‘Muốn con tự sống từ 18 tuổi, hãy chấp nhận vào viện dưỡng lão’

Dạy con tự lập là tốt, nhưng không có nghĩa là cứ phải đẩy con ra đường, bắt độc lập tài chính từ 18 tuổi như ở phương Tây.

Tích góp tài sản cho con hay để con tự bươn chải?“, nhiều độc giả VnExpress cho rằng cần cân bằng cả hai mặt yêu thương và dạy dỗ, thay vì cứng nhắc theo một chiều:

Tôi hiện vừa làm con, vừa làm cha mẹ. Tôi chỉ mong những ai ủng hộ tư tưởng để con tự lập 100% như phương Tây cũng phải xác định rằng, lúc bạn 80, 90 tuổi, hãy cũng vui vẻ sống một mình hay đăng ký vào viện dưỡng lão nào đó những ngày cuối đời. Còn nếu vừa muốn nuôi con như Tây vừa muốn được phụng dưỡng như ta thì chúng ta có ích kỷ quá không?

Nói như vậy không phải tôi ủng hộ chủ nghĩa bao bọc con cái. Tôi cho rằng, dạy con tự lập là tốt (nếu không muốn nói là cực kỳ quan trọng), nhưng điều đó không có nghĩa là đẩy chúng ra đường, độc lập tài chính từ 18 tuổi như ở phương Tây. Bởi đơn giản, môi trường, văn hóa, xã hội, chính sách của chúng ta khác họ, áp dụng cứng nhắc thì người thiệt thòi đầu tiên sẽ là con bạn và sau đó là chính bạn”.

Tuan Pham

“Tự lập” và “bỏ mặc” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Hãy để con tự lập khi chúng có thể, hỗ trợ theo khả năng nếu cần. Con tôi năm thứ hai đại học đã tự làm thêm (đúng ngành học), từ chối hỗ trợ tiền sinh hoạt phí từ bố mẹ. Vợ chồng tôi muốn năm sau cho con đi du học thạc sĩ, nhưng cháu bảo sẽ tự lo, không muốn tốn tiền bố mẹ. Con tự lập được là tốt, nên tôi khuyến khích.

Tran nghe

Tôi tập cho con cách tự lập từ nhỏ, hướng dẫn con biết lợi ích của việc học tập cũng như đầu tư. Nhưng tôi sẽ luôn bên cạnh để con có thể coi cha mẹ là một người bạn, và chia sẻ mọi chuyện. Khi con 18 tuổi, tôi sẽ để con tự quyết định có sống chung với ba mẹ hay dọn ra riêng, cũng như tự tính toán chi phí cho học hành (mượn tiền học, xin học bổng, công việc làm bán thời gian…). Nhưng từ bây giờ, tôi đã lập ra quỹ đầu tư dành riêng cho con, trích hàng tháng ra một số tiền nhỏ để đầu tư. Sau 20-25 năm, số tiền đó sẽ là quỹ dự phòng cho con tôi khi chúng cần tới (ví dụ: trả tiền vay để đi học, cần số vốn làm ăn…). Tất nhiên, tôi sẽ không cho con biết đến quỹ đầu tư này khi chúng chưa chưa thật sự cần tới.

Long Phan

>> Dạy con tự lập không phải ‘ném con ra đường’

Năm nay tôi 35 tuổi, xuất thân từ gia đình nghèo, bản thân lại không được giỏi giang. May mắn hơn nhiều người là tôi có phần thừa kế đất đai của ông bà, giá trị khoảng năm tỷ. Tôi không mua nhà để ở liền mà vẫn đang ở thuê tại Sài Gòn, tiền đó tôi đem đi đầu tư bất động sản với hy vọng sinh lời và để con không quay lại cảnh khó khăn của cha mẹ lúc xưa. Tôi cũng không có ý định lo cho con tất tần tật hoặc để chúng tự bươn chải. Thay vào đó, tôi chỉ có ý nghĩ đơn giản là tập trung vào giáo dục tốt cho con, để chúng biết lao động, kiếm sống, đầu tư để lo cho bản thân. Tài sản tôi để lại cho con chỉ với ý nghĩa là bàn đạp giúp chúng duy trì cuộc sống và có vốn làm ăn, đó là điểm cốt yếu. Còn nếu con đã không giỏi giang mà cha mẹ cũng chẳng có chút tài sản nào thì khác gì phải sống cuộc sống kham khổ như mình ngày xưa.

Tin.tran

Tôi thấy để lại tàn sản và dạy con tự lập không phải 100% đối nghịch nhau. Nhiều người giàu có, cuối đời vẫn để lại gia sản, cơ nghiệp cho con, nhưng khi sinh thời, họ vẫn cung cấp cho con một nền giáo dục tốt (du học), hỗ trợ con lập nghiệp, hướng con biết quý trọng đồng tiền và giá trị của lao động. Đâu phải cứ để lại tài sản lớn cho con là không nuôi dạy con tốt, hay đứa trẻ đó không tự thân phát triển, tự bươn chải được. Vấn đề chính là giáo dục. Nếu bạn giàu nhưng giáo dục tốt thì con bạn vẫn học giỏi và có sự nghiệp tốt. Còn nếu bạn nghèo cũng không hẳn con bạn tự biết bươn chải và thành công? Vẫn không ít đứa dựa dẫm, ăn bám cha mẹ đấy thôi.

Quoc Khanh

>> Bạn nghĩ gì về quan điểm để con tự sống từ 18 tuổi? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Thành Lê tổng hợp

Những đứa trẻ 23 tuổi

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *