Người ‘dốt’ vẫn giàu?

Tại sao nhiều sinh viên, học sinh giỏi nhưng lại sống làng nhàng, làm việc lương thấp, thậm chí thất nghiệp… và không bằng ‘kẻ dốt lắm tiền’?

Thời gian gần đây, tôi thấy nhiều người có nói đến câu chuyện “giàu có và học vấn”. Có nhiều người cho rằng: “Văn hay chữ tốt không bằng người dốt lắm tiền“. Vậy tôi xin chỉ ra vài vấn đề sau đây:

1. Điều kiện để giàu có

Thứ nhất, muốn giàu có, bạn phải sở hữu được tư liệu sản xuất phong phú: tất cả các ngành nghề khi sản xuất đều phải dựa trên tư liệu sản xuất của ngành đó. Tư liệu sản xuất bao gồm: mặt bằng, cơ sở hạ tầng, máy móc, thị trường, vốn, con người, cây con giống… Bạn không thể sản xuất mà không có tư liệu sản xuất, và khi không thể sản xuất thì đương nhiên đừng nói tới chuyện có cái ăn chứ chưa mơ làm giàu.

Hầu hết các cuộc tranh chấp, mâu thuẫn giữa người với người là do tranh chấp tư liệu sản xuất. Các cuộc chiến tranh của loài người dù là lý do gì thì động cơ bên trong luôn là tranh giành tư liệu sản xuất. Đặc biệt, nó là mô hình cho sự cạnh tranh không gian sinh tồn trên không gian sản xuất nông nghiệp (đất đai nông nghiệp), tranh chấp không gian sản xuất dịch vụ công nghiệp (đất đai, mặt bằng, máy móc, công nghệ), không gian sản xuất trên mặt nước (tranh chấp biển, hải đảo, sông hồ), không gian sản xuất trên không (tranh chấp bầu trời, vũ trụ) và tranh chấp trên không gian số (dữ liệu người dùng).

Con người, cho tới nay, đã xuất hiện đầy đủ các hình thức tranh chấp không gian sản xuất, tư liệu sản xuất trên, dưới hình thức chiến tranh, mua lại thị trường, hoặc các hoạt động chuyển nhượng… Và phần đông chúng ta là những kẻ thất bại, có ít hoặc không có trong tay tư liệu sản xuất.

Phần lớn tư liệu sản xuất được tập trung lại thành tài sản của các doanh nghiệp (nhà nước hoặc tư nhân) và họ tiến hành “cho thuê tư liệu sản xuất” (thuê người sản xuất, người làm công). Hoặc phần tư liệu sản xuất chưa được thống kê, kiểm soát hiện tại chủ yếu phân bổ tại các khu vực nông thôn, nông nghiệp nhưng nhỏ lẻ hoặc tập trung trong tay các cơ sở đồn điền lớn.

Vậy để thỏa mãn điều kiện về tư liệu sản xuất phong phú chỉ có hai khả năng: bạn đang có cơ hội làm việc cho các “chủ tư liệu sản xuất” (các công ty, doanh nghiệp…) hoặc là “chủ sở hữu” của các tư liệu sản xuất (thường là chủ doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, hoặc nông dân ở nông nghiệp, nông thôn).

>> ‘Nghĩ ngắn’ từ chuyện bỏ học đại học vẫn giàu

Thứ hai, bạn phải có được phương thức sản xuất hiệu quả: khi có trong tay tư liệu sản xuất phong phú rồi, bạn vẫn chưa thể giàu vì thiếu cách làm cho tư liệu sản xuất ấy sản sinh của cải, đó chính là phương thức sản xuất. Ví dụ: ngày xưa đất đai nhiều nhưng tại sao nông dân nghèo, trong khi thời này có nhiều nông dân khá giả dù họ có ít ruộng đất hơn? Đó chính là do phương thức sản xuất đã có sự khác biệt.

Sự tiến bộ về cây con giống, về các phương tiện, công cụ sản xuất hiện đại, hiệu quả và phát triển của thị trường đã cho người nông dân có nhiều cơ hội hơn. Do đó, khi đã là chủ của tư liệu sản xuất, bạn còn cần tới phương thức sản xuất hiệu quả nữa. Vậy để có phương thức sản xuất ấy bạn chỉ có hai lựa chọn: một là tự học, hai là thuê người khác.

Đương nhiên, khi thuê người làm, ai cũng muốn thuê được người giỏi nhất, xuất sắc nhất, phù hợp nhất… đó là lý do khiến các bạn “đi làm thuê” lại có sự khác biệt giữa “người giàu và kẻ nghèo” dù cùng làm công nhân như nhau. Những người sở hữu được phương thức sản xuất hiện đại, hiệu quả sẽ luôn cho giá trị công lao động, và năng suất cao hơn nhờ đó được trả lương, thu nhập cao hơn những người bình thường.

Vậy làm sao để có phương thức sản xuất hiệu quả? Phương thức sản xuất hiện nay có hai dạng truyền dạy đó là:

– Chính quy, tập trung tại các cơ sở đào tạo, giáo dục phù hợp với từng trình độ, cấp độ khác nhau, từ thử việc tới chuyên sâu theo hệ thống phân cấp giáo dục trong các cơ sở cao đẳng, đại học, sau đại học.

– “Dân gian truyền khẩu”, đa phần là cầm tay chỉ việc nhưng thường là những phương thức sản xuất “đơn giản”, vì đơn giản nên mới có thể “truyền khẩu” chứ phức tạp thì rất khó, phải có trình độ cực kỳ cao mới có thể thu nhận nên không truyền được nhiều.

>> Ảo mộng bỏ học làm giàu

2. Người dốt lắm tiền?

Theo tôi, người “dốt” ở đây là chỉ “trình độ phương thức sản xuất” của người đó. “Dốt” có nghĩa là phương thức sản xuất lạc hậu, không hiệu quả, không phức tạp. Như vậy, người đó đã thiếu một trong hai yêu cầu để giàu có là “tư liệu sản xuất” và “phương thức sản xuất”, vậy tại sao họ vẫn “lắm tiền”? Theo tôi là do họ có trong tay tư liệu sản xuất tốt, dù phương thức sản xuất của họ được đánh giá là kém, nên họ vẫn giàu nhờ “thuê phương thức sản xuất của người khác”. Thuê ở đây có thể là do bạn bỏ tiền ra thuê người làm công… hoặc là “có được sự thừa kế thị trường”.

Thị trường cũng là tư liệu sản xuất. Ví dụ: một người bán bánh mỳ, bán khoai vẫn giàu có là vì phương thức sản xuất tuy lạc hậu, nhưng tư liệu sản xuất phong phú về thị trường. Do họ bán khoai, bán bánh mỳ, buôn bán ở nơi đông người, nhiều tiền, nên khách hàng của họ chi nhiều tiền cho hoạt động ăn uống, nhờ đó họ giàu có.

Vậy tại sao khách hàng của họ lại giàu có? Chính là nhờ sở hữu tư liệu sản xuất phong phú (có thể làm thuê có thể tự làm chủ) và phương thức sản xuất hiệu quả. Tức là khách hàng của họ thuộc dạng phải giàu có nhờ có học. Từ sự giàu có của khách hàng mà làm cho “bà bán xôi, bán khoai, bánh mì…” có thể giàu có lên tôi gọi là “cộng sinh học vấn” hay “cộng sinh phương thức sản xuất”.

Vậy nên khi “dốt” mà bạn muốn có “lắm tiền” chỉ có thể nhờ vào tư liệu sản xuất phong phú của tổ tiên để lại để thuê người khác hoặc là “chiến thắng trong cuộc chơi giành thị trường” đa phần là “cộng sinh học vấn” với khu dân cư nơi họ sinh sống, làm việc.

Các youtuber, KOL, ca sĩ, người mẫu, diễn viên… giàu có được đều nhờ khả năng “cộng sinh học vấn” với các doanh nghiệp sản xuất, bán hàng để PR, quảng cáo cho các doanh nghiệp, nhờ đó hưởng tiền từ chiến dịch quảng cảo, PR của họ. Những lao động xuất khẩu lao động giàu có được nhờ cộng sinh học vấn với các doanh nghiệp, xã hội học tập ở phương Tây, ở nước ngoài và ăn chênh lệch giá trị tiền tệ giữa hai nền kinh tế.

3. Người giỏi “ít tiền”?

Nhiều sinh viên, học sinh giỏi nhưng lại sống làng nhàng, làm việc bình thường, thậm chí thất nghiệp… và không bằng “kẻ dốt lắm tiền”, tại sao lại vậy? Đó là do, phương thức sản xuất của họ không phù hợp với tư liệu sản xuất mà họ có hoặc các doanh nghiệp nơi họ làm việc cần, hoặc là do trình độ phương thức sản xuất ấy thấp hơn các ứng viên đã được nhận. Thậm chí, cũng do họ không có khả năng tiếp cận với tư liệu sản xuất (do doanh nghiệp nơi họ sinh sống không có nhiều, họ không có khả năng xuất khẩu lao động tới các nơi cần phương thức sản xuất của họ).

Thánh Tuệ

>> Bạn nghĩ sao về tư tưởng không học vẫn giàu? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *