‘Nhà tuyển dụng và ứng viên đều thiếu khiêm nhường’

Từ thuở nhỏ tôi đã được dạy bảo về sự khiêm nhường nhưng có lẽ tôi chỉ thật sự để ý đến nó từ một buổi học hồi đại học.

Khi đó tôi chỉ là một sinh viên năm cuối nhưng đã được ưu tiên cho một suất trợ giảng. Hôm đó là buổi học về phát triển nhân cách. Câu hỏi được đặt ra là: Các bạn hãy nói tên người khiêm nhường nhất mà bạn biết.

Thật bất ngờ, những cái tên được nêu ra trong lớp học đều là những học viên, giáo viên suất sắc nhất của trường. Điều này khiến tôi tò mò về sự liên quan của đức tính này với trình độ của một cá nhân. Và tôi bắt đầu tìm hiểu bằng cách tiếp cận những cá nhân được nêu tên này, trò chuyện và tìm hiểu họ.

Thật ra cho đến tận thời điểm hiện tại, tức là hơn ba năm kể từ lúc đó, tôi mới chỉ gặp được quá nửa số người đó. Nhưng có một điểm chung tôi cảm nhận được ở những người đó đó là nói chuyện với họ tạo cho ta một cảm giác được tôn trọng và lắng nghe, mặc dù những người đó đều rất tự tin, đầy kiêu hãnh và tự trọng. Điều đó khiến tôi phải suy ngẫm và tự định nghĩa lại từ khiêm nhường.

>> Tôi trượt phỏng vấn vì bị hỏi về sếp cũ

Trước đây khi là một đứa trẻ, tôi được dạy rằng sự khiêm nhường là gọi dạ bảo vâng. Thấy người lớn tuổi phải chào hỏi, thầy cô nói phải nghe, bố mẹ nói phải nghe. Dần dần hình thành trong tôi khiêm nhường và nghe lời có lẽ cũng không quá khác biệt. Tuy nhiên khi tiếp xúc cùng những người mà tôi đã nói, tôi nhận ra khiêm nhường xuất phát từ sự tôn trọng người đối diện.

Đó là việc luôn để trong đầu suy nghĩ rằng người đối diện ở một phương diện gì đó sẽ tài giỏi hơn ta và ta cần học tập. Tôi vẫn nhớ một câu trong lần trò chuyện với một anh sinh viên suất sắc nhất của trường tại khóa trên: “Khi còn là sinh viên hay nhân viên quèn, em có thể học tập từ những người suất sắc hơn em rất nhiều, như các thầy cô, các leader. Nhưng khi em đã có những chứng chỉ cao cấp như bằng tốt nghiệp các đại học danh tiếng, chứng chỉ của các tập đoàn danh tiếng thì số người suất sắc hơn em đã không còn bao nhiêu. Nếu em vẫn giữ thái độ rằng chỉ có thể học từ những người suất sắc hơn thì em đã tự thu hẹp con đường tăng trưởng kiến thức của mình”.

Thực vậy, mỗi người sống trong xã hội đều liên tục học tập theo cách này hay cách khác. Kiến thức của họ vì vậy cũng vô thức được bồi đắp cùng thời gian. Một người thợ xây già có lẽ còn chẳng biết đọc một bản thiết kế công trình nhưng vẫn có thể xây cửa sổ đẹp và sáng sủa hơn một kiến trúc sư xây dựng. Họ làm được vì những tích lũy những nhận xét của bản thân và xung quanh trong quá trình làm việc.

Nếu ngay từ đầu ta thể hiện thái độ coi thường những người kém hơn ta, ta sẽ mất đi cơ hội được tiếp cận những kiến thức đó. Có lẽ nó không nhiều nhưng qua thời gian sẽ là một con số đáng kể.

Nhưng khiêm nhường cũng không đồng nghĩa với sự khúm núm. Khiêm nhường là thái độ tôn trọng người đối diện chứ không phải thái độ tự hạ thấp bản thân. Thực tế những người khiêm nhường đều có cái tôi rất cao.

Vì rất cao nên họ sống chính trực, không lừa người, lừa mình. Họ sẽ không trộm cắp, kể cả là trộm cắp kiến thức vì điều đó không khác gì tự nhận bản thân họ kém cỏi. Họ cũng sẽ không nói xấu người khác chỉ để bản thân được tôn lên, vì như thế chẳng khác nào thừa nhận mình không bằng người.

Có thể nói, so với một người khoe khoang, sẽ luôn kéo người khác xuống trình độ thấp hơn mình để so sánh, người khiêm nhường lại nâng người khác lên một cấp độ cao hơn và lấy đó là tiêu chí so sánh với bản thân. Điều đó cho họ một cái nhìn cầu tiến hơn, và vì vậy có thể đạt được trình độ cao hơn theo thời gian.

Dạo gần đây tôi đọc được rất nhiều các bài báo của các nhà tuyển dụng phàn nàn thái độ của ứng viên, còn bên ứng viên thì phàn nàn nhà tuyển dụng thiếu trình độ, không đáng để cống hiến.

>> Hồ sơ xin việc không bằng cấp sẽ chẳng ai gọi phỏng vấn

Theo tôi thì cả hai đều đang thiếu một góc nhìn khiêm nhường để đánh giá nhau. Bên phía nhà tuyển dụng, có lẽ họ đánh giá quá thấp trình độ của sinh viên hiện nay. Đúng là có một thời kỳ nền giáo dục của chúng ta bị loạn bằng cấp, khiến các đánh giá của môi trường học tập và lao động bị lệch pha quá nhiều. Nhưng hiện nay cả hai đã dần sát lại. Các bạn sinh viên hiện nay đã chú trọng rất nhiều vào những kiến thức để làm được việc và sát với thực tế. Bản thân tôi khi tiếp xúc nhiều với thế hệ “gen Z” đều cảm thấy vô cùng áp lực vì kiến thức và tầm nhìn hiểu biết của các bạn ấy quá giỏi, hơn xa tôi khi bằng tuổi họ. Cảm giác đến lúc mình phải về vườn luôn rồi.

Nhưng cũng chính nhờ trình độ đó khiến cho các bạn ấy mất đi cái cảm giác cần tôn trọng những người không suất sắc được bằng mình và vì thế dẫn đến những thái độ gây khó chịu và ức chế cho nhà tuyển dụng.

Đối với những nhà lãnh đạo và tuyển dụng kỳ cựu, có lẽ họ chưa chắc đã có một bảng thống kê hay nghiên cứu gì liên quan đến tính khiêm nhường và trình độ của mỗi cá nhân. Nhưng bằng vào kinh nghiệm và thực tế bản thân, họ cũng có thể lờ mờ đưa ra được nhận định, khi so sánh hai cá nhân suất sắc, người có thái độ khiêm nhường hơn về lâu dài có thể đạt được trình độ cao hơn, thành tựu cao hơn. Nên họ sẽ ưu tiên người như thế.

Có lẽ sau này chưa chắc những người đó vẫn sẽ làm cho công ty nhưng ít nhất công ty vẫn sẽ có một mối liên hệ với cá nhân suất sắc mà trong nhiều trường hợp có thể là cánh cửa mở ra một cơ hội mới. Tôi luôn cảm thấy ngày nay, doanh nghiệp và người lao động như có một thỏa thuận ngầm rằng cả hai sẽ lợi dụng đối phương nhiều nhất có thể trước khi chia tay nhau. Tôi thấy đây là một quan niệm sai lầm với cả hai bên.

Ngày nay là thời đại của tri thức, doanh nghiệp hay người lao động đều không bền vững và dễ dàng sụp đổ trước cạnh tranh và biến cố của thời đại, chỉ có kiến thức là còn lại và trường tồn. Như nhà kinh tế học Adam Smith viết trong cuốn Của cải của các dân tộc: “Tay nghề và trình độ của người lao động là vốn quý với chính anh ta và tổ chức, xã hội nơi anh ta thuộc về”. Đối với mỗi cá nhân, tích lũy được thêm kiến thức là tích lũy thêm được một phần bảo hiểm trong xã hội ngày nay. Mà khiêm nhường là yếu tố quan trọng để bản thân mỗi người có thể tiếp cận được vốn kiến thức của người khác.

Đối với doanh nghiệp, kiến thức của người lao động là một dạng vốn, và nếu phải nói cụ thể, nó là vốn cố định, giống như tiền mua máy móc công cụ sản xuất, thứ mà có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu quả vốn lưu động cũng như lợi nhuận có thể kiếm được.

>> Ra trường 7 năm vẫn đi xin việc lương 6 triệu đồng

Việc tôn trọng người lao động có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận được kiến thức của những cá nhân suất sắc để anh ta đem kiến thức dạy lại cho doanh nghiệp. Khi đó kiến thức mới thuộc về và được nhân ra trong doanh nghiệp, hay nhìn nhận dưới góc độ kinh tế học, vốn doanh nghiệp đã được tăng lên rất nhiều, mà không cần một “ông shark” (nhà đầu tư) nào đó bơm tiền.

Xã hội ngày nay với sự phát triển của mạng xã hội và những cá nhân nói luôn mồm, sự khiêm nhường có vẻ như là một cái gì đó thiếu thực tế và không giúp ích được gì. Nhưng xã hội tự nó luôn tìm về được điểm cân bằng là các giá trị đã phát triển trong hàng nghìn năm.

Sự khiêm nhường là một giá trị như thế. Nó mang lại nhiều lợi ích mà tôi nghĩ bất cứ cá nhân nào muốn tiến lên đỉnh cao sẽ đều cần và trui rèn nó. Trước khi nhận xét một cá nhân, hãy đặt họ vào địa vị cao hơn bản thân để đưa ra nhận xét. Bằng cách đó chúng ta sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.

Nguyễn Hoàn

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *