Nhà ống đô thị cháy, biết chạy đi đâu?

Tôi thuê phòng trên tầng hai của một căn nhà ba tầng. Sau lần bị mất trộm, chủ nhà quyết định gọi thợ sắt đến làm rào chắn bịt kín.

Như vậy, căn nhà khép kín, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Với các thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh của bọn trộm ngày nay thì điều đó có hiệu quả hay không thì tôi không chắc. Nhưng tôi khá bất an khi sống trong một cái lồng sắt như vậy.

Thấy bác chủ nhà bảo từ nay không lo trộm nữa, tôi bảo: Cháu nói không phải, nhưng lỡ hoả hoạn thì biết chạy đi đâu? Lập tức sắc mặt của ông ấy sầm xuống, bảo tôi không ở thì dọn đi chỗ khác, sao lại nói gở thế?

Một lần khác, tới thăm nhà người bạn làm dày gia ở quận Bình Tân, tôi không khỏi lo giùm cho gia chủ khi nguyên liệu chất đầy từ sàn lên trần, từ cửa trc tới tận cầu thang phía sau nhà, chưa kể các chất dễ cháy như keo dán…vậy mà họ rất ỷ y, kê bàn thờ ông địa đốt đèn, nhang nghi ngút…

Vài tháng gần đây, ở Sài Gòn xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại nhân mạng lớn. Cám cảnh hơn khi cả gia đình 5,6 người chỉ có một người thoát.

Các vụ cháy nhà ống, nhà trong hẻm thường không lối thoát: cửa bít bùng, chỉ có lối thoát hiểm duy nhất, hẻm nhỏ nên các phương tiện cứu hoả khó tiếp cận… Nếu có dịp đi máy bay, lúc gần đáp xuống Tân Sơn Nhất, bạn hãy nhìn khung cảnh thành phố qua cửa sổ, sẽ thấy hàng trăm nghìn căn nhà ống như vậy, chen chúc, ngột ngạt ở nội thành. Mà chúng đều có nguy cơ dồn người ở vào đường cùng nếu chẳng may hoả hoạn xảy ra.

Bởi thế, dù rất muốn ở nhà mặt đất nhưng tôi đành mua chung cư. Vì ít ra ở đó có hệ thống báo cháy, chữa cháy bài bản hơn nhà ống trong hẻm. Nếu xảy ra cháy, người ở chung cư có khả năng sống sót cao hơn.

Nhưng không phải ai cũng thích ở chung cư. Vì thế ở nhà ống, nhà phố, khi thiết kế cần lưu ý chừa cho gia đình một hoặc nhiều lối thoát khi cháy. Đừng làm chuồng cọp, đừng rào kín căn nhà quá mức.

Hơn nữa, việc kinh doanh, sản xuất các vật liệu dễ cháy cần được loại bỏ ở khu dân cư, nếu muốn sản xuất thì xin mời thuê nhà xưởng. Vấn đề thờ cúng ông địa, thần tài của người buôn bán cũng cần được lưu tâm. Tín ngưỡng trong buôn bán là nhu cầu tinh thần, nhưng việc đốt nhang đèn, vàng mã cúng kiếng cũng là nguy cơ xảy ra cháy nổ.

Tôi nghĩ mỗi chủ nhà ống cần nghiêm túc xem xét lại kết cấu ngôi nhà của chính mình và đặt câu hỏi: Nếu cháy, biết chạy đi đâu để có giải pháp phù hợp. Lo xa không thừa đâu.

Hiệp Thành

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *