Nghệ sĩ Việt cần học làm từ thiện chuyên nghiệp

Tôi thấy ở nước ngoài, những người nổi tiếng tự bỏ tiền lập quỹ từ thiện chuyên nghiệp, nhưng tại Việt Nam, hầu như chỉ toàn quyên góp cá nhân.

“Bàn về câu chuyện ‘nghệ sĩ làm từ thiện’ đang gây tranh cãi thời gian qua, tôi xin góp thêm mấy ý kiến sau:

1. Những ai quyên góp làm từ thiện nên công khai các khoản đóng góp, có thể tạo những trang thông tin trên Facebook về những người đã góp tiền cho mình đi làm từ thiện. Như vậy, người đóng góp sẽ cảm thấy yên tâm.

2. Giới nghệ sĩ có thể chung tay tạo ra quỹ từ thiện chung, hoạt động chuyên nghiệp bài bản, được kiểm toán hàng năm. Quỹ này hoạt động thường xuyên, không những chỉ giúp các nạn nhân thiên tai mà có thể cấp học bổng cho các em học sinh, sinh viên nghèo…

3. Tôi thấy ở nước ngoài, những người nổi tiếng tự bỏ tiền lập quỹ từ thiện kiểu này. Nhưng tại Việt Nam, có nhiều người nổi tiếng nhưng ít thấy quỹ loại này, mà chỉ toàn là tự đứng ra quyên góp cá nhân là chính”.

Đó là chia sẻ của độc giả Pmquan50 về thực trạng kêu gọi từ thiện của đa số nghệ sĩ, người nổi tiếng trong nước hiện nay. Ở góc độ luật pháp, Nghị định số 64/2008 đã quy định thời gian phân bổ tiền, hàng cứu trợ chậm nhất không quá 20 ngày sau khi kết thúc quyên góp. Song vì quy định còn chung chung, không yêu cầu các cá nhân đứng ra quyên góp giải trình nên đa số các nghệ sĩ, người nổi tiếng vẫn thiếu nhất quán, minh bạch, dẫn đến chậm trễ giải ngân khoản tiến quyên góp được như các vụ lùm xùm thời gian qua.

Đồng quan điểm, bạn đọc Minh cho rằng cần phải có những tổ chức từ thiện chuyên nghiệp chứ không thể chỉ dựa vào một số cá nhân kêu gọi tự phát: “Để chi một số tiền lớn như vậy mà vừa đảm bảo minh bạch, vừa hiệu quả thì không đơn giản tí nào nếu không có một bộ máy chuyên nghiệp hoặc một cơ quan tổ chức. Bạn không thể cầm tiền đi phân phát trực tiếp cho dân (vì dễ bị sai đối tượng, không kiểm soát); còn phân phát nhu yếu phẩm thì chỉ thực hiện lúc bão lũ đang và vừa xảy ra.

Với số tiền lớn, nghệ sĩ phải cần có một kế hoạch lớn, đồng bộ, không còn là những chuyện lẻ tẻ như xây nhà cho dân, xây cầu, xây nhà cộng đồng tránh lũ…, mà việc này cần khảo sát, xem xét từng nơi, liên lạc với chính quyền địa phương để nắm bắt nhu cầu, quỹ đất, nơi có thể xây dựng…

Tất nhiên, một người không thể làm được điều đó hoặc đảm bảo thời gian ngắn nhất. Chính vì vậy ở nước ngoài, để làm những việc này họ phải chuyên nghiệp, thành lập các tổ chức phi lợi nhuận, có bộ máy giống một cơ quan, doanh nghiệp để tiếp nhận và thực hiện nó; thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán hàng năm. Làm được như vậy thì mời có thể tổ chức làm từ thiện lâu dài, quanh năm mà không bị tiếng oan (nếu là người có tâm thật sự)”.

>> Khi nghệ sĩ kêu gọi từ thiện một đằng, làm một nẻo

Nhấn mạnh việc lựa chọn những tổ chức từ thiện có uy tín để gửi tiền ủng hộ, độc giả Thu Hà Nội khẳng định: “Có chuyển tiền từ thiện thì cứ Mặt trận tổ quốc Việt Nam mà chuyển vào là yên tâm nhất vì có thanh tra và kiểm toán hàng năm. Còn ở ngoài, bạn phải thực sự mắt thấy tai nghe người ta đi làm từ thiện, xướng tên cụ thể nhà hảo tâm trong những việc làm thiện nguyện ở đó thì mới đáng tin. Như một số bạn trẻ làm từ thiện trên vùng cao, tôi thấy họ xây một cái nhà hay làm một con đường bê tông, nói rõ luôn của ai tặng, nên rất thực tế minh bạch.

Còn những trường hợp người nổi tiếng gây ồn ào mấy ngày hôm nay thì không thể chấp nhận được. Năm ngoái tôi cũng chuyển tiền cho một nữ ca sĩ đi cứu trợ miền Trung, cũng may không xảy ra lùm xùm như mấy vụ gần đây. Nếu không, tôi sẽ đòi lại tiền ngay, miễn giải thích nhiều”.

Trong khi đó, đánh giá việc từ thiện sai cách có thể gây hậu quả ngược, bạn đọc Linh Nguyen cho rằng: “Bản thân tôi rất ít khi đóng góp từ thiện dù nhiều lần rất muốn, vì hầu hết các quỹ từ thiện hiện nay đều không nói rõ cách sử dụng số tiền quỹ như nào. Với tôi, làm từ thiện là một công việc rất phức tạp và cần tính phương án lâu dài trong nhiều năm, chứ không hẳn là làm xổi trong vòng một hai ngày hay một hai tuần, kể cả những tình huống cấp bách như đợt lũ lịch sử năm ngoái.

Từ thiện sai cách sẽ gây ra nhiều mặt trái mà những người không sống cùng cộng đồng, chỉ đến một vài ngày rồi đi sẽ không nhận ra được. Sau những câu chuyện từ thiện sai cách, phát sinh ra những cộng đồng người dân sống bằng nghề xin từ thiện, hay có những người mà cuộc sống, tư duy của họ bị ảnh hưởng vì luôn thấy được cho ‘cá’ nên không nghĩ đến việc phải học cách ‘câu’.

Chưa kể việc minh bạch từ thiện là một việc mà các ca sĩ, nghệ sĩ hay các nhóm từ thiện nhỏ lẻ chưa thực sự quan tâm. Những công việc như sử dụng và phân bổ quỹ như thế nào, xây dựng tiêu chí như thế nào để đảm bảo tính công bằng cho những người cùng nhận khoản tiền từ thiện; hay dựa vào dữ liệu, đánh giá nào để biết được đâu là những đồ dùng vật phẩm cần thiết theo từng giai đoạn khi đi từ thiện… theo tôi là rất cần thiết nhưng vẫn còn bị coi nhẹ ở các quỹ tự phát.

Mong rằng, sau này, chúng ta sẽ sớm có luật định rõ ràng hơn về câu chuyện từ thiện, và các quỹ từ thiện sẽ có sự liên kết và tính hoạch định lâu dài để hoạt động này có ý nghĩa hơn”.

Thành Lê tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *