Nghịch lý đàn ông ngại kiếm tiền, thích làm hậu phương

Nhiều người đàn ông ở độ tuổi sung sức nhất, thay vì cố gắng trong sự nghiệp, lại lui về hậu phương, đi ngược lại hình mẫu gia đình chuẩn.

Từ xa xưa tới giờ, hình mẫu gia đình vẫn luôn lấy người đàn ông làm trụ cột kinh tế, người phụ nữ là hậu phương vững chắc. Sở dĩ có quy luật đó vì người đàn ông có khả năng sinh tồn tốt hơn làm trụ cột kinh tế; ngược lại, phụ nữ có chỉ số cảm xúc cao, có thể chăm sóc con cái tốt hơn và là nguồn động lực giúp người đàn ông phấn đấu hơn trong sự nghiệp.

Làm ngược lại quy luật đó, mới đầu nghe có vẻ mới mẻ nhưng sẽ tạo ra những hình mẫu sai lệch trong mắt con cái. Nếu bạn sinh con trai thì khi lớn lên chúng sẽ trở nên nhút nhát, phụ thuộc. Nếu sinh con gái thì sau này chúng sẽ trở nên khô khan và có khuynh hướng xem thường cha mẹ. Những hình mẫu gia đình như vậy tôi đã gặp rất nhiều.

Đàn ông có thể mang thai không, có thể cho con bú không? Đứa trẻ lớn lên sẽ hay tâm sự với bố hay mẹ, khi đi xa nhà đứa trẻ sẽ nhớ bữa cơm mẹ nấu hay ký ức của chúng chỉ có nồi cá kho mặn của bố? Đàn ông có thể kiên nhẫn, khéo léo và nữ tính khi chăm sóc trẻ không? Nhiều người đàn ông ở độ tuổi sung sức nhất, thay vì cố gắng trong sự nghiệp, lại lui về hậu phương, thì liệu sau này có thể đứng lên được không?

>> ‘Đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm’

Sau lưng người đàn ông thành đạt là người phụ nữ khôn ngoan, sau lưng người đàn ông thất bại là người phụ nữ tham vọng. Tôi biết nhiều ông chồng tự thuyết phục bản thân lui về làm hậu phương nhưng thực ra họ sợ gánh vác, sợ trách nhiệm. Sau này, khi con cái lớn lên, chúng sẽ nghĩ thế nào, khi không có hình mẫu của một gia đình để noi theo?

Việc trở thành hình mẫu, tấm gương tốt cho con cái noi theo còn quan trọng hơn là dạy chúng phải làm thế nào? Không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của sự bình đẳng. Bản thân tôi cũng từng phải chứng kiến những người bạn của mình sống kiểu ngược vai trò như vậy. Mới đầu, tưởng chừng điều đó có vẻ ổn, nhưng sau nhiều năm mới thấy được hậu quả. Người ngoài nói sao cũng không quan trọng, nhưng đối mặt với ánh mắt coi thường của con cái khi chúng lớn mới thật là đau đớn.

Một đứa con trai khi lớn lên sẽ bắt chước theo hình mẫu dịu dàng, cam chịu của bố, và con gái sẽ theo hình mẫu độc đoán của mẹ liệu có được không? Thực tế xã hội trước đến giờ vẫn vận hành với hình mẫu gia đình hoàn chỉnh. Người chồng vừa lo kinh tế vừa có nghĩa vụ với vợ con, người vợ vì mang nặng đẻ đau và dành thời gian chăm sóc con nên sẽ là người lo cho gia đình nhiều hơn. Làm đúng trách nhiệm của mình mới là cách để xã hội phát triển. Gia đình hạnh phúc như vậy rất nhiều.

Tuan Nguyen Minh

>> Bạn có đồng tình với quan điểm này? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *