Ngược đời chuyện HLV Park không thể gọi Hùng Dũng lên tuyển

Đáng lo khi một CLB có thể gửi văn bản, yêu cầu VFF từ chối cho cầu thủ của mình lên tuyển, thay vì trao đổi với HLV trưởng ĐTQG.

Câu chuyện nóng nhất của bóng đá Việt Nam mấy ngày qua là quyết định gọi triệu tập Đỗ Hùng Dũng của HLV Park Hang-seo. Hôm 1/11, HLV Park thông báo quyết định gọi Hùng Dũng lên đội tuyển, với mục đích theo dõi và hỗ trợ điều trị, chứ không sử dụng ở trận đấu với Nhật Bản và Saudi Arabia tại vòng loại World Cup 2022 trong tháng 11. Ông cũng cam kết sẽ chỉ sử dụng Hùng Dũng từ bán kết AFF Cup vào tháng 12, nếu hồi phục tốt.

Tuy nhiên, quyết định này của vị chiến lược gia người Hàn Quốc đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía CLB Hà Nội. Cụ thể, đội bóng thủ đô đã gửi văn bản lên VFF hôm 4/11 để phản đối việc gọi triệu tập Hùng Dũng. Thông báo của CLB Hà Nội có đoạn: “Đây là thời điểm quan trọng nhất trong quá trình hồi phục của Hùng Dũng để quay trở lại với bóng đá. Nếu vội vã trở lại, cầu thủ này sẽ phải trả giá rất đắt, thậm chí là toàn bộ công sức tám tháng qua sẽ trở nên vô giá trị và tương lai sau này bị ảnh hưởng nghiêm trọng”. HLV Park sau đó đã từ bỏ ý định gọi tiền vệ này.

Nếu nghe qua, mọi việc có vẻ đã dừng lại ở đây khi nguyện vọng của CLB Hà Nội đã được đáp ứng. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách sâu xã hơn, câu chuyện có vẻ còn nhiều thứ đáng lo ngại hơn nữa. Đội tuyển Việt Nam gần đây liên tiếp xuất hiện các trường hợp chấn thương. Đáng nói, đây hầu hết là những nòng cốt của đội tuyển, rất khó để tìm ra người thay thế xứng đáng trong một tập thể vốn đã chơi ổn định từ U23 lên tuyển như thế này. Bài toán tìm kiếm nhân tố mới rõ ràng không đơn giản cho ông Park trong bối cảnh V-League đã nghỉ một thời gian dài, trong khi các trận đấu quan trọng tại Vòng loại World Cup 2022 đang đến gần.

>> Công bằng với ông Park

Nghĩ xa thêm chút nữa, hầu hết các chấn thương của tuyển thủ hiện tại đều đến từ các trận đấu V-League hoặc trong thời gian thi đấu tại câu lạc bộ chủ quản. Có vẻ như chúng ta đang đi ngược so với các giải bóng đá hàng đầu thế giới – nơi mà các siêu sao ở những giải này thường gặp chấn thương khi về tập trung đội tuyển quốc gia. Điều này đặt ra câu hỏi cho những người làm bóng đá Việt về tính định hướng của liên đoàn.

Khi V-League vẫn giữ phong cách bạo lực, chặt chém, điều đó có thực sự giúp ích cho bóng đá Việt Nam đi lên hay không? Và cái cách các câu lạc bộ có thể gây áp lực để giữ người như trường hợp CLB Hà Nội đệ đơn lên VFF để ngăn Hùng Dũng lên tuyển, có đúng chuẩn mực của FIFA hay không?

Trường hợp của Hùng Dũng được cho là hợp tình, hợp lý khi cầu thủ này đang gặp chấn thương và không thể thi đấu. Bản thân HLV Park cũng chỉ muốn gọi người học trò của mình lên tuyển để chăm sóc, điều trị, chứ không nhằm mục đích thi đấu. Song, liệu hành động của CLB Hà Nội có tạo một tiền lệ xấu cho tương lai hay không? Khi một câu lạc bộ có thể gửi văn bản để yêu cầu VFF từ chối cho một cầu thủ của mình lên tuyển, thay vì trực tiếp trao đổi với HLV trưởng đội tuyển quốc gia, có ai dám chắc nó không trở thành một trào lưu mới khi chẳng đội bóng nào muốn nhả người của mình?

Tóm lại, vai trò quản lý, định hướng, chỉ đạo của Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần rõ ràng hơn, không thể trở thành một hộp thư thoại, làm công tác trung gian liên lạc giữa các câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia? Một yếu tố nhỏ, nhưng cũng thậy bất thường.

Jamen

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *