Nghỉ việc ngân hàng vì bị ép bán bảo hiểm

Thời gian làm ngân hàng của tôi là những cuộc họp đào tạo cách bán bảo hiểm, thuyết phục khách mua thế nào, xử lý khách từ chối ra sao.

Tôi là cử nhân đại học chuyên ngành Tài chính Ngân hàng. Công việc đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp ra trường là giao dịch viên cho một ngân hàng. Tôi được tiếp cận với những nghiệp vụ về kế toán, tài sản, tín dụng, quỹ, nguồn vốn… Sau 1,5 năm đầu tiên vào nghề, tôi hiểu được thế nào là mang những kiến thức từ ghế nhà trường ra thực tế.

Dù còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng đó lại là quãng thời gian tôi bị cuốn vào công việc này, nhận ra đây đúng là niềm đam mê của mình. Việc được đào tạo, rèn luyện các kỹ năng chăm sóc khách, làm thế nào để huy động tốt, bán chéo sản phẩm tốt… cho tôi thấy được bản thân mình đang phát triển mỗi ngày. Thậm chí, tôi còn có thể nâng cấp chất lượng cuộc sống của mình bằng thu nhập.

Thế nhưng, sau sáu năm gắn bó và cống hiến cho ngành ngân hàng, tôi đi đến quyết định từ bỏ công việc. Không phải vì những áp lực công việc hay năng lực bản thân yếu kém, mà tôi nghỉ việc bởi nhận ra những góc khuất của nghề này. Đặc biệt là việc bị ép chỉ tiêu bán bảo hiểm.

Sau một thời gian được làm việc đúng chuyên môn, tốt bắt đầu phải tham gia các cuộc họp đào tạo bán bảo hiểm. Thậm chí, công việc này ngày một chiếm gần hết quỹ thời gian của tôi, đến mức bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp phải thắc mắc: “Không biết mình là nhân viên ngân hàng hay nhân viên bán bảo hiểm nữa?”.

>> Nhân viên ngân hàng ‘trong thấm ngoài thâm’

Dần dần, nghiệp vụ ngân hàng của tôi không còn được trau dồi, phát triển nữa, mà thay vào đó là những nghiệp vụ về bán bảo hiểm. Nhưng một thực tế là nếu bạn bán bảo hiểm chỉ bằng nghiệp vụ chuyên môn, chắc chắn sẽ rất ít người đồng ý mua. Khách hàng ngày nay chủ yếu mua bảo hiểm bằng việc bị nhân viên tư vấn thuyết phục bằng các kỹ năng bán hàng.

Suốt hai năm cuối cùng trước khi nghỉ việc ở ngân hàng, tất cả những gì tôi học được là cách bán bảo hiểm như thế nào, xử lý khách từ chối mua ra sao, cứu hủy làm sao, chạy minh họa thế nào…? Tôi đọc điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm còn nhiều hơn đọc những thông tư, quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, hay tìm hiểu về các sản phẩm của ngân hàng bạn.

Sự bất công trong chính sách đãi ngộ của lãnh đạo ngân hàng với nhân viên bán bảo hiểm và nhân viên bán sản phẩm huy động, thẻ tín dụng, thẻ thanh toán truyền thống cũng có một sự phân biệt, chênh lệch rất lớn. Nhân viên huy động tiền tỷ có thu nhập còn không bằng nhân viên bán bảo hiểm doanh số trăm triệu. Chính sự bất công bằng ấy khiến tôi dần mất đi sự nhiệt huyết và tình yêu với nghề này.

>> Nhân viên ngân hàng sau ‘đồng lương to’ là nước mắt

Đương nhiên, tôi cũng hiểu rằng lãnh đạo trực tiếp của mình cũng là nhân viên của các lãnh đạo cấp cao hơn, bản thân tôi chỉ là một nhân viên rất nhỏ bé trong cả bộ máy ngân hàng to lớn. Tuy nhiên, tôi không thể nhìn ra được người sếp trực tiếp đang trao cho mình được những kiến thức, giá trị gì về chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng. Điều quan trọng nhất trong mắt sếp chỉ là bán được thật nhiều bảo hiểm.

Thực ra, việc bán bảo hiểm bất chấp này cũng chỉ vì chỉ tiêu từ trên giao xuống, vì thu nhập của mỗi cá nhân, chứ không phải xuất phát từ quyền lợi của khách hàng. Với tôi, điều đó đi ngược lại giá trị nhân văn của bảo hiểm. Vậy nên, tôi quyết định nghỉ việc ngân hàng, không muốn phải tiếp tục bán bảo hiểm theo cách đó, dù không phải tôi không đủ khả năng làm được việc ấy.

Tất nhiên, những chia sẻ trên đây của tôi chỉ là một góc độ nhỏ, xuất phát từ chính công việc mà tôi từng trải qua, chứ không phải tất cả ngân hàng nào cũng vậy. Chỉ có điều, sau này có con, tôi thật sự không muốn con đi theo ngành này giống như mẹ chúng.

Tuyet

>> Bạn đang làm ngân hàng và muốn chia sẻ ý kiến về công việc của mình? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *