bố mà còn là nhận trách nhiệm về những hành động trong quá trình thực hiện ủy thác. Nếu quy định chặt chẽ và ý thức về minh bạch cao hơn, sẽ không có chuyện sử dụng quỹ bừa bãi theo kiểu đem tiền cứu trợ lũ lụt đi cho người dân trả nợ ngân hàng.

Sự minh bạch và chịu trách nhiệm của người cầm quỹ sẽ giúp họ hạn chế những sai sót trong điều hành, đem lại kết quả tốt hơn cho công tác từ thiện. Đó mới là mục đích của nhà hảo tâm khi yêu cầu minh bạch, chứ một khi đã bỏ tiền ủng hộ không ai nghĩ thu về.

>> Để người từ thiện không bị ‘sốc’ thị phi

Không minh bạch không chỉ là chối bỏ trách nhiệm mà còn là từ chối cơ hội phát hiện và sửa chữa những sai sót, để hoàn thiện và tốt hơn từng ngày. Cây ngay không sợ chết đứng, ngay thẳng không sợ sao kê. Việc công khai sao kê tiền từ thiện không bắt buộc theo quy định của pháp luật. Nhưng theo lẽ thường tình suy luận, một người không cần chịu trách nhiệm, không cần giải trình kết quả của việc mình được tín thác thì cần đặt vấn đề tính minh bạch.

Sau ròng rã mấy tháng trời bị “đòi sao kê”, một vài nhân vật nổi tiếng đã bắt đầu đưa ra những chứng từ để chứng minh sự trong sạch của họ. Công chúng có một chồng sao kê nhưng không xác định được nguồn quỹ chuyển đến và đi. Cũng giống như bạn mua hàng, cầm một tờ hóa đơn có tổng số tiền nhưng không cụ thể cách loại mặt hàng. Nếu một người bình thường đem chồng sao kê đó đi xin visa chắc chắn sẽ bị đuổi về vì nó chẳng có nghĩa lý gì.

Nếu vì bị yêu cầu sao kê mà “không ai dám đi từ thiện nữa” là không đúng. Có những đoàn từ thiện nhỏ chỉ cầm năm sáu trăm triệu mà họ đi từ Hà Nội vào tận tâm lũ Quảng Bình. Họ vừa đi vừa xoay xở, ngủ trên xe, ăn dọc đường, có khách sạn nào hảo tâm thì cho họ thuê phòng giá ưu đãi. Đấy là có nửa tỉ thôi, nếu có chục tỉ để từ thiện thì họ có thể thuê cả xe hàng. Còn nếu đã huy động được một trăm tỉ thì nhà hảo tâm có động lực và sẽ hoàn thành trách nhiệm. Chưa kể các đoàn từ thiện chỉ tiếp cận vùng bị nạn khi lũ rút thôi, phần giải cứu người dân cứu hộ cứu nạn của nhà nước lo hết rồi.

Một ca sĩ đã tuyên bố sẽ không làm từ thiện vì không kiểm soát được. Đó là lý do tại sao công chúng phải nghiêm khắc hơn với người nổi tiếng vì ranh giới từ không phải chịu trách nhiệm đến vô trách nhiệm và trục lợi mong manh vô cùng.

DK

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *