Người nghèo thành phố vật lộn mưu sinh trong Covid-19

Quán nước vỉa hè là cần câu cơm duy nhất nuôi vợ tai biến, con bại não của ông lão trước cơ quan tôi cho đến khi Covid-19 xuất hiện.

Khi lệnh giãn cách xã hội được thực hiện để phòng chống Covid-19 được ban hành, những người nghèo đô thị mưu sinh bằng hàng rong là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia có bài viết chia sẻ về vấn đề này:

Ngay sát cơ quan tôi có một quán nước vỉa hè. Chủ quán là người đàn ông trạc 70 tuổi, trông khắc khổ và điềm đạm.

Khách hàng chung thuỷ là mấy bác xe ôm, vài người dân trong ngõ cũng trạc tuổi ông chủ quán. Trên cái hộp gỗ nhỏ bày lèo tèo hộp trà, vài chai nước suối, mấy bao thuốc màu vàng mà tôi cũng chưa kịp đọc nhãn mác. Thỉnh thoảng quán đông khách, người đứng, người ngồi lố nhố, ấy là khi những phụ huynh trong lúc chờ đón con cháu, tạt vào làm ấm trà.

Thoạt tiên tôi nghĩ, chắc ông chủ mở quán bán cho vui, cốt là để có người nói chuyện. Vì kiểu bán như thế lời lãi được bao nhiêu. Nhưng khi nói chuyện với mấy người dân quanh đấy, tôi đã giật mình, hoá ra đó là cái “cần câu cơm” duy nhất của người đàn ông trụ cột gia đình dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”.

>> Bài viết cùng tác giả: Dùng hiệu ứng chuồn chuồn chống Covid-19

Gia cảnh của ông thật éo le, đứa con duy nhất bị bại não, có lớn mà chẳng có khôn. Bà vợ cũng xấp xỉ tuổi ông bị tai biến hàng chục năm nay, gần như không làm được gì. Còn ông, căn bện thấp khớp hành hạ, đến mang mấy thứ hàng hoá đơn giản ra bán, nhiều khi cũng phải nhờ hàng xóm.

Ấy thế nhưng cái quán hàng đạm bạc đó đã giúp gia đình ông duy trì được cuộc sống trong suốt bao nhiêu năm. Những tưởng cứ thế túc tắc cho đến khi không thể làm gì được nữa, thì đùng một cái, “con Covid” từ trên trời rơi xuống.

Ngay cả khi chưa có lệnh giãn cách xã hội, cái quán nhỏ của ông đã thưa khách. Đến mấy vị khách thân thiết cũng ít ra ngồi. Thu nhập của ông chủ yếu trông vào vài người khách vãng lai, nhưng dẫu vậy, có còn hơn không. Còn khi chính quyền thực hiện giãn cách xã hội, cấm các hình thức dịch vụ vỉa hè, mà có người hài hước gọi là “dịch vụ bên ngoài” (so với “dịch vụ bên trong” là các nhà hàng, cửa hiệu), thì hàng mấy tháng liền tôi không còn nhìn thấy ông chủ quán cóc đâu nữa.

Đã nhiều lần tôi tự hỏi, vậy người đàn ông với cái gia đình có bao nhiêu vấn đề ấy sẽ sống ra sao? Sự bảo đảm an toàn cho cộng đồng có bảo đảm an toàn cho chính gia đình ông?

>> ‘Người về nước bị cách ly có thể chia sẻ chi phí’

Trong thực tế, những gia đình kiểu ông chủ quán trên ở các khu đô thị khá nhiều. Họ không có vốn tích luỹ đủ để đầu tư cho việc làm ăn với quy mô lớn hơn. Họ cũng không có phương tiện, công cụ sản xuất (ít nhất là đất đai) như người nông dân để tự cung, tự cấp.

Trong bối cảnh nguồn phúc lợi xã hội đang còn hạn hẹp, người dân nghèo đô thị buộc phải tự xoay xở trong cái giới hạn chật chội của cơ hội kiếm tiền mưu sinh. Mặc dù chính sách an sinh xã hội của Nhà nước cùng với nỗ lực của nhà chức trách đã phần nào làm an lòng những người đang rơi vào cảnh nguy khốn do dịch bệnh.

Ở Việt Nam, ngưỡng “thu nhập trung bình thấp” thật sự mong manh khi số người rơi từ cận nghèo xuống nghèo được báo hiệu sẽ gia tăng.

Trong khi chuẩn nghèo quốc tế lại bổ sung thêm nhiều tiêu chí đa chiều, thì có lẽ cuộc bứt phá của chúng ta trong bối cảnh hiện nay sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Rồi tất cả sẽ lại trở về “tình trạng bình thường mới”, nhiều tín hiệu khả quan trước sự quyết liệt và năng động của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của người dân. Nhưng “bình thường mới” cũng cần có những quyết sách mới, biện pháp mới.

>> ‘Con khỉ thứ 100’ và sự xuống cấp của văn hóa

>> Cô bé Singapore nhặt rác trả lại cho vị khách Việt ‘đánh rơi’

Mới đây, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo ngành thuế các cấp thường xuyên rà soát đảm bảo đầy đủ dữ liệu đối với các cá nhân hoạt động không thường xuyên như xe ôm, xe lam, kinh doanh quán cóc, vỉa hè…nhằm xây dựng chính sách “khoán thuế” với nhóm đối tượng này.

Tuy nhiên, trước khi tính đến chuyện thu thuế, hãy tính đến việc đảm bảo mưu sinh cho chính những đối tượng này. Dữ liệu về họ sẽ có ý nghĩa nhân văn hơn nhiều nếu chúng ta đặt ra và giải bài toán: Làm sao để nhóm hoạt động kinh doanh nhỏ, lẻ vẫn có được nguồn thu nhập, đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu.

Làm sao để sau những biến động lớn, họ vẫn đủ lực để tiếp tục duy trì cuộc sống của mình mà không bị gục ngã. Phát triển bền vững phải gắn liền với sự ổn định trong cuộc sống của người dân. Bởi an dân mới là thượng sách trong bất cứ nền quản trị quốc gia nào.

TS Nguyễn Thị Hường

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *