‘Món hời’ chỉ người học đại học mới có

Khi tranh cãi về việc học đại học, tôi không thấy ai nói về một lợi ích cơ bản là phát triển các mối quan hệ.

Luật sư Khanh Huỳnh đang sống tại Mỹ, chia sẻ bài viết cho rằng những mối quan hệ là lợi ích rất quan trọng khi học đại học:

Hai từ “quan hệ” thường đem lại nhiều cảm xúc tiêu cực cho nhiều người Việt. Cụ thể nhất có lẽ là câu nói: “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, còn lại thì mặc kệ” khiến nhiều người Việt xem các mối quan hệ là có lỗi trong việc “thăng quan tiến chức”. Thật ra vấn đề không nằm ở các mối quan hệ, nó chỉ nằm ở việc chúng ta dùng những mối quan hệ đó như thế nào.

Khi được sử dụng đúng mục đích, các mối quan hệ giúp được cho rất nhiều người và đóng góp cho nền kinh tế. Giả sử như bạn muốn mua bán vải thiều thì cũng cần phải có quan hệ với nông dân để lấy được hàng tại vườn. Làm sao để có quan hệ với nông dân? Cách dễ nhất là nếu bạn có quen ai đó ở gần khu trồng vải thì họ sẽ dẫn bạn đi tới gặp nông dân chẳng hạn.

>> Thu nhập cử nhân kém cô bán hủ tiếu

Ở trong mọi giao dịch, dù là người mua hay người bán, nếu bạn được giới thiệu bởi người quen thì việc thiết lập mối quan hệ dễ dàng hơn nhiều. Khi ra kinh doanh thì quan hệ là điều cốt lõi nhất. Không có nó, bạn kiếm đâu ra nguồn hàng tốt, nhân viên giỏi, các thông tin thị trường nóng hổi?

Trường đại học cung cấp các mối quan hệ đó. Quan trọng hơn, nó cung cấp các mối quan hệ có chất lượng. Quen với những người có trình độ, có các mối quan hệ “cao cấp” thì tốt hơn là quen với những người làm việc tay chân. Giả như bạn có công ty và muốn xuất khẩu hàng qua Mỹ nhưng bạn lại đi hỏi các bà bán hàng chủ tiếu gõ xem họ có quen luật sư nào ở Mỹ để làm thủ tục xuất nhập khẩu thì còn gì?

Ngay đến cả các ngành nghề chuyên môn không đòi hỏi kinh doanh, các mối quan hệ vẫn rất cần thiết. Nếu là bác sĩ, các mối quan hệ rộng sẽ đưa thêm bệnh nhân tới cho bạn. Quen biết với các bác sĩ học các trường hàng đầu sẽ giúp bạn có được thông tin về các kỹ thuật y khoa tốt nhất hay một kỳ hội thảo chuyên môn ở nước ngoài. Những ai làm các ngành nghề chuyên môn đều hiểu các cơ hội học hỏi này có giá trị như thế nào.

Chính vì vậy nên đi học đại học mới quan trọng. Nó quan trọng tới mức một vận động viên bơi lội Mỹ đã đạt huy chương Olympic được mời chào trở thành VĐV chuyên nghiệp nhưng cô từ chối. Nguyên nhân là cô ấy không muốn bỏ lỡ trải nghiệm học đại học để có được bằng cấp và tìm kiếm những mối quan hệ cho mình.

Các mối quan hệ không phải chỉ có ích khi người quen cung cấp cho mình một thông tin hay giúp cho mình được một việc cụ thể. Như ông Warren Buffet đã nhiều lần đấu giá bữa trưa với mình với giá rất cao. Những người mua thật ra cũng rất giàu có. Cái mà họ muốn là thời gian để nói chuyện với một tỷ phú hàng đầu.

>> ‘Kiếp’ làm văn phòng lương thấp

Ngay cả việc được nói chuyện và gần gũi những người tài giỏi ở các lĩnh vực khác nhau cũng đã là một đặc ân, cho dù những người này có giàu có hay không. Ở Mỹ các giáo sư đều không giàu so với mức sống ở Mỹ nhưng các sinh viên luôn xúm xít chung quanh để học hỏi.

Khi tôi đi học luật, các giáo sư được trả lương thấp hơn rất nhiều so với khoản tiền mà họ có thể kiếm được nếu tiếp tục làm việc trong ngành luật. Có người còn là quan tòa nhưng cũng vẫn đi dạy thêm ít giờ; có người từ quan để đi dạy lúc tuổi già; có các luật sư là hàng giám đốc các công ty luật lớn cũng giã từ tất cả để đi dạy. Các sinh viên luôn muốn gần gũi những người này để học hỏi.

Ngày cả các sinh viên cũng quan trọng vậy. Như ai cũng biết là Bill và Hillary Clinton đã học luật ở Yale. Nếu ai mà học chung với họ thì cũng đã có quen biết những nhân vật xuất chúng. Dù là họ không phải nhờ vả gì hai người này nhưng được gần gũi học hỏi từ hai vị Clinton cũng là một điều hay.

Điều này cũng đúng với các trường học ở Việt Nam. Tôi học trường chuyên hồi cấp ba và có hai người bạn cùng khóa thuộc loại có tiếng tăm. Tuy tôi chưa phải nhờ vả chuyện gì lớn nhưng thuở nhỏ được gần gũi chơi đùa với các bạn cũng là một dịp học hỏi.

Lên đại học thì những người tài giỏi càng nhiều hơn và quen biết họ là một tài sản vô giá, giống như một thứ của để dành, không biết khi nào cần tới. Vì vậy thay vì nhìn vào những đồng tiền mà một người học đại học kiếm được, người ta có thể nhìn vào những lợi ích khác mà quá trình học đại học đem tới.

Vào một ngày đẹp trời, nếu bạn con bạn săn học bổng đi du học Mỹ. Nếu bạn quen một người bạn thời đại học đã sang nước Mỹ học thạc sĩ thì sẽ tốt hơn rất nhiều một người bán hủ tiếu và không quen ai từng đi du học hết. Các mối quan hệ có giá trị như vậy đó, và “chất lượng” của những người bạn quen biết mới là điều quan trọng nhất.

Khanh Huỳnh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *