Mỗi tháng tiết kiệm một chỉ vàng dưỡng già

Câu hỏi đặt ra là có chắc cuộc sống sẽ luôn diễn ra như bạn dự định để tháng nào cũng để dành được một chỉ vàng.

“Tác giả lập kế hoạch hay đấy nhưng kế hoạch sẽ suôn sẻ với điều kiện: bạn có việc làm ổn định tới tận năm 55 tuổi, không mắc các bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, nan y, mạn tính, mãn tính nào. Thu nhập tăng dần đều vì giá vàng tăng, cha mẹ họ hàng người thân cũng phải khỏe mạnh, cha mẹ có thể tự lo được lúc về già…

Nếu đáp ứng được các yếu tố này thì kế hoạch khả thi. Còn một trong các yếu tố bị ảnh hưởng thì số vàng bạn dành dụm trong 6 năm qua (12 tháng x 1 chỉ x 6 năm x 5,6 triệu đồng có giá trị hơn 400 triệu) sẽ vơi nhanh lắm đấy.

>> Gánh nặng người già chăm nhau khi không có con

Người tính không bằng trời tính, bạn có chắc 5 năm sau, 10 năm sau bạn vẫn duy trì được công việc như vầy, thu nhập như vầy. Thế hệ trẻ rất giỏi, lơ mơ là bạn mất việc như chơi. Đặc biệt khi ốm đau bệnh tật, bạn sẽ hiểu có tiền chưa chắc hết bệnh”.

Độc giả Hoàng Nguyễn đưa nhận xét và đánh giá về kế hoạch chuẩn bị cho tuổi già bằng việc tiết kiệm và mua vàng. Trong bài viết trước, tác giả chia sẻ câu chuyện chia thu nhập mỗi tháng thành ba phần bằng nhau, trong đó ưu tiên một phần để mua một chỉ vàng. Sau 30 năm làm việc, đến tuổi 55 thì có thể an tâm với 36 cây vàng tích lũy được.

Nhiều độc giả ủng hộ tinh thần tự chủ và tiết kiệm song cũng nêu ra những rủi ro của cách thức này. Độc giả Tiến vũ: “Ở thời điểm bây giờ với 36 cây vàng là có thể đủ sống trong 10-15 năm, nhưng sau vài chục năm nữa với 36 cây vàng tôi sợ không đủ sống hai năm.

Cách đây 30 năm, có một số người đi xuất khẩu lao động ở Đức về, họ nói với số tiền, vàng họ đang có sẽ đủ sống vài đời không hết. Nhưng giờ nhìn lại, không ít người trong số họ lại chẳng bằng ai, hàng ngày vẫn phải chăn bò, chăn lợn khi đã ở tuổi ‘xưa nay hiếm’ “.

Độc giả Thái Kim Du: “Tác giả tính vậy cũng được với điều kiện là cuộc đời bạn không xảy bất cứ biến cố nào, mà nó bình lặng, êm đềm như thời điểm hiện tại.

Nếu có một biến cố dù nhỏ thôi,ví dụ cha mẹ bạn đau ốm phải gởi tiền về lo thuốc thang, hoặc phải nghỉ việc dài ngày để chăm sóc cha mẹ, hoặc đi đường bị va quẹt xe phải đi viện , hoặc dịch bệnh bùng phát mạnh phải giãn cách xã hội, thất nghiệp cỡ một tháng…thì sẽ có tí đảo lộn đó.

Đó là chưa kể có thể có biến cố lớn ( xin lỗi vì đã ví dụ các chuyện không may).
Có những người nghèo phải sống nhờ BHXH khi về già là do họ đã gặp nhiều biến cố trong đời chứ không phải họ không biết tích cốc phòng cơ”.

>> Nghỉ hưu sớm làm nhiều người già bị stress vì cảm giác thừa thãi

Tài chính tuổi già luôn là nỗi lo thường trực với nhiều người. Ngoài phương pháp chủ động tiết kiệm tiền, mua vàng để dành, độc giả Hải Vân đề xuất thêm phương án mua bảo hiểm nhân thọ: “Thay vì mỗi tháng mua một chỉ vàng, tôi mua nửa chỉ. Nửa chỉ còn lại mua bảo hiểm nhân thọ. Quy ra giá vàng hiện tại – nửa chỉ giá khoảng 2,9 triệu đồng. Sau 30 năm, ta có 18 cây vàng và tài khoản bảo hiểm giá trị hoàn lại hàng tỷ đồng.

Ốm đau nằm viện bệnh tật có bảo hiểm trả hết. Số tiền 2,9 triệu đồng một tháng là đủ để mua một gói bảo hiểm với đầy đủ quyền lợi cao cấp. Vàng vẫn còn làm của hồi môn cho con cháu. Tiền tiêu khi về hưu rút từ tài khoản bảo hiểm”.

Mua nhà cho thuê, vừa có nguồn tiền mỗi tháng, vừa có tài sản giá trị được độc giả Bo đề xuất: “Tôi nghĩ bạn có lý khi biết lo cho tương lai. Nhưng thực sự có được 36 cây vàng để nghỉ hưu thì không ổn. Tôi nghĩ vậy vì tôi có thể nghỉ hưu khi 30 tuổi nhưng 36 cây vàng không đủ để tôi chi tiêu lâu dài.

Thay vì thế, tôi nghĩ khi bạn có đủ một số tiền có thể mua một căn nhà nhỏ, giá 20 cây vàng chẳng hạn. Căn nhà này có thể là một nguồn thu nhập thêm khi cho thuê. Nói cách khác nhà cho thuê sẽ sinh lời, còn vàng cất giữ chỉ đứng yên”.

Hữu Nghị tổng hợp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *