‘Né’ thông tin tiêu cực trên mạng xã hội

Cả nhà tôi ít xem TV, điện thoại mà thay vào đó là cùng nhau tập thể dục, đọc sách, chơi ô chữ… để suy nghĩ tích cực, lạc quan.

Gia đình tôi đang ở trong tâm dịch. Tôi thường nói với vợ và các con, thời gian rảnh rỗi này nên tìm một việc gì đó có ích để làm, việc nhỏ cũng được. Ví dụ như: cùng nhau tập thể dục, chỉ đơn giản là lắc lư theo nhạc cho khỏe người; hay đọc sách, chơi ô chữ… hoặc tuyệt vời, nếu có thể dạy con gái thêu thùa may vá và gợi ý cho con trai tìm hiểu về kiến thức xã hội hay học thêm các kỹ năng mềm…

Điều tôi cần là cả nhà ít tập trung vào TV, điện thoại. Bởi tôi biết, với không gian sống bí bách, tù túng, giới hạn trong bốn bức tường, những con số dịch bệnh có tác động không nhỏ đến tinh thần của người xem.

Ngoài các kênh thông tin chính thống, trên các trang mạng xã hội còn xuất hiện nhan nhản các tin tức, hình ảnh đủ loại, tích cực không ít, tiêu cực càng nhiều. Thử hỏi, trong những người đăng tin đó mấy ai là người chứng kiến trực tiếp để biết thứ mình đăng có chính xác không, hay phần lớn chỉ cóp nhặt từ người nọ, chỗ kia rồi vội vàng đăng lên?

Đã mấy ai tự hỏi những tin tức, hình ảnh của mình sẽ có tác động như thế nào với xã hội? Nhũng con số, hình ảnh tang thương đó có làm cho F0 và người nhà của họ hoang mang hơn không? Có làm tăng thêm áp lực cho đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm chống dịch không?

Cũng có nhiều người đăng tin với lập luận phải đăng ngay hình ảnh về dịch để người ta không dám ra đường nữa. Người ta là ai? Xin thưa: Đi ra đường hiện nay, ngoài lực lượng tham gia chống dịch hoặc làm các nhiệm vụ duy trì đời sống thiết yếu cho nhân dân, còn lại chỉ có hai loại chủ yếu:

1. Người có ý thức, sợ lây nhiễm Covid-19 nhưng buộc ra đường vì các lý do thiết yếu.

2. Người ý thức kém, không nhận thức được hành động của họ sẽ mang lại nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Với những người này thì lập luận trên liệu có còn đúng không? Những tin tức, hình ảnh tiêu cực, tang thương trên kia có làm cho họ ý thức hơn không? Chắc là không.

Còn đa số là những người chấp hành tốt việc cách ly, sáng tối chỉ trong bốn bức tường thì sao? Người tìm ra việc hữu ích để làm hoặc người có tinh thần tốt thì không sao, người tối ngày ôm điện thoại lướt mạng xã hội, thần kinh yếu, khi xem những tin tức tiêu cực trên sẽ bị tác động.

Lúc đó, trong đầu xuất hiện ngày càng nhiều những câu than thân, trách phận rồi đổ tội cho đời, cho người.

Gần đây, Facebook mới chỉ rà soát việc vi phạm vì đăng hình ảnh bạo lưc, khiêu dâm trẻ em thôi mà đã có biết bao người nháo nhào vì bị khóa tài khoản, nếu làm mạnh tay hơn, chắc số lượng Facebooker chuyên đăng “loạn tin” sẽ giảm đi nhiều lắm. Tất nhiên, đăng tin gì, đưa hình ảnh gì là quyền của mỗi người. Ai không thích thì cứ né đi thôi. Nói như vậy, liệu có được không nhỉ?

Ngoc Hung Tran

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *