‘Người trẻ đòi về quê là nhụt chí’

Tốn thời gian và tiền của học hành, khi làm việc gặp chút khó khăn nhiều bạn trẻ có ý về quê, nhưng liệu có dễ dàng?

Kể từ lúc anh chàng rapper thổi những ca từ: “Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau. Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau” và những video làm nông nghiệp thơ mộng của cô Lý Tử Thất bên Trung Quốc trở nên viral, tôi thấy cái phong trào bỏ phố về quê được nhiều người nói đến. Mà đa số là những người trẻ với tư tưởng muốn thoát ly khỏi cuộc sống thành thị, văn phòng gò bó.

Đại loại cuộc sống ở thành phố bây giờ quá chán nản rồi, tại sao mỗi ngày phải đến công sở làm gì, phải làm việc với đồng nghiệp khó ưa hay ông sếp trái nết làm chi? Sao phải chịu đựng những khổ cực tinh thần như vậy đổi lấy xấp tiền polyme cuối tháng? Bỏ, bỏ tất cả đi, ào về quê nuôi cá và trồng rau, sống lây lất qua ngày cũng được mà?

>> Tháo chạy khỏi farmstay

Và công bằng mà nói văn thơ, bài hát có một độ lặp về ý tưởng và tư tưởng nhất định. Vài thế kỷ trước, Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài Cảnh nhàn cũng có cái nhìn tương đương :

“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chỗ lao xao”.

Thật ra, từ khi từ loài vượn cổ tiến hóa thành người tối cổ, người tối cổ biết sử dụng công cụ bằng đá trở thành người tinh khôn và tiến vào xã hội nông nghiệp, thì con người luôn trong trạng thái bị cầm tù, về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Ở xã hội nông nghiệp, con người bị cầm tù trong khung địa lý hẹp là làng, xã, mảnh ruộng, miếng vườn của mình. Ngày nào cũng làm từng ấy công việc có tính chu kỳ: cuốc đất, gieo hạt, tưới nước, thu hoạch… trên cánh đồng để đảm bảo nguồn thức ăn.

Khi xã hội tiến lên nấc thang công nghiệp, con người cũng vì miếng ăn mà bị nhốt mỗi ngày chục tiếng trong hầm mỏ, nhà xưởng. Khi xuất hiện thêm ngành kinh tế dịch vụ, con người bị nhốt thêm trong bốn bức tường của cửa hàng, văn phòng…

Nhưng cuộc sống là một chuỗi những giá trị đi lên. Nếu như ở xã hội nông nghiệp, người nông dân phó mặc cây trái, lúa ngô cho ông trời, cho thiên nhiên để chịu cảnh bữa đói, bữa no, năm nào thiên tai mất mùa, hạn hán thì nạn đói xảy ra liên miên. Ở xã hội công nghiệp cũ, người lao động chịu nhiều áp bức, bị bóc lột, làm việc nặng nhọc nhưng bù lại được trả lương (dù rất ít ỏi) và được đảm bảo thức ăn đầy đủ (nếu làm được việc).

>> Ảo tưởng bỏ phố về quê như Lý Tử Thất

Vậy thì xã hội bây giờ, các bạn trẻ được ăn trắng mặc trơn, vừa có tiền lương rủng rỉnh mua hàng online, vừa làm việc trong môi trường máy lạnh, ít độc hại, không nặng nhọc về thể xác thì bù lại tinh thần, trí óc phải căng thẳng một chút là điều dễ hiểu. Với lại nếu không phù hợp công ty này thì chuyển việc qua công ty khác. Mới chỉ có một chút xíu stress này nọ thì đã nảy sinh ra cái tinh thần “bỏ phố về quê” (hay nói thẳng ra là chạy trốn thực tại) là làm sao?

Về quê, nuôi cá và trồng thêm rau nó không đơn giản như một câu trong lời bài hát. Đằng sau nó là cả một nỗi niềm cực nhọc, lao động vất vả chứ cứ thong dong, an nhiên thì đủ ăn đủ mặc chăng?

Sự ngộ nhận này của nhiều người trẻ khiến tôi cảm thấy không hài lòng. Bởi những bạn này tốn mười mấy năm trời ăn học, làm việc lại bị thoái chí, quay về bước đường làm nông.

Mà khi bỏ phố về quê làm nông, họ lại dựa theo chủ nghĩa kinh nghiệm như ông cha ngày trước. Nhiều bài viết chia sẻ, đùng một cái nghỉ việc, dắt díu vợ chồng, con cái về quê. Họ đầu tư tiền làm trang trại, nuôi heo, nuôi gà, trồng rau nhờ học trên Youtube, trên mạng. Lẽ ra, với trình độ và kiến thức có được, những bạn này phải chịu khó tìm tòi, đầu tư và tìm mô hình nông nghiệp phù hợp với thời cuộc. Đã có ai chịu khó đến các trung tâm con giống, trường dạy nông lâm để tham khảo, học một khóa ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi chưa? Hay là cứ nhắm mắt mua heo giống, gà giống về nuôi và chờ chúng lớn?

Hoài Nguyên

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *