Người lương 9 triệu tốn tiền quán cà phê hơn lương 30 triệu

Người lương 30 triệu sống có phần thực dụng, biết lên kế hoạch trong khi anh chàng lương 9 triệu “nuông chiều cảm xúc”.

Mùa dịch bí bách ở nhà, chuyện cà phê quán xá ngày thường trở thành xa xỉ. Tôi cũng muốn chia sẻ vài quan điểm của mình. Tôi nhận thấy có vài vấn đề sau hai bài viết Lương 30 triệu vẫn tự pha cà phê mang đi làmTôi sẵn sàng chi tiền triệu mua ‘không khí quán cà phê’.

Giữa một người lương 30 triệu và một người lương 9 triệu, tức thu nhập trung bình và thu nhập cao, khi chia sẻ quan điểm về việc thưởng thức cà phê, chúng ta sẽ thấy ngay khác biệt.

Đầu tiên là về tư duy, hành động. Người có lương 30 triệu ắt hẳn không làm nhân viên cho một công ty lớn thì có lẽ cũng làm cấp độ quản lý. Người lương 9 triệu thì giới thiệu đang làm cho một startup, có lẽ còn trẻ tuổi.

Tôi thấy những người lương ở ngưỡng 30 triệu thường có chút gì đó gọi là thực dụng. Thực dụng ngay từ việc họ thưởng thức cà phê. Họ muốn uống cà phê “xịn”, hương vị “chuẩn” nhưng không hài lòng phải bỏ ra số tiền lớn nên quyết định đầu từ một máy pha 2 triệu và chịu khó mua cà phê, xay, rồi pha mỗi sáng. Trong khi đó, người lương 9 triệu ngày nào cũng duy trì thói quen uống cà phê, nhưng mục đích chính là cho có “không khí” và để “hóng chuyện”.

Thứ hai là quản lý thời gian. Những người có lương 30 triệu mà tôi biết, hầu như không có thời gian để la cà quán xá cả buổi sáng, buổi trưa, lẫn buổi tối. Họ làm việc rất nhiều, thời gian trống họ nghỉ ngơi hoặc dành cho những việc quan trọng hơn như gia đình, chăm sóc bản thân hoặc phát triển bản thân.

Nhưng tôi thấy có những người suốt ngày ngồi ở quán cà phê thường có thu nhập trung bình. Có thể ngồi đồng ở quán như vậy, thì rất lãng phí thời gian. Một số bạn sẽ nói rằng đi gặp khách hàng, đi gặp đối tác… nhưng chẳng lẽ ngày nào cũng gặp? Ở nhà không có không khí làm việc, ra quán ồn ào lại có hứng làm việc chăng?

Nếu bạn đi quán cà phê, trà sữa… và gặp những bạn trẻ này, họ sẽ nói là đi học bài, đi làm việc. Nhưng tận mục sở thị, bạn sẽ thấy nhiều người chỉ ngồi tám chuyện, lướt Facebook, chụp ảnh cho đẹp để đăng lên mạng.

Thứ đến nữa là việc kế hoạch cho bản thân. Người thu nhập cao thường là những người biết lên kế hoạch cho bản thân. Trong bài cũng có nói đến việc sau ngủ dậy là vệ sinh rồi pha cà phê, bỏ vào bình giữ nhiệt rồi đến thẳng công ty làm việc. Anh ấy đã từ bỏ thói quen mua cà phê trước đây.

Còn tôi thấy nếu ai ngày ngày qua ngày khác ở quán cà phê sẽ có mục đích hơi mơ hồ và không đem lại lợi ích trực tiếp cho bản thân và hình như cũng không có ý định hoạch định, thay đổi lại chuyện này.

Cuối cùng là tiết kiệm. Anh chàng lương 30 triệu tính toán kỹ lưỡng và chọn phương án tối ưu để tiết kiệm nhất. Trong khi anh chàng lương 9 triệu lại chọn tiêu đi 23% lương chỉ để nuông chiều cảm xúc của bản thân và không tính đến việc tiết kiệm khoản này. Hai triệu đồng mỗi tháng, một năm là 24 triệu, tức là mua được một chiếc xe máy giá trung bình.

Tôi phân tích sơ như vậy để thấy rõ tư duy và lối sống của người thích ngồi quán cà phê và người tự pha cà phê tại nhà, không nhằm nâng cao hay phê phán người nào. Bởi tôi cũng rất băn khoăn việc nhiều bạn trẻ đi làm, đi thực tập nhưng tiền lương tiêu phần lớn vào trà sữa, cà phê và la cà quán xá mỗi ngày. Vì tôi nhớ mãi nhận xét của một người nước ngoài mà tôi đã đọc được là “mỗi buổi tối ra đường là thấy thanh niên Việt Nam ngồi chật kín các quán cà phê, trà chanh chém gió”.

Nguyễn Hoạt

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *